Pages

Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

Vụ MH17: sức ép đang dồn lên Nga

Giao thông đến khu vực chiếc máy bay MH17 rơi đang bị hạn chế
Các nước phương Tây đã yêu cầu Nga gây sức ép đối với quân ly khai ở miền đông Ukraine cho phép tiếp cận hiện trường chiếc máy bay rơi của hãng hàng không Malaysia Airlines một cách không hạn chế.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết ông đã nói với Thủ tướng Nga Vladimir Putin rằng thời gian ‘đang dần cạn’ để chứng tỏ rằng ông có thể giúp được gì đó. Đa số các nạn nhân trên chiếc máy bay này có quốc tịch Hà Lan.


Các quan sát viên quốc tế cho biết lực lượng dân quân thân Nga đang kiểm soát khu vực đang hạn chế việc di chuyển của họ.
Mỹ và Anh cũng nói với Nga khu vực máy bay gặp nạn cần được cho phép tiếp cận hoàn toàn.

‘Hủy hoại bằng chứng’

Mỹ nói rằng họ ‘quan ngại sâu sắc’ trước việc hạn chế tiếp cận khu vực này.
“Điều tối quan trọng là cần phải có một cuộc điều tra đầy đủ, đáng tin tưởng và không bị cản trở càng sớm càng tốt,” thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington viết.
Chuyến bay MH17 đã trúng hỏa tiễn khi đang bay ở trên khu vực do phiến quân thân Nga kiểm soát ở Donetsk hôm 17/7. Toàn bộ 298 người có mặt trên máy bay đều thiệt mạng.
"Tôi nói với ông ấy (Tổng thống Nga Vladimir Putin) rằng thời gian đang gần cạn để Ngài có thể chứng tỏ cho thế giới thấy rằng Ngài có thiện chí."
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte
Ukraine cáo buộc phiến quân tại hiện trường ‘tìm cách hủy hoại bằng chứng một tội ác quốc tế’.
Trong một cuộc họp báo hôm thứ Bảy ngày 19/7, Thủ tướng Rutte cho biết ông đã có một cuộc nói chuyện điện thoại ‘căng’ với ông Putin.
“Tôi nói với ông ấy rằng thời gian đang gần cạn để Ngài có thể chứng tỏ cho thế giới thấy rằng Ngài có thiện chí,” ông nói.
Ông nói thêm rằng người dân Hà Lan rất ‘phẫn nộ’ trước hình ảnh các thi thể nằm rải rác khắp vùng đất trống và kêu gọi Tổng thống Nga ‘hãy chứng tỏ rằng ông sẽ làm những gì mà người ta mong đợi ở ông và sử dụng ảnh hưởng của mình.”
Phóng viên BBC Richard Galpin có mặt tại hiện trường cho biết ông nhìn thấy các thi thể được các nhân viên cứu hộ chuyển đi nhưng không rõ là các thi thể này được đưa đi đâu và các công nhân cứu hộ này là lực lượng trung thành với chính quyền Kiev hay phiến quân.
Ông Putin đang đối diện sức ép quốc tế
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã nói chuyện với ông Putin hôm 19/7. Bà kêu gọi ông hợp tác.
Các quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đang có mặt tại hiện trường.

‘Đưa khỏi hiện trường’

Người phát ngôn OSCE Michael Bociurkiw cho biết họ được tạo điều kiện tiếp cận tốt hơn hôm 17/7 và rằng họ đã được đến những nơi mà họ chưa đến trước đó nhưng sự di chuyển của họ vẫn bị hạn chế.
Các quan sát viên OSCE đến nơi để giám sát khu vực này trước khi các nhà điều tra quốc tế đến nơi.
Thủ tướng Anh David Cameron và người tương nhiệm Úc Tony Abbott đã đồng ý hai nước sẽ áp dụng ‘thêm các biện pháp’ tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để thúc đẩy việc cho pháp tiếp cận hiện trường một cách nhanh chóng và không hạn chế, văn phòng của ông Cameron thông báo.
Hiện trường hiện đang được phiến quân thân Nga canh gác
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nói chuyện điện thoại với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov về vụ việc.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ thì ông Kerry đã nói với ông Lavrov rằng Mỹ ‘hết sức quan ngại’ trước tin các thi thể và mảnh vỡ đã được đưa ra khỏi hiện trường và bị làm xáo trộn.
Hôm 18/7, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói rằng chiếc máy bay này đã trúng một tên lửa được bắn lên từ khu vực do phiến quân kiểm soát và rằng phiến quân không thể nào có khả năng làm việc này mà không có sự hỗ trợ của người Nga.
Tuy nhiên, phía Nga đã phủ nhận mọi sự dính líu và bác bỏ cáo buộc của phương Tây rằng họ đang châm ngòi cho cuộc xung đột tại Ukraine.

Không có nhận xét nào: