Pages

Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

Bill Hayton - Cuộc phiêu lưu của Trung Quốc ở Biển Đông đã thất bại

Theo mọi thước đo, cuộc phiêu lưu giàn khoan gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông là một thất bại. Không có một giọt dầu nào được tới tay người tiêu dùng Trung Quốc ; không một tấc biển nào được chinh phục; và người Mỹ đã hưởng lợi trong khu vực; tình đoàn kết trong khối ASEAN được củng cố; và vị trí của các phe phái “thân Bắc Kinh” tại các quốc gia quan trọng, nhất là tại Việt Nam, đã bị yếu hẳn đi. Những người xây dựng chính sách ngoại giao của Bắc Kinh đã cho thấy rõ sự bất tài. Làm sao tình hình chuyển biến xấu như vậy ?

Chúng ta không thể biết lãnh đạo Trung Quốc muốn đạt mục tiêu gì khi họ cho phép triển khai giàn khoan lớn nhất nước, và cả một đạo hải thuyền nhỏ để bảo vệ, xâm nhập vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Có vẻ như chiến dịch này không phải là để tìm dầu lửa, vì còn có nhiều chỗ khác tốt hơn để thăm dò. Ngày 19-3-2014, công ty Dầu hỏa Ngoài khơi của Trung Quốc (China National Offshore Oil Company / CNOOC) tuyên bố là họ kiếm được một ít khí đốt hạng trung bình tại một vùng biển không tranh chấp ở gần đảo Hải Nam. Nhưng việc khai thác vùng này bị hoãn lại. Trong khi đó, họ mạo hiểm xuống phía nam (quần đảo Hoàng Sa).


Hai vùng đáy biển mà giàn khoan HS 981 thăm dò không có nhiều triển vọng về hydrocarbon. Một báo cáo vào năm 2013 của Cục Quản lý Năng lượng Mỹ cho rằng tiềm năng về năng lượng ở Hoàng Sa rất thấp. Điều đáng để ý là công ty CNOOC có nhiều kinh nghiệm thăm dò dầu khí ngoài khơi lại không tham gia vào cuộc thăm dò này ; tuy nhiên, một công ty con của CNOOC là COSL lại tham gia vận hành giàn khoan; và toàn bộ chương trình nằm đưới sự chỉ huy của Công ty CNPC (China National Petroleum Company), không có kinh nghiệm tìm dầu ngoài khơi bằng CNOOC.

Giàn khoan HS 981 1 chấm dứt hoạt động 1 tháng sớm hơn dự kiến, trước khi cơn siêu bão Rammasun ập tới. CNPC tuyên bố giàn khoan đã kiếm được hydrocarbon, nhưng không cho biết rõ chi tiết và số lượng. Hầu như chắc chắn là nguồn dầu khí này không đủ lớn để khai thác vì những lý do chính trị và kỹ thuật. Cuộc thăm dò này thực ra không phải để tìm dầu hỏa, người ta chắc chẳn đã bỏ qua một lý do khác. Chúng ta biết là cuộc viễn trình này không phải là để nâng cao tinh thần dân tộc ở Trung Quốc, như Andrew Chubb 2 đã nói, các tin tức về sự chạm trán giữa đạo hải thuyền bảo vệ giàn khoan và lính bảo vệ bờ biển của Việt Nam đã bị báo chí Trung Quốc bưng bít trong một tuần lễ.

Tuy nhiên, có thể có nhiều mục đích chính trị khác. Một hoạt động to tát như vậy cần phải được lên kế hoạch rất lâu trước đó, và được cấp lãnh đạo cao nhất thông qua. Chính quyền Trung Quốc đã tuyên bố giàn khoan tới vị trí hoạt động từ 3-5-2014, chính xác một tuần lễ trước ngày khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Myanmar. Có lẽ Bắc Kinh hy vọng lập lại sự thành công mà họ đã gặt hái trong buổi họp Ngoại trưởng ASEAN ở Phnom Penh vào tháng 7 năm 2012. Lúc đó ASEAN chia rẽ: Campuchia bác bỏ một Tuyên bố chung, làm cho Philippines và Việt Nam bị cô lập trong cuộc tranh chấp về biển với Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc hy vọng tình hình sẽ được tốt như vậy trong cuộc chạm trán ở Hoàng Sa, thực tế đã xảy ra hoàn toàn trái ngược. ASEAN đã đoàn kết hơn bao giờ hết, và ra một Tuyên bố chung, kêu gọi Bắc Kinh lùi một bước. Đó là lần đầu tiên Tổ chức này lấy lập trường về vụ HS 981. Vụ này là vụ tranh chấp hoàn toàn song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, không giống như vụ tranh chấp về Trường Sa trước kia, liên quan tới 5 quốc gia, kể cả Indonesia. Andrew Chubb đã lý luận là sự bày tỏ tình đoàn kết một cách lặng lẽ này có tác động lên Bắc Kinh nhiều hơn là những lời tuyên bố rầm rộ của Washington.

Một số bình luận viên cho rằng hoạt động này của Trung Quốc là một thí dụ điển hình của chính sách “cắt xúc xích salami” thành từng miếng mỏng. Một quy trình chiếm đóng Biển Đông được chia thành nhiều giai đoạn, để không ai chú ý tới. Nhưng nếu mục tiêu của Trung Quốc như thế, thì cũng là một thất bại, vì sau khi giàn khoan kéo đi, mặt biển trở lại tình trạng không ai chiếm đóng. Miếng xúc xich cắt ra lại dính trở lại cây xúc xích salami. Bộ Chính trị Trung Quốc có thể nghĩ rằng một tuyên bố mạnh mẽ về kiểm soát mặt biển sẽ củng cố vị thế của Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên các hòn đảo. Nhưng cách đáp trả cũa Việt Nam cũng rất hữu hiệu, chứng tỏ rõ là họ phản đối sự đòi hỏi chủ quyền này.

Nhà bình luận người Úc, Hugh White, cho rằng mục tiêu của Trung Quốc khi gây ra cuộc chạm trán này vì họ cố tình muốn làm dãn ra và yếu đi sợi dây an ninh gắn bó Mỹ với Đông Nam Á. Ông nói: “Bằng cách sử dụng vũ lực chạm trán với bạn bè của Mỹ, Trung Quốc làm cho Mỹ phải chọn lựa giữa việc bỏ bạn bè hay là tranh chấp với Trung Quốc”. Bắc Kinh cho rằng trước sự chọn lựa này, Mỹ sẽ rút lui, bỏ mặc kệ các quốc gia bạn bè, đồng minh .Điều này sẽ làm suy yếu liên minh và đối tác của Mỹ, giảm sức mạnh của Mỹ ở châu Á, và tăng cường sức mạnh của Trung Quốc.

Nhưng Việt Nam không phải là đồng minh của Mỹ. Cho nên hành động này chỉ phản ánh những vấn đề của riêng Trung Quốc. Tuy nhiên, khi tạo ra cuộc chạm trán này, Bắc Kinh đã gặt hái được kết quả hoàn toàn trái ngược với suy luận của White : đẩy Hà Nội đi gần với Mỹ hơn. Như quyển sách mới đây của David Elliott đã nói rõ: “Chiều hướng đối ngoại bình thường của Việt Nam là thân Bắc Kinh, từ hồi họ chấm dứt thân Liên Xô. Trong hai thập kỷ vừa qua, chỉ khi nào tiếng nói của phe thân Trung Quốc bị yếu đi, vì va chạm với Trung Quốc, phe tự do ở Việt Nam mới có thể xoay hướng chính sách đối ngoại.”

Nhà phân tích Zachary Abuza 3 đã cắt nghĩa rõ cho chúng ta hiểu tương quan lực lượng trong giới lãnh đạo cao cấp ở Việt Nam đã thay đổi như thế nào sau cuộc chạm trán giàn khoan. “Hội nghị Tháng 6-2014 của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã đồng thanh kết án sự xâm lấn và chiếm đóng của Trung Quốc.” Vào cuối tháng 7, Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị đã qua thăm Mỹ, với nội dung hấp dẫn, theo lời mời của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Tóm lại, dù Trung Quốc muốn gì đi nữa trong việc điều động giàn khoan HS 981 – ví dụ tìm dầu hỏa, chiếm đất đai hay có mục đích chiến lược dài hạn – họ đã không thành công. Làm thế nào để cắt nghĩa sự thất bại ngoại giao này ? Theo tôi nghĩ, vụ việc này cho thấy chính sách Biển Đông của Trung Quốc phản ánh những ưu tiên nội bộ hơn là chính sách ngoại giao. Tóm gọn lại, Biển Đông là thùng thịt lợn khổng lồ 4 cho một số tỉnh ở Trung Quốc, một số ban ngành của nhà nước, và một số công ty quốc doanh.

Hai thập kỷ trước, John Garver đã lý luận là Hải quân Trung Quốc tiến mạnh vào Biển Đông là biểu hiện của “sự liên kết giữa quyền lợi quốc gia và quyền lợi của giới quan liêu”. Ngày nay, sự liên kết này vẫn còn đó. Hải quân đã trở nên lớn hơn vì có ngân sách lớn hơn. Theo sau đó, là những phần thưởng về uy tín, chức tước và tiền bạc.

Điều này cũng đúng cho cả Lực lượng Bảo vệ Bờ biển mới được thành lập – một năm sau khi nhiều cơ quan hải giám được sáp nhập làm một.

Sau khi việc sáp nhập hoàn tất, Cơ quan bảo vệ Bờ biển cần tập trung vào một mục tiêu khác lớn hơn là chuyện cãi lộn nội bộ. Nó và Hải quân đều tìm kiếm một công vụ để chứng tỏ là họ có vai trò nào đó, và để biện minh cho ngân sách chi tiêu của họ.

Và điều này cũng đúng cho các tỉnh phía nam Trung Quốc. Hải Nam là một tỉnh nhỏ nhất Trung Quốc , và tương đối nghèo với nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Trong những năm gần đây, nó đã cố gắng phát triển nghề cá, và trở thành chuyên gia trong việc xin trợ cấp nhà nước cho những con tầu đánh cá của họ. Tháng trước, hãng tin Reuter đã cho biết hàng trăm, và có lẽ hàng ngàn tàu đánh cá đã được hỗ trợ từ 300 USD đến 500 USD mỗi ngày để đi đánh bắt trên vùng biển có tranh chấp. Có một thuyền trưởng thổ lộ: “Chính phủ hỗ trợ việc đánh cá ở Biển Đông để bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc”. Có lẽ khá chính xác khi nói rằng chính quyền sử dụng việc đòi chủ quyền Biển Đông để hỗ trợ cho việc đánh cá. Reuters đã khám phá ra tám tầu kéo được hạ thủy ở cảng Dongfang ở Hải Nam, mỗi tầu đã nhận được 322 500 USD hỗ trợ từ nhà nước.

Các công ty dầu khí cũng có thể chơi lá bài chủ quyền bằng những cuộc phiêu lưu bán-tài-chính ở Biển Đông. Vào tháng 5-2002, Khi NCOOC hạ thủy giàn khoan biển sâu ở vùng Hoàng Sa HS-981, Chủ tịch công ty này đã nói : “ Đây là lãnh thổ di động của Tổ quốc, và là vũ khí chiến lược”.

Từ đó, có vẻ lạ lùng, là CNOOC không được lãnh đạo cuộc viễn trình ở Hoàng Sa. Tại sao vậy ? Chúng tôi không rõ chi tiết nội bộ của công ty, nhưng có vài cắt nghĩa như sau: CNPC có lẽ sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn là CNOOC, cả về kỹ thuật lẫn chính trị 5. Đây là lần đầu tiên HS 981 được sử dụng ở vùng nước sâu, và lần đầu tiên ở vùng biển đang có tranh chấp. Hay có lẽ là ban quản trị cao cấp của CNPC muốn nhờ vụ này, thoát được những khó khăn chính trị họ đang mắc phải 6. Những lời tố cáo tham nhũng đang đè nặng lên công ty, và đang trở thành xì-căng-đan chính trị. Có lẽ ban quản trị CNPC cho rằng việc giơ cao ngọn cờ quốc gia ở vùng biển đang tranh chấp là một cách để tranh thủ cảm tình của Bộ Chính trị Trung Quốc và cứu được mạng mình.

Tất cả những điều này không có nghĩa là phủ nhận những người Trung Quốc tham gia cuộc chạm trán này không toàn tâm tin tưởng vào sự đòi hỏi chủ quyền của Tổ quốc họ ở Biển Đông. Câu chuyện huyền hoặc về “chủ quyền không chối cãi được” của Trung Quốc đã được nhồi nhét vào đầu óc bao nhiêu thế hệ Trung Quốc. Tôi đã lý luận trong một bài khác là, lòng tin này phụ thuộc vào cách cắt nghĩa sai lạc lịch sử Biển Đông của những người dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc từ đầu thế kỉ 20. Nhưng tôi không nghi ngờ gì về việc giới lãnh đạo Trung Quốc thành thật tin vào điều này.

Tuy thế, cho những lợi ích nhóm trong hệ thống quan liêu Trung Quốc, Biển Đông đã trở thành cái bánh piñata khổng lồ 7, họ chỉ cần lâu lâu nêu lên vài vấn đề để được hái trợ cấp từ lãnh đạo cấp trên. Chính sách của Trung Quốc về Biển Đông không có vẻ là kết luận của một chuỗi lý luận duy lý, mà là kết quả bất ngờ của một chiến dịch lobby của các nhóm lợi ích 8. Khi các nhóm này hợp tác với nhau, sức mạnh của chúng rất lớn: Chúng có thể lái chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc theo hướng có lợi cho chúng. Một điều mà chúng có thể đồng ý – hoặc là vì lý tính, hay vì tinh thần dân tộc, an ninh, lợi nhuận... – là Trung Quốc phải tiếp cận các nguồn tài nguyên ở Biển Đông.

Tuyên truyền của Trung Quốc đã chinh phục được nhiều nhà bình luận. Huyền thoại về tính bất khả chiến bại của Bắc Kinh đã xuất hiện trên nhiều trang báo. Kết quả là ngay cả khi Trung Quốc phạm phải những lỗi lầm ngớ ngẩn, người ta cũng nghĩ đó là cái vỏ giả vờ, che đậy cho một âm mưu thâm độc hơn. Bây giờ là lúc cần đánh tan huyền thoại này, và nhìn nhận sự ngớ ngẩn của Bắc Kinh như thế đấy. Bây giờ, nên coi hành động giàn khoan của Trung Quốc tại Biển Đông chỉ là một việc làm vụng về, hơn là một âm mưu thâm độc.

Bill Hayton

(*) Bill Hayton là tác giả cuốn sách The South China Sea: the struggle for power in Asia sắp được Yale University Press xuất bản
NGUỒN : China’s Epic Fail in the South China Sea, tạp chí The National Interest, Aug 5-2014

Bản dịch của Nguyễn Văn Nhã

--------------------------------
CHÚ THÍCH của người dịch :

1 HS-981: HS= Haiyang Shiyou (Hải dương Thạch du : Dầu ngoài khơi).

2 Andrew Chubb: Nghiên cứu gia ở Đại học Western Australia, Úc. Tác giả bài China’s Information Management in the Sino-Vietnamese Confrontation: Caution and Sophistication in the Internet Era


3 Zachary Abuza, Giáo sư Simmons College, Boston. Tác giả bài bình luận Vietnam buckles under Chinese pressure về vụ Giàn khoan HS-981 trên Asia Times tháng 7-2014 :


4 Thùng thịt lợn (Porc Barrel): Nguồn gốc từ Mỹ: Ngày xưa, sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc ở trang trại, công nhân được chủ trại thưởng cho thùng thịt lợn. Tại Quốc hội Mỹ, mỗi khi một nghị sĩ trúng cử, họ đều đưa ra một dự án xây dựng cho địa phương đã bầu họ, để thưởng công cho địa phương đó. Người Mỹ gọi đó là thùng thịt lợn.

5 CNPC: China National Petroleum Company: Công ty quốc gia dầu khí của Trung Quốc, quản lý dầu hỏa cả nước. CNOOC: China National Offshore Oil Company: Công ty Quốc gia Dầu Ngoài khơi của Trung Quốc, chỉ lo các nguồn dầu mỏ ngoài khơi.

6 Từ năm 2013, nhiều lãnh đạo của CNPC đã bị chính phủ bắt vì tội tham nhũng. Vì dụ như Tưởng Khiết Mẫn, Chủ tịch CNPC. Họ bị kết tội là vây cánh của Chu Vĩnh Khang, Cựu Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị, trách nhiệm về toàn bộ hệ thống an ninh của Trung Quốc, tham nhũng 14 tỷ USD. Do đó, có khả năng là những người chưa bị bắt, đã đưa ra đề án lấn chiếm Biển Đông bằng giàn khoan HS 981, để mong được nhẹ tội tham nhũng. Trong khi đó, bản thân CNOOC không tham gia hoạt động này.

7 Piñata: một cái hộp bánh lớn, ở Mehico, cho những ngày lễ hội. Trong bánh có nhiều kẹo. Người ta chỉ cần dùng một cái gậy, đánh vào cái hộp, là kẹo sẽ vung ra cho mọi người lượm.

8 Chiến dịch lobby: Vận động hành lang ở Mỹ, cho những chính sách nào đó, có lợi cho những nhóm lợi ích ..

(Diễn đàn)

Không có nhận xét nào: