Pages

Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

‘Ấn Độ muốn VN mạnh trên Biển Đông’

Việt Nam và Ấn Độ có cùng lợi ích trên Biển Đông?
Việt Nam là đối tác trụ cột trong chính sách ‘Hướng Đông’ của Ấn Độ và mục tiêu của New Delhi là muốn giúp Việt Nam xây dựng tiềm lực để trở thành một quốc gia mạnh trên Biển Đông, một chuyên gia về chính sách quân sự của Ấn Độ nhận định với BBC.
Giáo sư Bharat Karnad, chuyên gia về quân sự và an ninh quốc gia tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách ở New Delhi, đã đưa ra nhận định này nhân chuyến thăm kéo dài bốn ngày của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đến Việt Nam bắt đầu từ ngày 14/9.

Chính sách ‘Hướng Đông’


Ông giải thích một nội dung chủ yếu của chính sách ‘Hướng Đông’ của Ấn Độ là ‘xây dựng năng lực’ cho các nước, nhất là Việt Nam và Philippines.
“Hướng Đông là một chính sách đang thành hình,” Giáo sư Karnad nói. “Ý tưởng của chính sách này là để cho các nước ven Trung Quốc xích lại gần nhau và cùng hợp tác trong lĩnh vực an ninh để hạn chế các lựa chọn của Trung Quốc trong việc đối phó với họ.”
“Chúng tôi tham gia rất nhiều trong việc củng cố sức mạnh hải quân cho Việt Nam,” ông nói.
Ông đưa ra dẫn chứng rằng New Delhi đang tính đến việc cung cấp tên lửa hành trình BrahMos cho Việt Nam, giúp huấn luyện thủy thủ đoàn cho các tàu ngầm lớp Kilo mà Việt Nam mua từ Nga và sắp mở gói tín dụng trị giá 100 triệu đôla Mỹ cho Việt Nam để giúp nước này mua thêm 5 chiếc máy bay tuần tra của Ấn Độ.
"Ý tưởng của việc này (chính sách Hướng Đông) là xây dựng Việt Nam trở nên hùng mạnh trên Biển Đông và đây là cách mà chúng tôi tin rằng sẽ giúp răn đe Trung Quốc đừng có những hành động hung hăng."
Giáo sư Bharat Karnad, Trung tâm Nghiên cứu chính sách, New Delhi
“Ý tưởng của việc này là xây dựng Việt Nam trở nên hùng mạnh trên Biển Đông và đây là cách mà chúng tôi tin rằng sẽ giúp răn đe Trung Quốc đừng có những hành động hung hăng,” ông nói.
Theo Giáo sư Karnad thì chính sách ‘Hướng Đông’ của Ấn Độ trải dài từ Vịnh Bengal cho đến Biển Nhật Bản và do đó Việt Nam và Nhật Bản được Ấn Độ xem là ‘hai trục chính’ trong chính sách ‘Hướng Đông’ của mình.
“Việt Nam nổi lên như là trục trung tâm còn Nhật Bản là trục cuối. Đây là cách mà Ấn Độ sẽ thi hành chính sách ‘Hướng Đông’.”
Ông cho biết những nước bị ảnh hưởng bởi tuyên bố chủ quyền đường chín đoạn của Trung Quốc ‘sẽ được Ấn Độ ủng hộ’.
Chính vì vậy mà chuyến công du Việt Nam lần này của Tổng thống Mukherjee ‘chắc chắn nằm trong chiến lược thực hiện chính sách ‘Hướng Đông’ của Ấn Độ’, Giáo sư Karnad nói và cho biết nghị trình trong chuyến thăm này sẽ bao gồm việc Ấn Độ tham gia khai thác dầu khí ở các lô mà Việt Nam chào mời trên Biển Đông.
Ấn Độ và Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2007
Điều này cho thấy Ấn Độ tái khẳng định cam kết của họ đối với khu vực Biển Đông, ông nhận xét, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh.
“Những lô này nằm hoàn toàn trong vùng biển mà Việt Nam tuyên bố có chủ quyền,” ông nói.
“Ấn Độ đã nói rằng họ không đi đâu cả và rằng lợi ích của chúng tôi là ở việc ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Việt Nam.”
“Bắc Kinh phản đối một số việc mà Ấn Độ làm. Điều này cũng bình thường thôi,” ông nói thêm. “Luôn luôn có khác biệt và xung đột lợi ích giữa Bắc Kinh và New Delhi.”

Tín hiệu đến Trung Quốc?

Lãnh đạo Việt Nam-Ấn Độ liên tục thăm viếng lẫn nhau
Bình luận về việc chuyến đi Hà Nội của Tổng thống Mukherjee diễn ra đồng thời với chuyến công du Ấn Độ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Giáo sư Karnad phân tích rằng điều này đánh một tín hiệu đến Trung Quốc rằng Ấn Độ ‘đang xây dựng các lựa chọn khác ở châu Á’.
Trước thềm chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Mukherjee đã nói trong một cuộc phỏng vấn với Thông tấn xã Việt Nam rằng ông mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh và chính trị.
“Quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam chưa bao giờ tốt như hiện nay,” Tổng thống Mukherjee nói với Thông tấn xã Việt Nam.
Trong ngày 15/9, hai hãng hàng không Việt Nam và Ấn Độ ký kết Biên bản ghi nhớ khai thác và hợp tác xúc tiến đường bay thẳng nhân chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ.
Vietnam Airlines và Jet Airways đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc mở đường bay thẳng.
Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Pranab Mukherjee cũng chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác khác.
Trong đó có Ý định thư về hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) và Tổng Công ty Dầu khí Ấn độ (ONGC Videsh Ltd).
Quốc vụ khanh Dầu khí và Khí đốt Dharmendra Pradhan nằm trong phái đoàn của Tổng thống Ấn Độ thăm Việt Nam lần này.

Không có nhận xét nào: