Pages

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Đừng lợi dụng “ý nguyện toàn dân”

VRNs (22.4.2014) – Sài Gòn - Nhà cầm quyền cs Việt Nam, mỗi lần muốn thực hiện chủ trương, chính sách, hoặc những công việc gì cụ thể – nhất là những việc có thể gây tranh cãi, có thể có những hậu quả xấu xẩy ra – họ thường lợi dụng để công khai tuyên bố: đây là ý nguyện của toàn dân. Nhưng thực tế, không bao giờ họ hỏi ý kiến toàn dân – một cách công khai, dân chủ thực sự – mà chỉ sử dụng các chiêu trò mỵ dân, chẳng hạn như đợt “tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo Hiến pháp 2013” vừa qua.
Xin Đơn cử một trường hợp cụ thể, thể hiện rõ bản chất lợi dụng “ý nguyện toàn dân” của cs Việt Nam, dù chỉ là một việc- chưa phải là lớn!
Đại diện Việt Nam và Hội đồng Olympic Châu Á ( OCA) ký Hợp đồng đăng cai ASIAD 18., Ảnh baophapluat
Đại diện Việt Nam và Hội đồng Olympic Châu Á ( OCA) ký Hợp đồng đăng cai ASIAD 18., Ảnh baophapluat
Nhà cầm quyền đã tự ý quyết định – với sự “hồ hởi”- đăng cai tổ chức ASIAD 18 năm 2019. Sau khi “giành quyền đăng cai ASIAD 18” nhờ công “vận động” của Lý Nhã Kỳ, họ tuyên bố:  “thắng lợi của niềm tự hào dân tộc”, “cả thế giới ngước nhìn chúng ta”, việc đăng cai ASIAD 18 là “niềm tin và cam kết”. Thế nhưng, quá trình chuẩn bị sau khi “giành quyền đăng cai”, họ mới phát hiện ra “thiếu minh bạch khi xin đăng cai ASIAD”; “vẫn chưa có đề án tổ chức được duyệt….”.

Điều đáng nói là trong đề án vận động đăng cai ASIAD 2019 được thực hiện vào năm 2011, Bộ VH-TT&DL đã đưa ra dự toán tổng mức ngân sách là 5.155 tỉ đồng (gần 300 triệu USD), trong số này nguồn ngân sách chiếm 4.979 tỉ đồng (96%). Đến ngày 9/4/2011, Bộ Tài chính có văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh ký, nêu: “Khoản ngân sách 4.979 tỉ đồng là một gánh nặng với nhà nước. …. Trong trường hợp chi phí tổ chức đại hội chủ yếu bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước thì đề nghị chưa nên đăng cai …”. Ngay lập tức, hồ sơ chi tiết về kế hoạch đăng cai sau đó đã thay đổi nhanh đến chóng mặt: Bộ VH-TT&DL đã lùi con số 5.155 tỉ đồng xuống mức 3.000 tỉ đồng (150 triệu USD). Đồng thời, tỉ lệ ngân sách chỉ còn 28% (thay vì 96%) và nguồn huy động từ xã hội từ tỉ lệ khiêm tốn 4% đã được đẩy lên mức 72%! … Ngân sách hay “từ xã hội” thì cũng là tiền của dân. Thế nhưng, việc làm “thay đổi đến chóng mặt” này cho thấy, họ chỉ chú trọng đến bảo vệ “ngân sách”, cái mà họ đã tận thu được, nắm trong tay… và đẩy trách nhiệm “kiếm tiền” cho “xã hội”!
Từ những “trăn trở”, “băn khoăn”… do gặp phải phản ứng “từ xã hội”, với ý kiến “xin rút lui, không đăng cai ASIAD 19” nữa, họ đã sử dụng lá bài “ý nguyện toàn dân”. Họ kể: “Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT, ông Đoàn Thao, người luôn gắn bó với chặng đường phát triển của thể thao Việt Nam trong những năm qua bày tỏ: “Việc đăng cai ASIAD 2019 đã được Chính phủ đồng ý và trên thực tế đó cũng là ý nguyện của toàn dân…”. Họ tận dụng cả “Lý Nhã Kỳ” vào cuộc để khẳng định “…ASIAD …là ngày hội trọng đại của nhân dân”. Ông Lê Bửu thì hùng hồn hơn và cho là đây dịp “…khơi dậy niềm tin, niềm tự hào về dân tộc của người dân”… Họ sử dụng cả luật sư để nói về “pháp lý”: “Việc đăng cai ASIAD là thực hiện đường lối của Đảng, nghị quyết của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của cả Thành ủy Hà Nội, địa phương đăng cai chính. Chúng ta đã ký kết việc đăng cai ASIAD với Hội đồng Olympic châu Á (OCA) rồi thì không thể nào đơn phương rút lui được… Đến giờ này người nào nghĩ ra chuyện kêu gọi trả lại ASIAD 18 thì đó là tư duy làm ăn manh mún”.
Đùng một cái, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của họ quyết định ngược “xin rút lui không đăng cai ASIAD 19” nữa mà chẳng thèm hỏi “ý nguyện toàn dân” xem có thay đổi cái “ý nguyện trước đây không?”. Nực cười là ngay sau đó họ cũng lại dựa vào nhân dân để bảo rằng “rút lui là hợp lòng dân”! Truyền thông của họ bảo rằng: “Ngay sau khi quyết định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về việc Việt Nam rút đăng cai, không tổ chức ASIAD 18 được công bố, thông qua báo chí truyền thông và mạng xã hội… nhiều người dân đã bày tỏ sự ủng hộ, hoan nghênh, cho đây là một quyết định sáng suốt, hợp lòng dân.”. Và lúc này họ quay ra “xác nhận”: “Xin đăng cai ASIAD là công việc hệ trọng, nhưng khi tiến hành, ngành thể thao lại chỉ xoay quanh ý kiến chủ quan của một số người”. Và lên án: “một số người” đã lấy ý kiến chủ quan của mình rồi gắn cho nó cái mác “Nhân dân” để mong đạt được mục đích. Để rồi khi những “ý kiến chủ quan” đó gây ra hậu quả, chính Nhân dân thực sự sẽ phải gánh chịu chứ không phải ai khác”.  Thật hết hiểu nổi nhà cầm quyền cs Việt Nam.
Điều này làm nhớ tới “khẩu hiệu” mà nhà cầm quyền cs Việt Nam cao rao: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”…mà có người nói vui là: “cái gì cũng là dân: dân biết, bàn, làm, kiểm tra…mà không có dân… hưởng”.
Pv.VRNs

Không có nhận xét nào: