Pages

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

Câu hỏi khi tư nhân 'kinh doanh di sản'

Vịnh Hạ Long

Vịnh Hạ Long được xếp hạng di sản thiên nhiên thế giới bởi Unesco vào năm 1994.
Việc giao quyền khai thác di sản thiên nhiên và văn hóa - lịch sử cho tư nhân tham gia kinh doanh ở Việt Nam đang là một chủ trương được cứu xét, tuy nhiên chính sách này cũng đặt ra một số câu hỏi không dễ trả lời.
Hôm 28/7/2014, một chuyên gia về quản lý du lịch nói với BBC khi cho phép các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu thầu dự án, việc này cũng mở ra khả năng các doanh nghiệp nước ngoài có thể tham gia theo các quy định của luật đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Trao đổi với BBC hôm thứ Hai, PGS. TS Trần Đức Thanh, nguyên Chủ nhiệm khoa Quản trị Du lịch trường Đại học Dân lập Đông Đô nói về việc tại sao Việt Nam nên cho phép huy động sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế của Việt Nam và an ninh trong khu vực, nhất là trên Biển Đông, có thể Việt Nam phải áp dụng một dạng chính sách 'phân biệt' với nhà đầu tư nước ngoài, mà đặc biệt là Trung Quốc, nếu nhà đầu tư ngoại quốc định đề nghị xin cấp phép kinh doanh di sản lâu dài tới hàng chục năm, chẳng hạn ở khu vực Vịnh Hạ Long.
"Tôi cho rằng việc xã hội hóa các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay hoàn toàn là cần thiết và nó cũng hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng và nhà nước Việt Nam."

'Chưa tiện để TQ kinh doanh di sản'
"Cho nên mọi người bảo là không cho phép, thì tôi cho là điều đó lại không đi đúng với đường lối của nhà nước Việt Nam, vấn đề chính là nhà nước chỉ làm công tác quản lý.
"Còn tất cả các hoạt động mà Việt Nam đã có, từ khi năm 1986 mở cửa đến bây giờ, chúng ta đã thực hiện giao quyền, Việt Nam gọi là 'xã hội hóa' các hoạt động, thậm chí cả các công việc liên quan đến tư pháp.
"Thí dụ công tác mà từ trước đến nay chỉ có nhà nước làm, đó là công chứng, bây giờ chúng ta đã giao cho các cơ quan tư nhân làm công tác công chứng. Tuy nhiên, việc làm sao cho đúng đắn thì chính đó là vai trò của việc quản lý nhà nước.
"Và nhà nước chỉ nên làm những công tác quản lý, chứ không nên làm những công tác cụ thể."

'Quá lo lắng chăng?'

Về việc gần đây một công ty tư nhân của Việt Nam là Bitexco đề nghị xin được giao quyền khai thác di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long, ông Thanh nói:
"Tôi cũng nghe câu chuyện Bitexco đã đề xuất quản lý Vịnh Hạ Long trong vòng 50 năm, nhưng vừa rồi gần đây nhất có trả lời là chưa đồng ý từ phía Ủy ban Nhân dân tình Quảng Ninh.
"Nhưng tôi cho rằng là có lẽ họ quá lo lắng chăng, còn thực tế, Tỉnh Quảng Ninh, Sở Du lịch Quảng Ninh nên đầu tư vào công tác yểm trợ cho hoạt động xúc tiến và các công tác quản lý nhà nước. Giao cho Bitexco, không có nghĩa là Bitexco muốn làm gì cũng được."

"Phải bảo tồn được các di sản văn hóa, nhất là Vịnh Hạ Long, đảm bảo theo các quy định của Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới của Unesco năm 1972. Rồi phải bảo vệ theo Luật Di sản Văn hóa cũng như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa của VN."
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Bộ Văn hóa, Du lịch và Thể thao
Cũng hôm 28/7, một chuyên gia từ Bộ Văn hóa, Du lịch và Thể thao nêu quan điểm với BBC về vấn đề điều kiện và ràng buộc khi giao quyền cho tư nhân tham gia khai thác di sản tự nhiên và văn hóa.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Di sản, thuộc Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Du lịch và Thể thao của Việt Nam, cho rằng để khai thác mặt lợi của việc giao quyền như vậy, cần đảm bảo yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ các quy định quốc gia và quốc tế.
Ông nói: "Phải bảo tồn được các di sản văn hóa, nhất là Vịnh Hạ Long, đảm bảo theo các quy định của Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới của Unesco năm 1972.

'Ràng buộc khi giao di sản cho tư nhân'
"Rồi phải bảo vệ theo Luật Di sản Văn hóa cũng như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa của Nhà nước Việt Nam."
Trong khi đó, ông Trần Đức Thanh đề nghị nhà nước và các cơ quan quản lý đầu tư đối phó bằng chính sách công khai, minh bạch các thông tin mời thầu, đấu thầu, duyệt thầu.
Riêng với khả năng để doanh nghiệp nước ngoài như Trung Quốc tham gia cạnh tranh đấu thầu, chuyên gia về quản lý du lịch nói:
"Thực ra muốn hay không thì hiện nay câu chuyện Việt Nam với Trung Quốc có rất nhiều vấn đề phức tạp.

"Thực ra muốn hay không thì hiện nay câu chuyện Việt Nam với Trung Quốc có rất nhiều vấn đề phức tạp. Chính sách và tư tưởng của Trung Quốc có rất nhiều vấn đề chúng ta chưa thể lường trước được"
PGS. TS. Trần Đức Thanh
"Chính sách và tư tưởng của Trung Quốc có rất nhiều vấn đề chúng ta chưa thể lường trước được, họ đã từng hỗ trợ chúng ta nhưng từ đã xa xưa, họ đã đưa ra bản đồ hình lưỡi bò mà không chỉ là đối với Việt Nam mà đối với các nước trong khu vực...
"Tôi nghĩ rằng một mặt chúng ta vẫn phải minh bạch, công khai, nhưng chúng ta vẫn có chủ quyền nhất định và chúng ta cũng như bất kỳ một doanh nghiệp nào, tuyển nhân viên, thì đều có tiêu chí của họ," nhà nghiên cứu đưa ra một so sánh.
Trước câu hỏi là cần phải làm gì, nếu có trường hợp nhà đầu tư nước ngoài 'núp bóng, mượn danh' doanh nghiệp Việt Nam để đấu thầu chót lọt vào dự án di sản thiên nhiên như ở Hạ Long, để giành lợi thế, ông Thanh nói:
"Cũng có một số người vì lợi ích cá nhân mà quên đi lợi ích của đất nước, nhưng thực ra là một số không đáng kể.
"Nếu một doanh nghiệp nước ngoài nào đó sẽ làm chuyện ấy, cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm điều tra. Và trong trường hợp ấy, chúng ta sẽ phải hủy bỏ, có luật rõ như thế," PGS. TS. Trần Đức Thanh nói với BBC.

Không có nhận xét nào: