Pages

Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

Trung Quốc đối diện với sức ép lớn ở Diễn đàn An ninh

Sau những phát ngôn và hành động hung hăng gần đây, Bắc Kinh sẽ phải chịu sức ép lớn từ các nước cùng tham dự diễn đàn an ninh khu vực (ARF) cuối tuần này, các nhà phân tích nhận xét.

Trong những tháng qua, Trung Quốc gia tăng các hoạt động khai hoang ở các bãi đá thuộc Trường Sa. Ảnh: Rappler
"Tôi không trông đợi bất kỳ thay đổi nào trong quan điểm của Trung Quốc (về vấn đề Biển Đông) tại diễn đàn ARF này. Vì thế Bắc Kinh sẽ tiếp tục bị cô lập", ông Rajaram Panda, nhà phân tích chiến lược về các vấn đề Châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học Reitaku, Nhật Bản trao đổi với VnExpress.

Những dấu hiệu từ Bắc Kinh thời gian gần đây cho thấy đoàn đại biểu của Trung Quốc tham dự ARF sẽ khá là "cứng rắn", Gregory Poling, chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) của Mỹ nhận định.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đầu tuần này thẳng thừng từ chối đề xuất kế hoạch ba điểm của Philippines, trong đó có gợi ý đóng băng các hoạt động làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Bắc Kinh ngang nhiên nói sẽ tiếp tục xây dựng bất cứ thứ gì họ muốn ở quần đảo Trường Sa. Và hiện nay cũng có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ không tiếp thu ý kiến nào từ Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người dự kiến sẽ yêu cầu Trung Quốc ngừng các hoạt động khiêu khích ở Biển Đông.
Các hoạt động xây dựng và cải tạo đất ở những bãi ngầm ở Trường Sa mà Trung Quốc thực hiện thời gian qua là sự thay đổi hiện trạng, có thể khiến căng thẳng và nguy cơ xung đột gia tăng, bị các nước liên quan phản đối.
Trước khi ông Kerry lên đường tới Myanmar dự diễn đàn ARF cùng các nước ASEAN và các đối tác khác, trợ lý của ông là Daniel Russel tuyên bố Mỹ sẽ kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông ngừng các hành động gây căng thẳng ở khu vực.
Theo quan điểm của Washington, việc "đóng băng" các hành động khiêu khích có thể bao gồm việc tuân theo thỏa thuận không chiếm giữ các thực thể không có người ở, tạm ngừng nỗ lực khai hoang trên các đảo, đá, không làm thay đổi nguyên trạng. Washington cũng mong thấy những tiến triển của ASEAN và Trung Quốc trong việc nhất trí về bộ Quy tắc ứng xử COC.
"Việc kêu gọi đóng băng các hành động ở Biển Đông có thể là một mức ràng buộc và ngoại giao mới của Mỹ. Washington đã quyết định là căn cứ vào những gì Trung Quốc làm, chứ không phải những gì họ nói. Bắc Kinh phải thay đổi cách thức trong cuộc chơi.", Ernest Bower, cố vấn cao cấp tại CSIS nhấn mạnh.
Do đó, giới quan sát nhận định tại cuộc họp ARF này Trung Quốc sẽ phải đương đầu với áp lực ngoại giao có dự tính lớn nhất từ nhiều nước, đòi Bắc Kinh ngừng các hành động hung hăng ở Biển Đông, nhằm hiện thực hóa yêu sách vô lý chiếm đến 90% khu vực này.
Nói rõ điều muốn nói
"Điều tôi sẽ tìm kiếm ở hội nghị của ASEAN tại Myanmar lần này là có thể nói ra điều chúng tôi thực sự muốn nói khi đề cập đến việc kiềm chế", Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết.
Indonesia mong các nước liên quan ở Biển Đông làm rõ những hành động mà họ sẽ ngừng. Indonesia, một nước được coi là đóng vai trò "anh cả" trong ASEAN đã bày tỏ ủng hộ đề xuất đóng băng của hoạt động gây căng thẳng do Philipines đề xuất.
Đầu tháng này, Manila tuyên bố sẽ trình bày kế hoạch ba điểm tại các hội nghị của ASEAN, gồm dừng các hành động cụ thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực, yêu cầu các bên thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, công nhận cơ chế giải quyết tranh chấp theo luật quốc tế. Philippines cho rằng những căng thẳng hiện nay trên Biển Đông đang gây sức ép lên quan hệ giữa các nước, gia tăng mức độ nghi ngờ, gia tăng rủi ro về một cuộc xung đột trong khu vực.
Giới quan sát đang trông đợi rằng Tuyên bố chung của các ngoại trưởng ASEAN cuối tuần này sẽ bao gồm điều khoản kêu gọi các bên đóng băng các hành động gây bất ổn. Quan điểm cứng rắn hơn của Mỹ được kỳ vọng cũng sẽ giúp ASEAN đẩy nhanh hơn tiến độ thảo luận bộ Quy tắc ứng xử COC với Trung Quốc.
"Chúng tôi sẽ không né tránh các vấn đề khó nhưng quan trọng", ông Russel nói khi đề cập đến quan điểm của Mỹ ở ARF.

Việt Anh

Không có nhận xét nào: