Pages

Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Bản lĩnh anh hùng


danap-tonghop
Xích Tử – Trong quá trình hội nhập quốc tế, kế tiếp giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế trước đó, Việt Nam luôn khẳng định uy tín, vị thế của mình ngày càng được nâng cao, mở rộng.
Điểu (tự) khẳng định đó được nhìn nhận từ bên ngoài thế nào không rõ, song nhìn tử bên trong, là có cơ sở, thực tế. Việt Nam được bầu chọn, kết nạp vào nhiều tổ chức đa phương trong khuôn khổ tổ chức Liên hiệp quốc như Hội đồng Bảo an, Hội đồng Nhân quyền, các tổ chức hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục. Việt Nam cũng tham gia có trách nhiệm và có chất lượng vào nhiều công việc quốc tế và toàn cầu.

Là một chính quyền sẵn sàng đạp vào mặt người dân, Việt Nam không hề sợ nhân quyền! Ảnh minh họa của Dân Luận.
Trong lĩnh vực nhân quyền (bao gồm cả tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc, buôn bán người…), Việt Nam đã thực hiện đối thoại song phương với nhiều quốc gia gai góc, tiếp nhận sứ giả của nhiều tổ chức phi chính phủ, liên chính phủ liên quan đến Việt Nam để giám sát; đặc biệt, gần đây, đã thực hiện từng bước tốt hơn cơ chế Kiểm tra định kỳ tổng quát (UPR) về nhân quyền. Từ chỗ phản ứng, ngại ngùng, tạo rào cản, không lắng nghe, Việt Nam đã chấp nhận cơ chế làm việc này, chuẩn bị tốt báo cáo, lắng nghe nhiều tiếng nói từ bên ngoài, trái tai, và chấp nhận cải thiện ngày càng nhiều nội dung khuyến nghị.
Mới đây, ngày 5/8/2014, nhân cuộc tiếp ông David Shear khi ông này kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ ở Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố Việt Nam sẵn sàng đối thoại mọi vấn đề về nhân quyền với phía Mỹ. Đó là một tuyên bố thể hiện bản lĩnh anh hùng. Tương tự như những khẳng định nói trên, tuyên bố của ông Thủ tướng cũng có những cơ sở và thế mạnh để tự tin của mình.
Thứ nhất, là một nước đã từng đánh bại nhiều kẻ thù là những quốc gia sừng sỏ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, phát xít, quân phiệt, bành trướng để giành nền độc lập, chủ quyền quốc gia, không lẽ Việt Nam lại tránh né, sơ sệt, lúng túng, ngại ngùng vì một vấn đề dễ ợt như chuyện nhân quyền?
Thứ hai, những nước đối thoại nhân quyền với Việt Nam là những nước vốn là kẻ xâm lược hoặc có tham gia trong đám quân chư hầu, đánh thuê theo đám ăn tàn đó. Với tư thế của người chiến thắng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mình, giải phóng giai cấp, giải phóng loài người chống lại kẻ thù đó, không lẽ Việt Nam lại khiếp sợ, lẩn tránh sao?
Thứ ba, là một dân tộc thông minh, Việt Nam có nhận thức sâu sắc về khái niệm và vấn đề nhân quyền. Theo đó, nhân quyền vừa có tính phổ quát (loài người nói chung), vừa có đặc trưng khu vực (chính trị, địa lý, văn hóa) như cách lý giải của cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir M., tức là loài người Đông Nam Á chẳng hạn, vừa có đặc thù quốc gia (loài người Việt Nam, chẳng hạn). Do vậy, về từ ngữ, trong tiếng Việt, khái niệm này vừa được diễn đạt bằng hình thức Hán Việt là “nhân quyền”, tương đương với “human rights” trong tiếng Anh, vừa nửa Hán nửa Nôm “quyền con người” có thể dịch sang tiếng Anh là “rights of human”. Sự tế nhị từ ngữ đó có thể được các chuyên gia giải thích rõ cho đối tác, rằng với cách hiểu phổ quát, nhân quyền là quyền người/quyền có tính chất người. Còn với tiếng Việt, quyền con người, theo cách hiểu rất sâu sắc về triết học Mác – Lênin, bao gồm quyền của cả phần “con” và phần “người”, có nghĩa là rộng, sâu hơn nhiều cách hiểu phổ quát. Nếu chúng truy vấn nặng về phần “con”, ta có thể nói con c. gì cũng được.
Thứ tư, những người tham gia đối thoại có thể lập luận rằng nhân quyền phải đi đôi, thống nhất với dân chủ và dẫn lời Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan với nhận định Việt Nam, tuy là đang định hướng xã hội chủ nghĩa, có nền dân chủ gấp triệu triệu lần (tức một ngàn tỉ lần, nói theo từ ngữ của Đại học Thương nghiệp) và nền dân chủ này luôn được từng bước mở rộng. Điều này chắc hẳn sẽ knock out ngay bọn đối thoại gây rối.
Và thứ…, cứ thế tỏ rõ bản lĩnh anh hùng.
Xích Tử

Không có nhận xét nào: