Pages

Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

Đằng sau sự kiện Trung Quốc rút giàn khoan

Việt-Long - RFA 

protest-agst-china
Người dân Huế biểu tình chống Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981
Courtesy of tuoitrenews.com May 11,2014















Lâu lắm chúng ta mới có một đề tài thích thú, là việc Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi lãnh hải đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Có điều gì đáng chú ý nhất quanh tin này?

Lý do thô thiển

Trước hết, Trung Quốc đã kéo giàn khoan bất hợp pháp này ra khỏi lãnh hải chủ quyền của Việt Nam trước thời hạn họ đặt ra là 15 tháng 8. Trung Quốc nói vì lý do bão tố, nhưng lý do đó không đứng vững vì giàn khoan nước sâu như vậy đã được thiết kế để chống mọi loại bão tố dù có mạnh hơn bão Thần Sấm vừa tàn phá Philippines.

Trung Quốc lại nói đã hoàn thành kế hoạch thăm dò và tìm thấy có nguyên liệu ở dưới thềm lục địa, nên kéo giàn khoan ra để phân tích các dữ liệu đã thu thập được, hầu chuẩn bị giai đoạn kế tiếp. Lý do này mới nghe có vẻ hợp lý, nhưng vẫn không phải lý do thực sự, bởi vì nhiều chuyên gia quốc tế về khai thác dầu khí đã cho biết khu vực đó không có nguyên liệu, nếu có thì trữ lựong cũng không đáng khai thác, và Trung Quốc hiển nhiên phải biết trước về điều này, nhưng vẫn đem đặt giàn khoan vào đó.
Trung Quốc đã biết nhưng vẫn đem giàn khoan đến đặt. Lý do là, như chúng ta đã nói trên diễn đàn này, Trung Quốc làm như thế vì lý do chính trị hơn là kinh tế hay vì nhu cầu nguyên liệu. Trung Quốc chỉ thực hiện lời tuyên bố huênh hoang rằng những giàn khoan nước sâu của họ đặt ở đâu thì chủ quyền lãnh hải của họ lấn tới đó. Nói cách khác Bắc Kinh chỉ nhằm xác định chủ quyền bất hợp pháp của họ trên vùng lãnh hải thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.

Nghị quyết của Hoa Kỳ? Thoả thuận ngầm với Việt Nam?

Một điểm khác nữa, một dữ kiện mà người ta chưa kết luận được đó là một sự trùng hợp hay tiền đề của một hệ quả, đó là Trung Quốc kéo giàn khoan này ra khỏi lãnh hải Việt Nam sau khi Thượng Viện Hoa Kỳ ra nghị quyết yêu cầu Trung Quốc trả lại nguyên trạng cho biển Đông. Và nghị quyết được công bố sau khi Hoa Kỳ và Trung Quốc đã không thành công về giải pháp cho vấn đề tranh chấp biển Đông trong hội nghị Đối thoại chiến lược và kinh tế ở Bắc Kinh. Liệu trong hội nghị Đối thoại chiến lược đó đã có sự sắp xếp để đưa tới việc kéo lui giàn khoan HD-981 chăng?
Câu trả lời là không. Nếu có sự sắp xếp thì quốc hội Hoa Kỳ đã không phải ra nghị quyết. Quốc hội Mỹ chỉ ra nghị quyết để đòi hỏi một điều gì mà hành pháp đã không đòi hỏi được trong một cuộc thương thảo với một quốc gia nào đó. Thêm nữa, Hoa Kỳ xưa nay không có thông lệ giả vờ nói có thành không, nói không là có trong thông cáo chung với một quốc gia khác. Đó là uy tín và thể diện quốc tế của người Mỹ.
Vậy thì Trung Quốc kéo giàn khoan đi có phải là theo thỏa thuận với Việt Nam? Theo thỏa thuận như vậy nghĩa là Việt Nam đã chịu nhượng bộ một điều nào đó chăng? Hay là Việt Nam đã hứa hẹn không liên minh với nước khác để chống Trung Quốc?
hd-981-n-fleet
Giàn khoan HD-981 với đoàn tàu Trung Quốc bảo vệ, gây hấn - Courtesy of worldnews.com
Không thể trả lời được những câu hỏi suy luận, mà phải có dữ kiện thực tế và chính xác, được nhiều nguồn độc lập xác định thì mới có thể kết luận, tuy rằng câu hỏi nêu một giả thuyết có cơ sở luận lý. Khi loại trừ lý do là từ phía Mỹ, thì nhìn diễn tiến phản ứng mềm yếu chờ thời của Việt Nam, người ta thường có suy nghĩ như đã nói.  Thêm vào đó, trên diễn đàn này, khi phân tích thái độ hòa hoãn của Việt Nam thể hiện qua lời phát biểu cầu hòa của đại tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng quốc phòng, tại hội nghị Đối thoại Shangri-La, diễn đàn từng nói đại ý là "Việt Nam có thể đang cố thể hiện lập trường hoà bình, hòa hoãn, để chờ đến thời hạn giữa tháng 8 là lúc Trung Quốc nói sẽ kéo giàn khoan đi khỏi nơi đang khai thác, vì đã cầu hòa thì phải nói chuyện hoà bình". Sau đó Việt Nam vẫn tiếp tục im lặng trong lúc dư luận của người Việt trong và ngoài nước chỉ trích dữ dội lời phát biểu cầu hòa của đại tướng Phùng Quang Thanh. Chỉ có một lần Thủ tướng Dũng phát biểu trong nội bộ, với cử tri Hải Phòng hôm 2 tháng 7, nguyên văn là “Trung Quốc bất chấp đạo lý cũng như thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao, đã ngang nhiên đưa và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam”, và Việt Nam đang chuẩn bị hồ sơ pháp lý để kiện Trung Quốc.

Thở phào... nửa hơi

Rồi đến hôm nay, hẳn nhiên Hà Nội phải thở phào một cái khi sự chờ đợi nhẫn nhục đó đưa đến kết quả mong muốn. Thở phào được trong lúc này, người ta vẫn không khỏi lo xa cho tương lai. Liệu Trung Quốc sẽ rút lui vĩnh viễn việc đặt giàn khoan bất  hợp pháp trong lãnh hải biển Đông không?
Đó đúng là mối lo của tất cả mọi người Việt.  Trung Quốc chỉ tạm lui một bước là vì phản ứng dữ dội của nhiều quốc gia trước hết là Việt Nam rồi đến Mỹ, Nhật, Philippines… kế đó là vì nguy cơ Hà Nội buộc lòng phải tách khỏi “sư phụ” Bắc Kinh quá tàn ác để bắt tay làm bạn và nhờ vả vào Mỹ hay Nhật, Úc, hay tất cả các nước tự do. Bắc Kinh có thể không muốn mất hẳn một nước bạn tối quan trọng về phương diện địa chính trị ở cửa ngõ phía nam lục địa.
Khi Việt Nam quyết tâm thực sự khởi kiện Trung Quốc trước các toà quốc tế là lúc Việt Nam dứt khoát cắt đứt mối quan hệ ức hiếp với xứ đàn anh khổng lồ. Bắc Kinh không muốn dồn một đối thủ vào chân tường để họ phải phá tường nhảy ra khỏi vòng kiềm toả.  Trong khi đó hầu như không có một nước nào trên thế giới lên tiếng ủng hộ việc làm sai trái của Bắc Kinh, mà xung quanh lục địa Trung Hoa chỉ thấy toàn đối thủ. Thứ tư 16 tháng 7 lại có thêm Liên minh Nghị viện Pháp ngữ thông qua nghị quyết về vấn đề biển Đông, lên án Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam, thúc đẩy Bắc Kinh tìm giải pháp hoà bình với Hà Nội.hanoi-anti-china
Nhưng tạm lui một bước nghĩa là sẽ tiến hai ba bước. Chúng ta nhớ rằng dã tâm của Trung Quốc là chiếm trọn biển Đông vì đó là địa bàn sinh tử đối với công cuộc phát triển của họ. Trung Quốc sẽ chưa thôi thực hiện dã tâm đó, bằng mọi cách, khi cứng khi mềm, cho đến khi gặp phải phản ứng quân sự của Mỹ hay của Nhật, hay cả liên minh Mỹ Nhật Úc Ấn sẵn sàng đại chiến, thì mới chịu bỏ tham vọng hỗn hào.
Sau khi dừng bước tiến để điều nghiên tình thế, thăm dò phản ứng, vận động và lũng đoạn nội bộ đối phưong, đem quyền lợi nhử mồi phe thân Hoa, tiêu diệt thành phần chống Hoa, Bắc Kinh sẽ thực hiện bước kế tiếp.  Và có thể trước khi hoàn thành kế hoạch vừa nói, Trung Quốc sẽ bất ngờ đem đặt những giàn khoan khác ở tận lãnh hải Trường Sa là vùng không có mối liên hệ địa lý nào với lục địa Trung Hoa.

Không quên cảnh giác

Dù sao đến nay nhiều người Việt đã có thể thở phào một nửa hơi, còn nửa hơi vẫn phải cầm lại để chờ. Thở phào được nửa hơi sau khi người ta nín thở chờ xem Hà Nội có hoan nghênh hay ca ngợi hành động này của Bắc Kinh hay không, nhưng may là đến nay, đêm thứ năm 17 tháng 7, 2014, vẫn chưa có nhà lãnh đạo nào của Việt Nam đồng thanh xướng ca những câu “16 chữ vàng bốn tốt” ngô nghê chỉ làm xấu hổ!
Nguợc lại, chính quyền Việt Nam đã có phản ứng thích đáng trước việc Trung Quốc kéo giàn khoan dời đi. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng họp chính phủ tuyên bố yêu cầu Trung Quốc không tái diễn hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan cũng như các hành vi vi phạm chủ quyền Việt Nam. Bộ ngoại giao đồng thanh tuyên bố tương tự.  Vậy là có thể thở phào hết một hơi vào giây phút hiện nay, để tiếp tục hồi hộp đề phòng Trung Quốc sắp tiến lên hai ba bước.
Đề phòng thì phải làm gì? Việt Nam phải thực sự đoàn kết và tiến hành các vụ kiện Trung Quốc ra các tòa án quốc tế, mà đừng sợ thua kiện vì bất kỳ lý do nào. Đừng để đối phương dỗ ngọt, hoãn binh hầu tấn công chính trị vào nội bộ giới lãnh đạo của mình. Thêm vào đó, tiếp tục tăng cường quân lực.

Không có nhận xét nào: