Pages

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

Liệu Mỹ sẽ trang bị vũ khí cho Việt Nam ?

Một sự việc chắc chắn sẽ đánh thức Trung Quốc. Nhưng thành công và thỏa hiệp đang trong tay Hà Nội

Trong cuộc họp báo lưỡng đảng gần đây tại Hà Nội, Việt Nam, TNS đảng Cộng hòa Mỹ John McCain, với sự tham dự của TNS Sheldon Whitehouse, đảng Dân chủ, đã nhận định làm sao để một quan hệ hữu nghị xây dựng trên những giá trị chung được "thân thiết nhất, mạnh nhất, và là một tình bạn lâu dài nhất mà hai quốc gia có thể có."

Cũng trong buổi họp báo này, ông McCain tuyên bố về khả năng nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí sát thương, mặc dù với những giới hạn nhất định. Đó là một ý tưởng được điện Capitol thi thoảng lưu tâm đến, cũng như từng được đề xuất bởi Ted Osius, ứng cử viên cho cho vị trí Đại sứ Mỹ tại Việt Nam đề nghị trong buổi điều trần đề cử ông tại Thượng viện.

http://nld.vcmedia.vn/thumb_w/540/2014/d8876d4f826f4f9bcb2a750deec859ec-53708.jpg

Dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương sẽ báo hiệu một sự thay đổi mạnh mẽ trong quan hệ Mỹ-Việt nhưng sự việc này cũng có thể được coi là một mối đe dọa đối với Trung Quốc và làm mất ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, ngay lúc này mối quan tâm nhiều hơn là việc loại vũ khí nào bán cho Hà Nội sẽ có thể được sử dụng để chống lại chính người dân của mình. Căn cứ vào quan tâm này, như đã được McCain lặp lại, việc bán vũ khí sẽ hạn chế và sẽ tuỳ thuộc vào hành động của chính phủ về nhân quyền.

Tiềm năng cho một tình hữu nghị lâu dài như vậy đòi hỏi việc chia sẻ chung những giá trị. Trên mặt trận này, Mỹ và Việt Nam đang ở trong tình trạng bế tắc. Với chủ đề cải cách dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam phần lớn là cấm kỵ khi hai nước gặp gỡ, Washington vẫn phải còn do dự không thể đi bước tiếp theo.

Tất nhiên điều này không phải để cho rằng người dân Việt Nam quá khác với người dân Mỹ bình thường. Thực tế, vì Việt Nam là một nước độc đảng dưới quyền cai trị độc đoán của Đảng Cộng sản, ta phải phân biệt giữa những người cai trị và bị trị. Ngay cả trong số những người là đảng viên, chỉ một thiểu số rất nhỏ có được ảnh hưởng và quyền lực.

Nhìn chung, người dân Việt Nam bị từ chối không được đóng góp gì liên quan đến vận mệnh chính trị của mình. Bất kỳ tia hy vọng mỏng manh để có thể đóng góp hiệu quả thì không là gì hơn một thủ thuật tàn nhẫn, như đã được minh chứng trong thời gian qua của một cuộc sửa đổi hiến pháp gần đây vốn chỉ thực sự gia tăng sức bám vào quyền lực của Đảng Cộng sản trước hàng ngàn phản ứng từ các công dân bình thường. Một cơ hội cải cách đã tiêu tan, và ý chí của người dân đã bị bỏ qua. Một lần nữa, đảng lại nói thay cho người dân, quyết định dùm vị trí của người dân trong việc nước.

Trong khi đó,các quyền bao gồm quyền tự do hội họp trong hòa bình hay quyền được bỏ phiếu cho một ứng cử viên chính trị vốn được xem là điều đương nhiên đối với nhiều người Mỹ vẫn còn bị hạn chế, nếu không muốn nói là hoàn toàn bị từ chối đối với công dân Việt Nam. Khi McCain nói về những giá trị chung, ông muốn nói đến các quyền cơ bản này, một ý thức công bằng xã hội và dân chủ mà cả người Mỹ và Việt Nam đều mong muốn và ấp ủ.

Đối với Hà Nội, nếu từng mong đợi một thời điểm để thay đổi, thì chính là lúc này. Với mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đang xấu đi, các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam phải quyết định xem họ muốn tiếp tục đi trên cùng lộ trình cũ với hy vọng hão huyền rằng Bắc Kinh sẽ không gây khó khăn cho mình nữa hoặc có thể vạch ra một tiến trình mới thông qua việc xây dựng đất nước. Hy vọng rằng, Hà Nội sẽ khôn ngoan để lựa chọn điều sau.

Vẫn còn phải chờ xem chuyện gì sẽ đến trong thử thách của việc xây dựng đất nước. Tuy nhiên, có một số nguyên tắc và lý tưởng mà Việt Nam phải tuân thủ và khao khát. Đầu tiên, và có lẽ dễ đạt được nhất, là nguyên tắc độc lập và chủ quyền. Việt Nam đã luôn luôn là một quốc gia rất độc lập, và các nhà lãnh đạo tương lai nên chăm sóc để xem xét ý chí của người dân mình trong việc thiết lập lộ trình trước mặt cho Việt Nam.

Tuy nhiên, để Việt Nam tồn tại, đất nước này cũng phải đạt được một mức độ thịnh vượng và biết lèo lái qua khỏi những khó khăn thù địch nhất thời. Như cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu hé lộ, chính phủ Việt Nam đầy rẫy tham nhũng và quản lý kinh tế yếu kém. Nếu Việt Nam muốn phát triển thịnh vượng, các nhà lãnh đạo nhà nước và tư nhân phải có trách nhiệm và minh bạch trong hành vi của mình. Điều này không chỉ áp dụng trong thương mại và chính sách đối nội mà còn cả với chính sách đối ngoại. Người dân Việt Nam phải được biết rằng giới lãnh đạo của mình sẽ không đưa đất nước can dự vào các xung đột không cần thiết ở bên ngoài.

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, dân chủ, công bằng xã hội cũng như quyền tự do cá nhân, quyền con người và các quy định của pháp luật phải được đảm bảo, tôn trọng và bảo vệ. Điều này, hơn tất cả các điều khác, có thể thấy là khó thực hiện và duy trì nhất trong một đất nước chưa bao giờ thực sự được hưởng các quyền tự do như vậy. Tuy nhiên, theo thời gian và qua khắc phục những thách thức vốn nhất thiết sẽ phát sinh từ các sai sót, Việt Nam sẽ có được những kinh nghiệm và sự trưởng thành để phát triển mạnh.

Nguyên tắc và lý tưởng

Trong trỗi dậy của sự cố giàn khoan dầu giữa Việt Nam và Trung Quốc, quan hệ giữa hai nước đã xuống mức thấp. Mặc dù vậy, Việt Nam có thể vẫn chưa sẵn sàng để nhảy tàu và tự do liên kết với Mỹ. Quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh có nguội đi, nhưng chưa cắt đứt. Nếu muốn tách Việt Nam ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc, Mỹ không nên làm giới lãnh đạo Việt Nam bối rối.

Lộ trình của bất kỳ thay đổi nào tại Việt Nam hiện nằm trong tay của các nhà lãnh đạo hiện tại, nhiều người trong số họ rất thận trọng với việc chấp nhận sự giúp đỡ quá nhiều từ Mỹ, vì lo sợ sự trợ giúp của Mỹ sẽ nhất thiết dẫn đến việc lật đổ chính phủ và Đảng Cộng sản.

Đúng là bất kỳ chuyển hướng thực sự nào tại Việt Nam cũng đều đòi hỏi một sự thay đổi trong cách thức chính phủ vận hành. Tuy nhiên, căn cứ vào việc quân đội và lực lượng an ninh, hiện nay và trong tương lai gần, vẫn còn dưới sự kiểm soát của đảng và chính phủ, có lẽ Hà Nội không phải lo lắng về những cuộc nổi dậy vũ trang có tổ chức hay một cuộc đảo chính khi xem xét đến một tiến trình thay đổi.

Cải cách chỉ có thể là một điều tốt. Tình hình sẽ không được như thế này mãi, cho dù trong cảm nhận của các nhà lãnh đạo Việt Nam có sợ hãi nào, có thật hay trong trí tưởng. Tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông và vùng châu Á-Thái Bình Dương rộng hơn sẽ không xem Việt Nam như một đối tác bình đẳng.

Tuy nhiên, mặc dù mối quan hệ tích cực giữa Mỹ và Việt Nam từ năm 1995 và đã có ký kết hợp tác toàn diện, Mỹ cũng không hề đòi hỏi và thúc ép gì để hình thành bất kỳ liên minh hoặc nâng cấp quan hệ. Thay vào đó, Washington đã chọn tìm kiếm những quan hệ gần gũi Hà Nội hơn với nhiều thứ cho đi hơn là đòi hỏi. Liệu Việt Nam sẽ không thích lựa chọn Mỹ như một lực lượng đối trọng với sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông?

Nhận thức được sự cần thiết phải thay đổi, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, được trích dẫn trong bài phát biểu đầu năm của mình, đã tuyên bố rằng dân chủ là không thể tránh khỏi. Nhận ra dân chủ là không thể tránh khỏi và tích cực tham gia vào các cải cách dân chủ là hai việc khác nhau. Tuy nhiên, điều này cho thấy vẫn còn an ủi và có lẽ ngay cả hy vọng, rằng dân chủ chưa hoàn toàn bị loại trừ tại Việt Nam.

Trong chuyến thăm Việt Nam, ông McCain và Whitehouse khẳng định cam kết thúc đẩy quan hệ giữa hai nước của Mỹ. Như bất kỳ mối quan hệ qua lại nào, nếu Việt Nam muốn đảm bảo một đối tác ở người Mỹ, tiến trình sẽ chủ yếu phụ thuộc vào việc Hà Nội sẵn sàng thỏa hiệp đến mức nào. Mục tiêu và lợi ích chung cung cấp mảnh đất màu mỡ để làm quen với nhau, nhưng những giá trị chung vẫn phải phục vụ như nền tảng cho một quan hệ lâu dài và có hiệu quả.

15 Tháng 8 2014 

Vũ Đức Khanh/Asia Sentinel
Lê Quốc Tuấn chuyển dịch Việt ngữ


Tác giả Vũ Đức Khanh là giáo sư Luật học bán thời gian tại Đại Học Ottawa. Các nghiên cứu của ông bào gồm chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế và luật quốc tế. 

(FB. Tuan Nguyen)

Không có nhận xét nào: