Pages

Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Xử án ở Việt Nam 'còn nhiều oan sai'

Vụ án Nguyễn Thanh Chấn được xem là ví dụ của án oan sai
Ngày 24/6 Quốc hội Việt Nam thông qua nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát năm 2015, một nội dung chuyên đề được lựa chọn giám sát là tình hình oan sai trong việc giải quyết các vụ án hình sự.
Kêu oan thường có hai loại

Loại thứ nhất, oan vì bị xử nặng. Theo đó đúng là bị cáo có hành vi phạm tội, bị cáo thừa nhận nhưng họ cho rằng tòa tuyên án quá nặng, mức án không tương xứng với hành vi, xử như thế cũng là oan và họ xin giảm nhẹ hình phạt.
Mỗi loại có tính chất mức độ nghiêm trọng khác nhau và quá trình xử lý giải quyết cũng khác nhau.

Thường bị cáo bị xử oan sẽ làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt để tòa phúc thẩm xem xét. Nếu tòa phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm cho rằng xử như thế là đúng rồi không oan thì thực tế bị cáo thường buông xuôi không kêu oan nữa mà cam chịu chấp nhận.
Loại thứ hai, bị cáo kêu oan vì cho rằng mình không thực hiện hành vi phạm tội, cơ quan điều tra đã bắt nhầm người và yêu cầu được giải quyết minh oan.
Những trường hợp này bị cáo rất cương quyết và rất bức xúc, trong mọi dịp gặp gỡ với những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng họ đều kêu oan và mong được giúp đỡ minh oan. Trong mọi trường hợp họ đều theo đuổi việc kêu oan tới cùng kể cả sau khi đã ra tù.
Nhưng không phải trường hợp kêu oan nào cũng được may mắn xem xét giải quyết, lý do là việc kêu oan phải trình ra được các chứng cứ hoặc cơ sở thuyết phục, điều này muốn có được thì phải nhờ luật sư giỏi có chuyên môn sâu.
Các cơ quan tư pháp cấp cao muốn xét lại sự việc thì lại phải nghe báo cáo từ cấp dưới mà nhiều khi những người báo cáo lại chính là người đã giải quyết án.
Vậy lãnh đạo phải tin ai giữa một bên là thuộc cấp của mình đã được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ và quá trình giải quyết đã được sàng lọc kiểm soát qua nhiều cơ quan khác nhau, với một bên là tội phạm với bản chất thường bị cho là gian manh xảo quyệt?
Điều đó có thể hơi bi quan tiêu cực, vì thực tế cũng đã có những trường hợp việc kêu oan được quan tâm lắng nghe và giải quyết minh oan.
Ví dụ trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang bị ngồi tù oan 10 năm, ngần ấy thời gian tù oan cũng là ngần ấy thời gian ông Chấn và gia đình liên tục kêu oan và cuối cùng được minh oan. Ở Bắc Giang còn có vụ án Hàn Đức Long có cơ sở oan sai rõ ràng mà bị cáo và gia đình cũng đã liên tục kêu oan tròn 9 năm nay.

Chiếc xe không phanh

Các cơ quan tiến hành tố tụng tham gia giải quyết một vụ án hình sự gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Khởi điểm của một vụ án hình sự là hoạt động điều tra, oan hay không cơ bản cũng xuất phát từ cơ quan này. Để đảm bảo hoạt động điều tra đúng pháp luật tránh nhầm lẫn sai sót, luật đã quy định Viện kiểm sát là cơ quan giám sát hoạt động điều tra.
Viện kiểm sát có vai trò kiểm sát điều tra, mối quan hệ giữa hai cơ quan là cân bằng và kiểm soát. Vai trò của viện kiểm sát giống như vai trò của chiếc phanh hãm, giúp cho hoạt động điều tra dừng lại trước sai sót.
Nhưng thực tế lâu nay, vì nhiều lý do khác nhau viện kiểm sát đã không làm tốt vai trò kiểm soát ngăn chặn của mình.
"Vô hình chung, vì những lý do không có gì liên quan đến công tác chuyên môn mà chỉ do các vấn đề đời sống thường nhật đã làm vô hiệu hóa mối quan hệ cân bằng kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan, vai trò của chiếc phanh hãm bị mất tác dụng."
Hầu như ở tất cả các huyện ở Việt Nam, người ta bố trí xây dựng trụ sở các cơ quan công an, viện kiểm sát và toàn án ở rất gần nhau, nhiều trường hợp là liền kề nhau. Dẫn đến cán bộ của các cơ quan này biết rất rõ về nhau.
Số lượng nhân sự thì cũng có hạn, ví dụ một tòa án huyện có khoảng 5 thẩm phán, 5 thư ký và vài ba nhân viên hành chính tạp vụ. Một viện kiểm sát huyện có khoảng 5 đến 7 kiểm sát viên. Theo thời gian công tác và thông qua các sinh hoạt đoàn thể địa phương, qua các dịp lễ tết hoặc ma chay hiếu hỉ, các điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán có điều kiện biết rõ về thói quen sở thích, về công việc của vợ con, các vấn đề gia đình.v.v.
Đây là một nguyên nhân khiến cho các cán bộ tư pháp nể nang, xuê xoa, dĩ hòa vi quý trong công tác mà nhiều trường hợp pháp luật bị gạt sang một bên, dẫn đến bao che bảo vệ nhau trước các sai phạm.
Vô hình chung, vì những lý do không có gì liên quan đến công tác chuyên môn mà chỉ do các vấn đề đời sống thường nhật đã làm vô hiệu hóa mối quan hệ cân bằng kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan, vai trò của chiếc phanh hãm bị mất tác dụng.

Quyền tư pháp yếu

Quốc hội đã chọn chuyên đề giám sát oan sai trong tố tụng hình sự, dù sao cũng hy vọng sẽ có thêm nhiều trường hợp kêu oan được minh oan.
Tuy nhiên tình trạng oan sai không thể được giải quyết chỉ trong một kỳ họp quốc hội, do vậy cần đưa ra được các chính sách mới để tạo hiệu quả lâu dài.
Một giải pháp là cần nâng vị thế chính trị của Viện kiểm sát và Tòa án lên bằng việc để Chánh án tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao làm ủy viên Bộ chính trị. Ở địa phương thì nâng Viện trưởng viện kiểm sát và Chánh án tòa án lên thành Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, huyện ủy thay vì ủy viên thường như hiện nay.
"Viện kiểm sát tối cao và Tòa án tối cao không có chân trong Bộ chính trị, trong khi một bộ thuộc Chính phủ như Bộ quốc phòng hay Bộ công an đều có chân trong cơ quan cao nhất này."
Thực tế lâu nay, quyền lực tư pháp yếu và yếu rất nhiều so với các thiết chế khác trong hệ thống chính trị. Viện kiểm sát tối cao và Tòa án tối cao không có chân trong Bộ chính trị, trong khi một bộ thuộc Chính phủ như Bộ quốc phòng hay Bộ công an đều có chân trong cơ quan cao nhất này.
Về số lượng có mặt trong Ban chấp hành Trung ương thì chỉ có Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao và Chánh án tòa án tối cao là Ủy viên trung ương, tức là mỗi cơ quan chỉ có một đại diện. Trong khi tất cả các thành viên Chính phủ gồm 27 người đều là Ủy viên Trung ương, hay 6 thứ trưởng Bộ công an cũng đều là ủy viên trung ương. Bộ quốc phòng có 19 người trong Trung ương Đảng.
Vị thế chính trị yếu như thế nên các cơ quan tư pháp không có được quyền hạn pháp lý lớn mạnh. Và khi quyền tư pháp không mạnh thì nó không có khả năng chứng tỏ pháp luật nghiêm minh, không cổ vũ được sức mạnh niềm tin của người dân vào hệ thống tư pháp.
Để thấy được sự yếu kém của hệ thống tư pháp Việt Nam có thể đối chiếu với động thái tư pháp ở một số quốc gia. Ví như trường hợp nước Thái Lan, mới đây Tòa án nước này đã phế truất Thủ tướng đương nhiệm và tiến hành điều tra về các sai phạm.
Hoặc như ở nước Pháp vừa đây đã tạm giữ để thẩm vấn cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy và điều tra về hành vi lạm dụng ảnh hưởng khi còn đương nhiệm. Hay như nước láng giềng Philippines năm 2012 đã bắt cựu bà Arroyo là cựu Tổng thống từ năm 2001 đến 2010.

Vai trò của thiết chế giám sát

Muốn giảm tránh sai sót oan sai thì phải tăng cường giám sát và củng cố các thiết chế giám sát. Đặc biệt là cần khai phóng tiềm năng hoạt động của thiết chế Hội đồng nhân dân, đây là một kho năng lượng vô cùng to lớn mà bấy lâu nay đã bị làm cho suy yếu lãng phí.
Lâu nay đại biểu hội đồng nhân dân hầu hết hoạt động kiêm nhiệm vì vậy thiết chế này bị suy yếu rất nhiều so với tiềm năng. Nếu đại biểu hội đồng nhân dân được hoạt động chuyên nghiệp sẽ tạo áp lực giám sát mạnh mẽ lên các thiết chế chính quyền, thúc đẩy hiệu năng của các cơ quan này, giúp giải quyết tốt các vấn đề đời sống xã hội trong đó bao gồm cả tình trạng oan sai.
Ngoài ra điều này sẽ giúp giảm tải áp lực công việc cho Quốc hội và các cơ quan tư pháp trung ương. Lâu nay hầu như không thấy trường hợp kêu oan nào gửi đơn kêu cứu nhờ giúp đỡ tới đại biểu hội đồng nhân dân.
"Nếu giới luật sư được chính quyền tôn trọng sẽ giúp cho hội luật sư phát triển, từ đó nâng cao vị thế của thiết chế luật sư bên cạnh các thiết chế tư pháp khác, góp phần vào việc xử lý tình trạng oan sai trong tố tụng hình sự."
Một thiết chế giám sát khác có khả năng ngăn ngừa oan sai đó là tổ chức luật sư. Đây là lực lượng có vai trò đối trọng giám sát các hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng. Giới luật sư cũng có tác dụng như phanh hãm giúp cho cỗ máy tư pháp dừng lại trước nguy cơ gây nạn.
Chính quyền cần giúp đỡ tổ chức luật sư lớn mạnh, ủng hộ việc nâng cao các tiêu chí tổ chức hoạt động của hội luật sư. Ủng hộ việc bầu cử phải dân chủ minh bạch không áp đặt về nhân sự. Ủng hộ nguyên tắc những người giữ vai trò lãnh đạo phải là những người có thâm niên kinh nghiệm hành nghề, có uy tín trong giới luật sư, có tâm huyết với nghề nghiệp.
Liên đoàn luật sư Việt Nam được thành lập năm 2009 là tổ chức ở cấp độ toàn quốc của giới luật sư Việt Nam, trước đó mấy nghìn luật sư hoạt động theo các đoàn luật sư mỗi tỉnh..
Ngay khi thành lập năm 2009, chính quyền đã cơ cấu để mấy người hầu như chưa bao giờ hành nghề luật sư lại đứng đầu tổ chức hành nghề luật sư cả nước, đứng trên cả những luật sư với mấy chục năm kinh nghiệm hành nghề.
Đó thực sự là việc làm coi thường thiếu tôn trọng của chính quyền đối với giới luật sư. Nó khiến cho nhiều luật sư cũng tự hạ thấp mình khi cam chịu chấp nhận sự trái ngang đó.
Việc làm áp đặt của chính quyền gây hại cho cả giới luật sư và xã hội. Đối với giới luật sư thì những người chưa từng nhỏ một giọt mồ hôi lên các trang tài liệu hồ sơ, chưa từng khóc thầm khi chứng kiến những trái ngang của cơ chế thì không có được khả năng vạch đường tìm lối để nghề luật sư phát triển.
Đối với xã hội thì do thiếu chuyên môn và trình độ cho nên đứng trước các vấn đề pháp lý nổi cộm trong đời sống xã hội, rất hiếm khi thấy có tiếng nói của những người đứng đầu tổ chức luật sư.
Tổ chức luật sư thực sự là một thiết chế giám sát giúp giảm tránh oan sai. Nếu giới luật sư được chính quyền tôn trọng sẽ giúp cho hội luật sư phát triển, từ đó nâng cao vị thế của thiết chế luật sư bên cạnh các thiết chế tư pháp khác, góp phần vào việc xử lý tình trạng oan sai trong tố tụng hình sự.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và văn phong của trưởng văn phòng luật sư Ngô Ngọc Trai và Cộng sự ở thành phố Nam Định.

Không có nhận xét nào: