Pages

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

Giới trẻ ở Hoa lục bắt đầu biết giá trị của bầu cử tự do



gioitre TQỞ các nước Cộng sản cũng có bầu cử, nhưng áp dụng chung một hình thức Đảng cử Dân bầu, nên người dân không có quyền tự mình ‘’Chọn mặt gởi vàng’’ , nhưng đến kỳ bỏ phiếu là phải đi, không tham gia bầu cử là bị phiền phức ngay. Người sống dưới chế độ Cộng sản lâu năm, đặc biệt là giới trẻ mới lớn, không bao giờ nghĩ rằng lá phiếu của mình bầu có thể làm thay đổi tình hình theo ý như những gì mình mong muốn. Một ứng viên nào đó dù không được lòng dân cách mấy , nhưng khi đã được Đảng đề cử là không bao giờ bị thất cử. Để duy trì việc độc quyền cai trị, đảng Cộng sản Trung quốc sẵn sàng ra tay đàn áp bất kỳ ai ca tụng việc bầu cử tự do, nhưng mới đây nhà cầm quyền Bắc Kinh bắt đầu lo sợ vì giới trẻ ở Hoa lục bắt đầu cảm thấy hạnh phúc khi lá phiếu của mình bầu có thể làm thay đổi tình hình. Chuyện bầu cử ở đây không phải là đi bầu Quốc hội mà là bầu để xếp hạng cho các ca sĩ thuộc nhóm AKB48 bên Nhật.

Giới trẻ ở Hoa lục bắt đầu biết giá trị của bầu cử tự do
Thưa quý thính giả, vào năm 2005, ở Nhật xuất hiện một ban hợp ca nữ có tên AKB48. Ban hợp ca này toàn là người trẻ tuổi từ 13 đến 20 tuổi được chọn vào sau khi qua một cuộc thi tuyển rất gắt gao. Lúc đầu có 48 người nên gọi là 48, nhưng hiện nay (2014) đã lên tới 67. Mặc dù số ca sĩ đã tăng, tuy nhiên tên ban hợp ca vẫn giữ nguyên là AKB48 vì nó đã gắn liền với Fan. Vì quá đông nên tất cả ca sĩ không thể lên hết trên sân khấu trình diễn cùng một lúc nên AKB48 phải chia ra thành ba nhóm, gọi là Team A, Team K và Team B. Chia như vậy không có nghĩa là Team A nổi tiếng hơn Team K hay Team B, tất cả đều ngang nhau. Mỗi năm người sáng lập AKB48 sẽ chọn ra khoảng 16 nữ ca sĩ trong ban để thu dĩa một bản nhạc mới bán ra thị trường rồi sau đó đưa xuống cho các Team hát trình diễn ở sân khấu. Vì AKB48 quá nổi danh không những tại Nhật mà còn ở nhiều quốc gia khác như Hoa Kỳ, Pháp, Indonesia, Taiwan v.v…trong đó có cả Trung quốc. Trong 4 năm trở lại đây AKB48 là ban hợp ca có doanh thu cao nhất thế giới, năm 2011, chỉ riêng phần bán dĩa CD ở Nhật không thôi cũng đã trên 211 triệu mỹ kim nên được coi như là một hiện tượng xã hội của Nhật, có ảnh hưởng đến nhiều nước. Vì là hiện tượng nên người sáng lập ra AKB48 đã trao quyền tuyển chọn này cho các fan ở khắp nơi trên thế giới. Có nhiều cách để cho các Fan tham gia bỏ phiếu, nhưng một người chỉ được 1 phiếu bầu mà thôi, muốn có được phiếu bầu này phải mua 1 dĩa nhạc của AKB48.
Trở lại với đề tài, trong cuộc bầu tuyển chọn 16 nữ ca sĩ AKB48 cho năm 2014 vào tháng 1 vừa rồi, nữ ca sĩ Sashihara dẫn đầu, người đứng thứ hai là nữ ca sĩ Watanabe, nhưng đây chưa phải là kết quả cuối cùng vì còn số phiếu bầu của các Fan Trung quốc chưa gởi về kịp để kiểm. Nhờ vào số phiếu bầu của Fan Trung quốc dồn nhiều cho nữ ca sĩ Watanabe nên người nữ ca sĩ này từ vị trí thứ hai đã trở thành đứng đầu trong việc tuyển chọn vừa rồi. Với kết quả chung cuộc như thế đã khiến cho giới trẻ ở Hoa lục vui tươi, cảm thấy hạnh phúc khi biết được lá phiếu của mình có thể thay đổi cục diện, cho dù đây chỉ thuần về lãnh vực ca nhạc của nước Nhật. Kết quả tuyển chọn này đã được cư dân mạng ở Hoa lục đăng tràn ngập trên Internet với nhiều lời bình luận rằng giới trẻ Trung quốc có thể thay đổi tình hình thế giới bằng một cuộc bầu cử hoàn toàn tự do.
Vì thấy hiện tượng AKB48 ở Nhật thu hút được nhiều fan nên vào năm 2012 ở Thượng Hải cũng lập ra một ban nữ hợp ca có tên SNH48 và xin kết nghĩa chị em với AKB48. Hầu hết những bản nhạc mà AKB48 trình diễn đều được dịch ra tiếng Tàu cho SNH48 hát. Vì được sự hợp tác chặt chẽ từ phía Nhật nên mô hình tổ chức của SNH48 giống hệt như AKB48 của Nhật và vào ngày 27 tháng 6 vừa rồi đã tổ chức bầu cử tuyển chọn. Một lần nữa chuyện bầu cử tự do lại tràn ngập các trang mạng ở Hoa lục nhưng nhà cầm quyền Bắc Kinh không thể ngăn cấm được vì cư dân mạng đâu có động chạm gì đến chuyện chính trị gì đâu, chỉ bàn với nhau về ý kiến của mình khi quyết định bỏ phiếu cho nữ ca sĩ nào của ban SNH48. Từ khi trưởng thành đến giờ tôi mới thấy lá phiếu bầu của mình có giá trị trong cuộc bầu cử tự do của SNH48 là những câu cư dân mạng ở Hoa lục viết đầy trên Internet, chính quyền Bắc Kinh ngứa mắt lắm nhưng không có lý do gì bắt phải rút câu đó xuống.
Theo các nhà hoạt động xã hội ở Trung quốc thì hiện nay khó có ai chỉ dẫn cho người Hoa lục biết về giá trị của bầu cử tự do bằng ban nữ hop ca AKB48 của Nhật hay SNH48 của Thượng Hải.

Thượng tầng lãnh đạo Bắc Kinh đấu đá nhau qua vụ xử ông Chu Vĩnh Khang
chu-vinh-khangNgay từ khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã thực hiện ngay việc loại trừ đối thủ chính trị hàng đầu của mình là ông Bạc Hy Lai, Ủy viên bộ Chính trị kiêm Bí thư chi bộ đảng Trùng Khánh. Việc loại trừ này đã bị ông Chu Vĩnh Khang, Ủy viên Thường vụ bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung quốc, chống đối quyết liệt nhưng cuối cùng ông Bạc cũng không sao thoát được sự thanh trừng của ông Tập. Sau khi loại xong ông Bạc, ông Tập Cận Bình bắt đầu tính sổ ân oán với ông Chu Vĩnh Khang. Hạ tuần tháng 10 năm 2013, ông Tập Cận Bình cho thành lập một đội đặc biệt để điều tra các vụ tham nhũng của ông Chu Vĩnh Khang. Chiều tối ngày 01/12/2013, công an được lệnh từ văn phòng Chủ nhiệm Trung ương đảng đến nhà Chu Vĩnh Khang bắt ông Chu và người vợ thứ hai của ông ta để điều tra. Mặc dù ông Giang Trạch Dân là ô dù của ông Chu Vĩnh Khang, nhưng vì quyền lợi nên ông Giang phải chấp nhận lời yêu cầu của ông Tập là đừng đả động gì đến chuyện ông Chu bị bắt để điều tra. Chỉ có cựu Thủ tướng Lý Bằng là người ra mặt chống đối việc bắt ông Chu Vĩnh Khang, chính vì vậy mà ông Tập Cận Bình chưa thể triệt hạ được ông Chu ngay như đã làm với ông Bạc Hy Lai. Theo ông Lý Bằng thì trong đảng Cộng sản Trung quốc có một luật bất thành văn đó là Ủy viên Trung ương đảng, đặc biệt là Ủy viên bộ Chính trị được miễn truy tố về tội hình sự, Ông Tập Cận Bình muốn xé rào cái luật bất thành văn này nên cần phải chống đối. Tuy không dám ra mặt, nhưng hầu hết Ủy viên bộ Chính trị đều muốn duy trì cái luật bất thành văn này vì có Ủy viên nào mà không tham nhũng hối lộ đâu.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử đảng Cộng sản Trung quốc thì ngay sau vụ đàn áp Thiên An Môn, bộ Chính trị, Trung ương đảng Cộng sản Trung quốc đã tổ chức nhiều hội nghị để rút ưu khuyết điểm. Trong các hội nghị này cả hai phe cấp tiến và bảo thủ đối chọi nhau rất kịch liệt, mà nếu còn đổ tội cho nhau thì chắc chắn sẽ đi đến tình trạng phân hóa. Để tránh trường hợp này xảy ra, nên ông Đặng Tiểu Bình đã buộc miệng phán một câu như sau: Hình Bất Thượng Thường Ủy (nghĩa là Ủy viên bộ Chính trị được miễn truy tố về hình sự).
Cái luật bất thành văn này bắt đầu có hiệu lực từ đó.
Hơn một năm rưởi, chuyện đem ông Chu Vĩnh Khang ra xử phạt không còn bàn tán nhiều trong nội bộ đảng nữa, nhiều đảng viên nghĩ rằng chắc là sẽ được cho chìm xuồng thì vào ngày 29/07/2014 truyền thông ở Hoa lục cho đi một bản tin nhanh cho biết đảng Cộng sản Trung quốc đã quyết định đem ông Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ bộ Chính trị, ra xử về tội tham nhũng, hối lộ và nhiều hành vi bất chính khác. Ngoài việc loan tin nhanh, báo đài Trung quốc còn nhắc lại cái câu mà ông Tập Cận Bình từng tuyên bố như sau: Để tận diệt tham nhũng, hối lộ thì cọp hay ruồi đều bị đập như nhau.
Theo các nhà hoạt động xã hội ở Trung quốc thì tội tham nhũng của ông Chu Vĩnh Khang là quá rõ ràng, nhưng nếu xử phạt ông Chu về tội này thì toàn bộ Ủy viên Trung ương đảng đâu có ai thoát khỏi, và ngay cả ông Tập Cận Bình cũng phạm tội hối lộ vì với đồng lương hiện tại thì làm sao ông Tập và gia đình ông ta có được một tài sản kếch xù dấu ở nước ngoài vừa mới bị nhiều cơ quan tài chánh thế giới khui ra. Do đó mà hiện nay không có chuyện bài trừ tham nhũng thật sự ở Trung quốc, chỉ có chuyện thanh trừng lẫn nhau trong đảng để tranh giành quyền lực mà thôi. Chuyện ông Chu Vĩnh Khang bị đem ra xử chỉ nói lên được một điều là phe cánh ông Tập Cận Bình hiện nay đang mạnh hơn các thế lực khác ở trong đảng, nhưng cái thế mạnh này duy trì được bao nhiêu lâu thì không ai dự đoán được.

Không có nhận xét nào: