Pages

Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

VN tính GDP thế nào để tránh sai lệch?

Các tỉnh thành tại Việt Nam bị cho là tính GDP cao hơn so với thực tế
Tổng cục Thống kê cần đóng vai trò thống nhất trong việc tính GDP ở cấp trung ương và địa phương để tránh hiện tượng trùng lặp và chênh lệch, theo tiến sỹ Vũ Minh Khương, từ Đại học Quốc gia Singapore.

"Thế nhưng ở Việt Nam, chính quyền địa phương can thiệp khá nhiều vào tính toán. Đây không phải là chuyện lạ, hiện tượng này cũng xảy ra khá nhiều ở Trung Quốc".
"Hiện Chi Cục Thống kê ở từng địa phương được giao trách nhiệm tính toán GDP ở địa phương đó," ông nói trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 14/8.

Tuy nhiên, theo ông Khương, "việc chỉnh sửa lại không phải là quá khó".
"Tổng cục Thống kê cần đóng vai trò là một cơ quan thống nhất để tính toán giá trị gia tăng ở địa phương cũng như ở cấp quốc gia và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về các sự chênh lệch, sai sót nếu có."
Tiến sỹ Khương cũng cho rằng sự chênh lệch lâu nay không ảnh hưởng đáng kể đến những quyết sách quốc gia từ trước đến nay.
"Quyết sách của quốc gia lâu nay dựa chủ yếu vào chỉ số GDP của trung ương, cái đó là cơ bản là chính xác," ông nói.
"Chỉ các địa phương có số liệu khác nhau, đẩy lên cao hơn so với khả năng, và hiện nay cái cần là phải cắt bỏ đi sự trùng lặp".

'Tính không giống ai'

"Tỉnh nào tôi đi làm việc đều từ 9 đến 14%, trong khi cả nước chỉ 5,8%"
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Trước đó, tại Hội nghị hôm 7/8 tại Đà Nẵng, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng được các báo dẫn lời nhận định rằng cách tính Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) hiện nay tại các địa phương cao hơn nhiều so với thực tế.
"Quá trình chuyển đổi từ kế hoạch tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường, chúng ta kế thừa cách tính theo Liên Xô trước đây và kéo dài cho đến hôm nay thì không thích hợp nữa rồi", ông nói.
"Cách tính GDP của các tỉnh thành hiện nay không xác thực, không đúng thực tế và so với quốc tế thì không giống ai cả".
"Tỉnh nào tôi đi làm việc đều từ 9 đến 14%, trong khi cả nước chỉ 5,8%," ông nói.
Trước đó, hồi tháng giữa tháng Bảy, trong một cuộc phỏng vấn với Đài tiếng nói Việt Nam, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm khẳng định cách tính GDP của Việt Nam là "đúng theo phương thức tính thông kê của Liên Hiệp Quốc".
Ông Lâm cho biết trong những năm gần đây, các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế không còn rà soát nguồn thông tin dùng để tính toán GDP của Việt Nam.
Ông nói hoài nghi của dư luận về cách tính GDP của cơ quan ông là "không có cơ sở", thể hiện sự "hiểu biết không thấu đáo và sai lệch về hệ thống tài khoản quốc gia".
Mặc dù thừa nhận có "hiện tượng chênh lệch" trong thống kê GDP giữa địa phương với toàn quốc, nhưng ông Lâm khẳng định việc này "không ảnh hưởng đến tính chính xác của số liệu GDP tính cho toàn bộ nền kinh tế"
Hôm 8/8, Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh được các báo trong nước dẫn lời nói để khắc phục mức chênh lệch hiện nay, "bắt đầu từ năm 2015, Tổng cục thống kê sẽ tính và công bố để có sự thống nhất về con số GDP giữa địa phương và trung ương."

Không có nhận xét nào: