Pages

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Ông Tập chống tham nhũng và giữ Đảng

Ông bà Tập thay đổi diện mạo chính trị TQ bằng nụ cười
Kể từ khi lên nắm quyền năm 2012, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã mang lại gương mặt mới cho chính trị Trung Quốc.
Ăn há cảo cùng dân thường, lên truyền hình giải thích chính sách bằng ngôn ngữ mà ai ai cũng hiểu, và gây ấn tượng với lãnh đạo các nước trên thế giới bằng phong cách thân thiện mà lại tự tin đầy quyền lực; ông Tập khác người tiền nhiệm lạnh lùng và nhạt nhẽo Hồ Cẩm Đào một trời một vực.


Tập Cận Bình không phải lúc nào cũng cười. Chiến dịch chống tham nhũng chưa từng có tiền lệ mà ông khởi xướng đang lôi ra hết nhân vật cao cấp này tới nhân vật cao cấp khác, phơi bày không chỉ tham nhũng vặt mà cả những khối tài sản khổng lồ của các lãnh đạo Trung Quốc.
Thế nhưng điều này có làm thay đổi bản chất của nền chính trị Trung Quốc hay không?
Vụ nhà tài phiệt Lưu Hán bị tử hình hồi tháng Năm vừa qua vì tội “tổ chức và chỉ đạo tội phạm và giết người kiểu mafia" cũng cho thấy một điều khác: đó là sự xâm nhập của các mạng lưới tội phạm hùng mạnh vào bên trong hệ thống chính trị Trung Quốc.
Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập cũng không hẳn là bước ngoặt như người ta tưởng.

Bình cũ rượu mới?

Ông Lưu Hán bị xử từ hình trong tháng 5 vừa qua
Mục tiêu của chiến dịch này đúng là đã lên tới các cấp cao [của hệ thống chính trị] nhưng dường như chỉ hạn chế trong số các đối thủ của ông Tập và tay chân của những người này, thí dụ như cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang. Nói cho cùng thì đây cũng chỉ là chuyện chính trị nội bộ, mà vụ Bạc Hy Lai đã gây chia rẽ nặng.
Việc ông Bạc bị thanh trừng, cùng các nỗ lực hạ bệ Chu Vĩnh Khang cùng vây cánh cho thấy một điều cũ như trái đất.
Chia rẽ bên trong tầng lớp chóp bu của Đảng CSTQ chính là nguồn gốc của sự bất ổn của thể chế và đối với lãnh đạo Trung Quốc còn nguy hiểm hơn là các đe dọa từ bên ngoài như lực lượng ly khai, bất đồng chính kiến hay tôn giáo cực đoan. Cạnh tranh của các phe nhóm đang phá hoại sự đoàn kết trong Đảng và làm tan vỡ vỏ huyền bí của điều được cho là quyền lãnh đạo thiêng liêng của Đảng CS.
Tuy nhiên cũng cần phải chú ý rằng đang có những thay đổi trong hệ thống chính trị Trung Quốc mà thoạt tiên tỏ ra không mấy choáng ngợp nhưng về lâu về dài có thể trở nên vô cùng quan trọng.
Sự phát triển của kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa đã thay đổi hệ thống xã hội Trung Quốc, làm nảy sinh các mâu thuẫn và xung đột quyền lợi mới.
Các tập đoàn nội địa và ngoại quốc, các tập hợp người trung lưu, nông dân bị mất đất, nạn nhân của tình trạng thiếu an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường hay lao động nhập cư... nay đều có thể gây ảnh hưởng về chính trị.
Nói chung Đảng CSTQ không tìm cách trấn áp mà quản lý và điều phối ảnh hưởng của các nhóm lợi ích lên hệ thống chính trị, cách tiếp cận này thường được gọi là "quản trị xã hội". Thế nhưng nay Đảng không còn hoàn toàn ở vị trí chủ động nữa.
Đảng quản trị xã hội càng tốt thì xã hội lại càng có nhiều không gian và đòn bẩy để 'quản lý' lại Đảng và chính phủ.
Hệ thống đơn từ khiếu nại hay hệ thống luật pháp cho phép người dân được thưa kiện đòi bồi thường, và ý kiến của họ phải được giới chức tiếp thu khi soạn thảo hay thực thi chính sách.
Còn có những phương cách ít biết đến hơn, mà qua chúng các nhóm xã hội khác nhau để dấu ấn lên hệ thống chính trị.
Để ảnh hưởng tới các quyết định chính sách, các tổ chức NGO, hội đoàn kinh doanh cả trong và ngoài nước đã và đang tổ chức nhiều hội nghị, viết bài, cung cấp tư liệu phân tích và trực tiếp tiếp xúc với các lãnh đạo.
Về phần mình, Đảng CSTQ và chính phủ đã phát triển cách thức riêng để ra quyết đị́nh chính sách, như nghiên cứu, thu thập ý kiến chuyên gia và trưng cầu dân ý.
Các viện nghiên cứu (think-tank) đã bắt đầu được thành lập trong những năm 1980 và nay mỗi bộ ngành đều có các viện nghiên cứu riêng của mình.
Các trường Đảng cũng như các trường đại học đều thường xuyên thực hiện các dự án liên quan chính sách. Bản thân Bộ Chính trị Đảng CSTQ cũng có những khóa nghiên cứu tập thể.
Có nhiều kênh để giới làm ăn tác động vào chính sách nhà nước
Kể từ đầu thập kỷ 1990, ngày càng nhiều người Trung Quốc có học vấn làm việc trong bộ máy Đảng và chính quyền. Những người này cho rằng tìm cách ảnh hưởng từ bên trong thì sẽ hiệu quả hơn là chống chính quyền từ bên ngoài như các nhân vật bất đồng chính kiến hay giới vận động lưu vong.
Bắc Kinh đang ngày càng trở nên giống các trung tâm chính trị lớn của phương Tây như Washington hay Brussels, nơi đầy các viện nghiên cứu, nhóm vận động, tổ chức và các quỹ nhầm gây ảnh hưởng lên bộ máy quyền lực.
Tất nhiên quá trình ra chính sách vẫn được thực hiện một cách nội bộ nhưng nay không hoàn toàn tách biệt với bên ngoài nữa. Chính sách đã được ảnh hưởng thông qua nhiều kênh khác nhau, các kênh này phát sinh tự nhiên hay có dàn xếp.

Giảm bớt kiềm tỏa về quyền lực

Điều này dẫn đến câu hỏi về tham nhũng.
Nếu như chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình nhằm để làm sạch hệ thống chính trị Trung Quốc thì cũng phải hỏi là tham nhũng đã thay đổi thực chất tiến trình chính trị ở Trung Quốc như thế nào. Thí dụ việc ăn hối lộ hay lợi ích kinh doanh của các ông tỷ phú đỏ ảnh hưởng thế nào tới quá trình hoạch định và thực thi chính sách?
Liệu Đảng CSTQ có trở thành phương tiện của một bộ phận quyền lực để họ cai trị đất nước vì lợi ích riêng của mình hay không?
Trả lời được các câu hỏi này, chúng ta sẽ biết được mức độ giao quyện của quyền lực, tài chính và tội phạm có tổ chức, mức độ ảnh hưởng của nó tới Đảng CSTQ và cả hệ thống chính trị, cũng như sự chênh lệch giữa lý thuyết Đảng và thực tế ở trong nền chính trị Trung Quốc.
"Nếu như chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình nhằm để làm sạch hệ thống chính trị Trung Quốc thì cũng phải hỏi là tham nhũng đã thay đổi thực chất tiến trình chính trị ở Trung Quốc thế nào"
Hệ thống chính trị Trung Quốc tiếp tục phát triển về các hướng mà chúng ta không hoàn toàn hiểu rõ: chắc chắn là không phải về hướng dân chủ đa đảng của phương Tây nhưng cũng không phải một chính thể độc tài chuyên quyền. Có lẽ là có các yếu tố của cả hai hệ thống, cộng thêm vài yếu tố mới.
Đảng CSTQ đang đi một con đường chưa có người qua. Không có ai, kể cả bản thân các lãnh đạo Đảng, biết được tương lai sẽ như thế nào. Có rất nhiều thách thức ở phía trước về kinh tế, chính sách, xã hội và chính trị. Trước khi giải quyết các vấn đề này thì vai trò của Đảng phải thay đổi.
Thứ nhất, phải tăng cường sự minh bạch và vai trò trách nhiệm. Hệ thống hiện hành còn nhiều mập mờ trong quá trình làm chính sách trong Đảng.
Tất nhiên lãnh đạo Đảng có thề tiếp tục các hình thức đấu tranh chống tham nhũng xưa nay vẫn làm, thanh trừng và bí mật nội bộ. Thế nhưng Đảng cũng có thể tìm cách thay đổi cuộc chơi bằng cách đưa vào các quy trình và nguyên tắc minh bạch trong cạnh tranh chính trị, thảo luận và quyết định chính sách.
Tiến trình này cần được công khai cho người dân theo dõi kiểm tra một cách chặt chẽ hơn là nguyên tắc "dân chủ tham khảo" hiện nay.
Để đấu tranh chống tham nhũng, lãnh đạo Đảng cần công khai với dân các lợi ích của mình. Quy tắc và quy trình cần được thiết lập để làm sao các nhân vật lãnh đạo không tham gia vào các quyết định có thể mang lại lợi ích cho bản thân họ.
Đảng Cộng sản Trung Quốc mạnh lên nhờ Tập Cận Bình?
Thứ hai, cần tách bạch Đảng và xã hội. Hiện các quyền tự do của người dân, công ty, hội đoàn và tổ chức đều phụ thuộc phần nào vào Đảng.
Nếu người dân tự cho mình là trẻ con cần người lớn cầm tay dạy dỗ thì không sao nhưng tình trạng hoạt động xã hội đang ngày càng phát triển ở Trung Quốc là chỉ dấu cho thấy tình hình không như thế nữa.
Đảng CSTQ cần bớt ám ảnh về ổn định xã hội và tin tưởng hơn vào chính xã hội mà Đảng đã tạo ra.
Các sự khác biệt về tư tưởng và tôn giáo, xung đột hay cạnh tranh, đều không hẳn là xấu hay đe dọa ổn định xã hội. Ngược lại, chúng là dấu hiệu cho một xã hội ổn định, chín chắn và mạnh mẽ.
Đảng CS sẽ còn lãnh đạo Trung Quốc, có lẽ là rất nhiều năm nữa. Có lẽ đây là điều tốt cho người dân, đất nước Trung Quốc, và thậm chí cả toàn thế giới. Thế nhưng đã đến lúc nới lỏng vòng kiềm tỏa quyền lực.
Trung Hoa đã trưởng thành rồi.
Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong riêng của tác giả, Giáo sư ngành Nghiên cứu Trung Quốc hiện đại tại Đại học Leiden, Hà Lan. Ông hiện đang viết một cuốn sách về chính trị và xã hội Trung Quốc, sẽ do Nhà xuất bản Đại học Cambridge phát hành vào năm 2015.

Không có nhận xét nào: