Pages

Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

Gián điệp tin học : Chiến tranh lạnh Mỹ-Trung

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khai mạc Đối thoại Chiến lược Mỹ Trung,
 ngày 09/07/2014 tại Bắc Kinh    
Bộ Ngoại Giao Mỹ
Minh Anh
Đối thoại Mỹ - Trung lần sáu về kinh tế và chiến lược vừa kết thúc. Về mặt hình thức, cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều đưa ra những dấu hiệu cởi mở trong quá trình diễn ra Đối thoại. Cả hai bên đều có những lời lẽ có vẻ hòa dịu như « đối đầu Mỹ - Trung sẽ là một thảm họa » theo như phía Bắc Kinh, hay như « thành công của mỗi phía cũng là lợi ích từng bên », Washington đánh giá.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, những lời lẽ xã giao đó cũng không che dấu được các căng thẳng đang gia tăng giữa đôi bên, nhất là về vấn đề an ninh mạng, cái gai chính trong mối quan hệ Trung – Mỹ. Chủ đề này được hai nhật báo lớn Le Monde và Le Figaro hôm nay 11/07/2014 đề cập đến. 
« Washington và Bắc Kinh cố che đậy các bất đồng », tựa  trên Le Figaro. Trong cuộc đối thoại lần này, cả hai bên chỉ đạt được một điểm chung duy nhất là phát triển quan hệ song phương trên bình diện quân sự và hợp tác chống khủng bố. Còn các hồ sơ nhạy cảm như nhân quyền đã không đạt tiến bộ nào. Hai hồ sơ gai góc nhất gây căng thẳng cho đôi bên chính là các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và gián điệp mạng. 
Về điểm này, nhật báo Le Monde nhận thấy là đang có « Chiến tranh lạnh giữa Washington và Bắc Kinh trên hồ sơ gián điệp tin học ». Le Monde trích dẫn bình luận trên tờ Tân Hoa Xã, cho rằng mọi tiến bộ sẽ phụ thuộc vào « sự thành tâm » của Washington, « bởi vì điều đáng nực cười, chính Hoa Kỳ là quốc gia có mạng lưới nghe lén trên mạng lớn nhất hành tinh ». 
Trong lúc chờ đợi, viện dẫn vì lý do an ninh quốc gia, Trung Quốc đã có những động thái phản công như cấm các cơ quan Nhà nước cài đặt phiên bản mới nhất của hệ điều hành Microsoft Window 8 trên toàn bộ các máy vi tính vào tháng 5/2014. Xem xét lại việc sử dụng máy vi tính IBM và cho thay thế dần bằng các máy vi tính do hãng Inspur trong nước sản xuất. Hay như kêu gọi các tập đoàn kinh tế Nhà nước không nên nhờ đến các hãng tư vấn của Hoa Kỳ. 
Tuy vụ tiết lộ nghe lén của Snowden có làm cho doanh thu của nhiều tập đoàn mạng của Hoa Kỳ tại Trung Quốc sụt giảm, nhưng đối với ngành tin học, giới chuyên gia trong lãnh vực ngân hàng cho rằng Trung Quốc khó có thể tồn tại mà không không cần đến hệ điều hành của IBM, do những đòi hỏi khá cao về hiệu năng trong lãnh vực này. Một khả năng cho đến hiện nay ngành công nghệ thông tin Trung Quốc vẫn chưa thể đạt đến được. 
Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, báo cáo của Ủy ban Đầu tư nước ngoài đưa ra hồi tháng 10/2012 lại cho rằng các nhà cung cấp thiết bị mạng viễn thông Trung Quốc như Hoa Vi hay ZTE « đang đe dọa an ninh quốc gia ». Trong bối cảnh đó, những năm gần đây Hoa Vi đã tập trung đầu tư vào Châu Âu, trong khi vẫn bị cấm cửa vào thị trường Mỹ. 
Indonesia : Duy trì đa tôn giáo, một thách thức lớn cho tổng thống mới
Kết quả bầu cử tổng thống Indonesia cho đến nay vẫn chưa biết ra sao, do cả hai ứng viên cùng tuyên bố thắng cử, khiến tình hình chính trị trong nước có nguy cơ rơi vào « ngõ cụt ». Bất chấp là ai chăng nữa, vấn đề bảo tồn đa tôn giáo vẫn sẽ là một thách thức lớn cho vị thổng thống mới. Theo nhật báo công giáo La Croix, « Các nhóm thiểu số Indonesia dưới áp lực của Hồi giáo ». 
Nhật báo nhận định nếu như kết quả bầu cử được công nhận, trong trường hợp ông Joko Widodo trúng cử thì cộng đồng Cơ đốc giáo tại Indonesia sẽ thở phào nhẹ nhõm.
Mặc dù xuất thân là Hồi giáo và được sự ủng hộ phó đô trưởng Cơ đốc giáo gốc Hoa, đô trưởng Jakarta Widodo tuyên bố tuân thủ với Hiến pháp 1945 và năm nguyên tắc của « Pancasila », do Sukarno, người dẫn dắt đất nước đến nền độc lập, đề ra. « Pancasila » được xem như là nền tảng của một chủ nghĩa dân tộc có nền tôn giáo trung lập. 
Thế nhưng, « Pancasila » đó lại được các cộng đồng tôn giáo trong nước diễn giải theo những cách khác nhau tùy theo từng góc độ. Cộng đồng Hồi giáo theo xu hướng tự do diễn giải « học thuyết » này như là một hình thức « hợp nhất trong sự đa dạng ». Với cách diễn giải này, sự thống nhất quốc gia và sự đa dạng sắc tộc, văn hóa và tôn giáo sẽ gạt bỏ ý tưởng một quốc gia Hồi giáo. 
Phía những người theo Hồi giáo cực đoan lại lên án « Pancasila » như là một nguồn làm suy yếu cộng đồng Hồi giáo. Số khác lại xem học thuyết này như là một công cụ tạo thuận lợi cho vai trò của Hồi giáo trong một quốc gia, có đến sáu tôn giáo được công nhận : Hồi giáo, Tin Lành, Công giáo, Ấn độ giáo, Phật giáo và Khổng tử. 
Nhìn trên tổng thể, có đến 4 trên 5 đảng phái Hồi giáo ủng hộ cho ứng viên Prabowo Subianto, đối thủ của ông Joko Widodo. Theo La Croix, sự ủng hộ của hai đảng Hồi giáo Mặt trận bảo vệ Hồi giáo FPI và Diễn đàn Oumma và Hồi giáo FUI dành cho vị cựu tướng lãnh gieo rắc nghi ngờ thiện chí duy trì đa tôn giáo của ông Subianto. 
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, nếu ông Prabowo thắng cử sẽ đẩy tương lai của đất nước này theo trào lưu Hồi giáo Wahhabi, của Ả Rập Xê Út, cấm đoán và xem các hệ phái khác như là những « kẻ sai lệch », hạn chế bớt tự do tín ngưỡng, khả năng thay đổi tôn giáo hay các hoạt động truyền giáo. 
Cuối cùng, tờ báo trích dẫn nhận định của sử gia Merle Calvin Ricklefs, chuyên gia về Indonesia, cho rằng « Dù ai thắng cử đi chăng nữa, các đảng phái Hồi giáo sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lên các định chế và xã hội dân sự ». 
Hungary tấn công các tổ chức phi chính phủ tại Budapest
Nhìn sang Châu Âu, Libération quan ngại cho tình hình tự do ngôn luận tại Hungary. Thủ tướng Viktor Orban nghi các tổ chức phi chính phủ của nước ngoài tại Hungary làm gián điệp cho nước ngoài. Có tổ chức bị nghi làm tình báo cho Anh – Mỹ. Số khác bị nghi làm việc cho Na Uy. Tờ báo chạy tựa « Hungary tiến hành chống lại ‘âm mưu đến từ Bắc Âu’ ». 
Theo giải thích của Libération, 58 tổ chức phi chính phủ được yêu cầu phải giao nộp các hồ sơ và tên của những người thụ hưởng cho Cơ quan kiểm soát đầy quyền lực của chính phủ
Libération cho hay, dù không phải là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, nhưng Na Uy tài trợ cho nhiều dự án tại 16 nước thành viên, thông qua Quỹ Na Uy vì xã hội dân sự. Mục đích là nhằm thúc đẩy dân chủ qua các Hiệp hội bảo vệ tự do công dân.
Theo nguyên tắc này, Quỹ vì Xã hội dân sự của Na Uy đã đổ một món tiền cũng khá lớn là 13,5 triệu euro trong vòng 5 năm vào một tổ chức ONG/NGO của Hungary. Chính quyền vì muốn thu hồi quyền kiểm soát số tiền trên nên đã viện dẫn là có bàn tay thao túng của đảng Xanh, một đảng đối lập và chỉ nhằm phục vụ lợi ích cho đảng này. Do đó, chính quyền không thể nhắm mắt làm ngơ trước việc sử dụng sai mục đích công quỹ.
Lập luận này đã bị phía Na Uy giận dữ bác bỏ. Nữ đại sứ Na Uy cho rằng « chẳng có một xu tiền công nào của Hungary trong các dự án dân sự của Na Uy. Chính quyền Hungary không có quyền kiểm soát Quỹ của Na Uy ». Theo Libération, sở dĩ có sự căng thẳng này là vì Na Uy đã ngưng đổ tiền tiếp cho một chương trình tài trợ khác của chính phủ Hungary vì cho rằng Budapest không đưa ra đủ các đảm bảo về công tác quản lý. Do đó, chính quyền Orban đã dùng các tổ chức NGO như một món hàng để mặc cả với Na Uy. Trước mắt Oslo vẫn kiên quyết giữ lập trường. 
Hàng không giá rẻ : Thị trường béo bở cho các hãng sản xuất máy bay
Lãnh vực kinh tế, Le Monde nhận định « Lượng bán máy bay sẽ phải tăng gấp đôi từ đây trong vòng 20 năm nhờ vào thị trường hàng không giá rẻ ». 
Theo dự báo của Boeing, lượng khách giao thông trên thế giới tăng đều mỗi năm 5%. Như vậy, từ đây cho đến năm 2033, các hãng hàng không trên thế giới sẽ phải cần đến 36 770 chiếc máy bay mới. Boeing cho rằng phát triển hàng không sẽ tập trung chủ yếu vào các loại máy bay phục vụ cho các chuyến bay nội địa.
Từ đó Boeing cho rằng nhu cầu các loại máy bay nhỏ sẽ bùng nổ. Theo tính toán, trong vòng 20 năm tới, thị trường sẽ cần đến hơn 25 600 loại máy bay này, tăng 70%.
Trong bối cảnh này cuộc chiến giữa hai nhà sản xuất hàng đầu Boeing và Airbus sẽ còn tiếp tục kéo dài, Le Monde kết luận.
« Thanh long, Bạch hổ » hay những mặt đối lập của xã hội Trung Quốc
Trong lãnh vực văn hóa, Le Figaro giới thiệu một gương mặt văn học mới đang gây thu hút công luận Mỹ và Pháp. Nhân dịp ra mắt tác phẩm « Thanh long, Bạch hổ » (tên tiếng Pháp là ‘Dragon bleu, Tigre blanc’) tiểu thuyết gia hình sự Cừu Tiểu Long (Qiu Xiaolong), một nhà văn người Mỹ gốc Hoa khi trả lời phỏng vấn Le Figaro nhận định « Thực tế tại Trung Quốc còn kỳ lạ hơn những câu chuyện của tôi ». 
Tiểu thuyết gia hình sự Cừu Tiểu Long sống tại Hoa Kỳ từ năm 1988 nhưng lại khá nổi tiếng tại Pháp. Trong số hơn một triệu bản phát hành, có đến hơn một nửa là tại Pháp. Trong các tác phẩm của mình, ông đã cho thấy góc nhìn sắc cạnh và nhạy cảm về xã hội Trung Quốc, bị giằng xé giữa chế độ chính trị « bị kềm tỏa » và những mưu cầu hạnh phúc bản thân. Le Figaro cho biết tác phẩm phát hành mới nhất của ông « Thanh long, Bạch hổ » được xây dựng trên phông nền vụ án Bạc Hy Lai.
Đối với nhà văn, vụ án này ly kỳ hấp dẫn ở chỗ diễn biến của vụ việc đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Nó bộc lộ mối quan hệ giữa Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân không giống như là quan hệ giữa đồng chí trong đảng mà giống như là giữa một vị hoàng đế với kẻ hầu.
Sự sụp đổ của Bạc Hy Lai không còn là chuyện một cá nhân. Nếu chế độ không thay đổi, thì ngày mai sẽ có một Bạc Hy Lai khác xuất hiện. Đó là một sản phẩm của hệ thống. Tập Cận Bình có vẻ nghiêm túc trong cuộc chiến chống tham nhũng. Nhưng liệu ông có làm việc đó là vì quyền lợi quốc gia hay là vì đảng đó vẫn là một câu hỏi theo ông Cừu Tiểu Long.
Nhà văn cho Le Figaro biết là do sách của ông đề cập đến nhiều chủ đề nhạy cảm nên chỉ có 3-4 tác phẩm được phát hành, nhưng bị cắt xén rất nhiều, khiến độc giả đôi khi không hiểu được nội dung câu chuyện. Về điểm này, Cừu Tiểu Long lấy làm tiếc là vấn đề kiểm duyệt vẫn chưa được cải thiện tại Trung Quốc, dù rằng ông không phải là nhà ly khai, chống đối lại chính phủ.
Tác giả cũng lấy làm tiếc là thú đọc sách của người dân bản xứ giờ cũng phai nhạt, bị thay thế bằng những lo toan cơm áo gạo tiền. 

Không có nhận xét nào: