Pages

Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Trung Quốc tung phim tài liệu về yêu sách Biển Đông

Truyền hình Trung Quốc vừa công bố một bộ phim tài liệu dài tập các hoạt động trên Biển Đông, được các chuyên gia đánh giá là một tín hiệu nữa nhằm thể hiện quyết tâm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền tham lam của họ.

Hình ảnh tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông trong phim tài liệu. Ảnh chụp màn hình
Bộ phim tài liệu gồm 8 phần, với nhiều hình ảnh chưa bao giờ được công bố, mang tên "Hành trình trên biển Nam Trung Hoa", tên của Biển Đông theo cách gọi của Trung Quốc. 

Theo trang GMA News của Philippines, phim này từng được phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV4 từ ngày 24 đến 31/12 năm ngoái. Mới đây, phim được trang web của CCTV đăng tải lại với phụ đề song ngữ Trung - Anh để truyền bá rộng rãi hơn.



Bộ phim tài liệu dài hơn ba tiếng cung cấp một cái nhìn hiếm có về những hoạt động bấy lâu của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có việc theo dõi các nước có tranh chấp và củng cố sự hiện diện quân sự để ngăn chặn những quốc gia này.


Trong một cảnh, những chuyên gia Trung Quốc ngang nhiên bày ra những tài liệu mà họ gọi "bản đồ cổ" để biện bạch cho tuyên bố chủ quyền bao trọn cả Biển Đông. Một đoạn khác lại cho thấy cái gọi là "thành phố Tam Sa" mà Trung Quốc xây dựng phi pháp từ năm 2012 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.


Phim trích dẫn hình ảnh Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974, hay cho thấy tàu Trung Quốc hung hăng đâm vào một tàu Việt Nam nhỏ hơn năm 2007. 


Phim cũng chiếu những hình ảnh về bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham tranh chấp với Philippines, hay bãi cạn James, đối tượng tranh chấp giữa Bắc Kinh với Kuala Lumpur. 


Trung Quốc còn phô trương một hệ thống tuần tra và giám sát được lắp đặt trên khắp Biển Đông và các đảo tiền tiêu. Nước này trắng trợn tự nhận là "thần hộ mệnh" cho vùng biển này. 


'Thông điệp rùng rợn'


Ông Carl Thayer, một chuyên gia nổi tiếng về Biển Đông người Australia, cho rằng đoạn phim trên được Trung Quốc chủ đích công chiếu cho nhiều đối tượng khán giả chứ không chỉ người dân trong nước.


"Đây là một thông điệp rùng rợn đến các nước có tuyên bố chủ quyền rằng Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực như đâm va để thực thi 'quyền chủ quyền' của nước này", ông Thayer nói. "Từ video này, bằng chứng cho thấy lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã đưa việc đâm tàu vào danh mục chiến thuật của mình".


Trên nền nhạc piano nhẹ nhàng, bộ phim tài liệu dài chiếu những cảnh tượng kỳ vĩ của vùng biển màu xanh lam, nơi Trung Quốc cho rằng ẩn chứa nguồn tài nguyên và đời sống hải dương phong phú, với những hòn đảo xa xôi có bãi biển bọt tung trắng xóa. 


Những hình ảnh này rõ ràng được thiết kế để kích thích chủ nghĩa dân tộc và nêu lên tính cấp bách trong khán giả Trung Quốc rằng phải bảo vệ những cái gọi là lãnh thổ xa bờ mà chính phủ nước này tự cho là thuộc chủ quyền của Bắc Kinh.


Nước này nói rằng nền kinh tế của mình phát triển là nhờ vào Biển Đông, tuyến đường vận chuyển 60% lượng hàng hóa giao thương với nước ngoài và 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc.


Theo ước tính của Bắc Kinh, có khoảng 30 tỷ thùng dầu và một lượng lớn khí tự nhiên dưới đáy Biển Đông, bên cạnh hàng nghìn tấn kim loại quý và khoáng sản đã được phát hiện. Bên cạnh đó, có một lượng lớn "băng cháy" mà Trung Quốc đã tìm thấy và có thể phát triển thành một nguồn năng lượng thay thế.


Với "mỏ vàng" này, Trung Quốc đã và sẽ sử dụng sức mạnh của mình để đạt được quyền kiểm soát các vùng biển tranh chấp, giới phân tích nhận định.


"Tôi nghĩ những hành động của Trung Quốc cho thấy rằng nước này kiên quyết khai thác các tài nguyên của vùng biển này, bất chấp những tranh chấp pháp lý", nhà phân tích Parag Khanna, giáo sư đại học Quốc gia Singapore, nói.


Trong khi đó, ông Thayer cảnh báo rằng không chỉ riêng các nước có tranh chấp với Trung Quốc mà cả khu vực phải lưu tâm đến những lá cờ trong video.


"Video này phải được xem là sự gây rối không chỉ với các nước có tuyên bố chủ quyền chính là Việt Nam và Philippines, mà còn cả những nước khác ở Đông Nam Á", ông nói.


Anh Ngọc

Không có nhận xét nào: