Pages

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Tính minh bạch trong nền kinh tế Việt Nam


000_Hkg4868352-600.jpg
Công nhân nghỉ ngơi bên ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc gia hôm 06/5/2011 
AFP photo
Mới đây khi trả lời truyền thông trong nước, đại sứ Anh Anthony Stokes nhấn mạnh minh bạch và trách nhiệm giải trình thực sự là một thách thức với Việt Nam, vì sao các chuyên gia hay các nhà tài trợ nước ngoài vẫn rất đề cao những thuộc tính này khi đánh giá kinh tế Việt Nam? 
 
Chuyện phải làm, nhưng ... 
 
Khi trả lời câu hỏi liệu có thấy tiến bộ nào trong lĩnh vực minh bạch và trách nhiệm giải trình tại Việt Nam, ông Anthony Stokes thừa nhận sẽ thật khó để có một hệ thống trong sạch nếu không có một cơ chế độc lập tại Việt Nam, ông cho rằng là con người, những chính trị gia hay các quan chức khó giữ được mình khi họ nắm quyền lực lớn trong tay.

Lời nhận xét của đại sứ Anh cũng khá tương đồng với chia sẻ của bà Helen Clark, tổng giám đốc UNDP (chương trình phát triển LHQ) tại Việt Nam hôm 23/3 khi góp ý cho hội thảo mang tên “Cải cách kinh tế cho tăng trưởng bền vững và bao trùm”, tại đây, bà Helen Clark nhấn mạnh đến việc bảo đảm cho sự tham gia của người dân vào tiến trình trên: “đấu tranh chống tham nhũng và bảo đảm sự tham gia của người dân vào quá trình phát triển là hai trong số những tập quán quốc tế tốt được ghi nhận trong nỗ lực thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững.”

Theo một số học giả quốc tế, công thức để tính toán tham nhũng được đo bằng: tham nhũng = độc quyền + bưng bít thông tin – trách nhiệm giải trình, nghĩa rằng, trong một xã hội độc quyền càng lớn, bưng bít thông tin càng nhiều và trách nhiệm giải trình càng ít, thì xã hội đó càng diễn ra tham nhũng nhiều.

Với cách hiểu trên, rõ ràng “trách nhiệm giải trình” và “tính minh bạch” là 2 yếu tố cơ bản để giảm trừ tham nhũng, đặc biệt khi nó đi cùng với “cơ chế độc lập” như lời ông Anthony Stokes phân tích.
Độ minh bạch và khả năng minh bạch của xã hội đối với nên kinh tế là khá khác nhau, vì thế chúng ta cố gắng đấu tranh hoặc đòi hỏi một sự minh bạch lý thuyết trong điều kiện xã hội hiện nay là rất khó. - Ông Nguyễn Trần Bạt
Nhận xét về tính minh bạch tại Việt Nam, ông Nguyễn Trần Bạt, giám đốc công ty tư vấn đầu tư InvestConsult từng nhận xét với chúng tôi như sau:

Minh bạch là một khái niệm khá tương đối trong điều kiện xã hội, chính trị khác nhau. Độ minh bạch và khả năng minh bạch của xã hội đối với nên kinh tế là khá khác nhau, vì thế chúng ta cực đoan hóa, chúng ta cố gắng đấu tranh hoặc đòi hỏi một sự minh bạch lý thuyết trong điều kiện xã hội hiện nay là rất khó.
Về vấn đề minh bạch tôi nghĩ rằng chính phủ cần có một chương trình phấn đấu, có lộ trình minh bạch cái đã. Tức là xây dựng một lộ trình minh bạch, phấn đấu tạo ra một xã hội có nền kinh tế minh bạch là việc phải làm ngay. Nhưng phấn đấu đến những ngưỡng khác nhau, mức độ khác nhau của sự minh bạch cụ thể thì hoàn toàn có thể làm một cách từ tốn không bắt buộc và không nên làm mọi giá để cho minh bạch. 
 
... rút dây động rừng 
 
Theo bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế, trong năm 2013, Việt Nam đứng thứ 116 trên 177 trong bảng xếp hạng, được 31 trên tổng số 100 điểm và trên website của tổ chức này có phần nhận xét tổng quan về tình hình tham nhũng tại Việt Nam như sau: “Mặc dù Việt Nam đã có nhiều cải tiến trong những năm qua, nhưng tham nhũng vẫn được coi là phổ biến và Việt Nam vẫn đứng sau nhiều quốc gia châu Á khác đứng trên góc độ kiểm soát tham nhũng và các chỉ số quản trị. Tham nhũng ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác nhau như y tế, giáo dục, xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên và các ngành công nghiệp khai khoáng.”
 
017_195429-200.jpg
Một người thu lượm rác ngủ trong công viên 30/4 tại Sài Gòn hôm 30/11/2013. AFP photo
Cũng bởi tính minh bạch và trách nhiệm giải trình quan trọng, mà mới đây, chính bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh từng so sánh sự sinh tử của quốc gia nếu thiếu tính minh bạch tại hội nghị của UBTW Mặt trận Tổ quốc, ông nói: “đất nước này cần minh bạch và không được tham nhũng vì đấy là những thứ làm đất nước này chết nhanh chóng nhất, để làm được việc ấy sẽ đụng chạm rất nhiều người, mất rất nhiều quyền hạn. Nhưng dù vậy cũng phải làm, tôi không có gì để mất và không sợ mất gì, chỉ sợ mất đất nước này thôi.”

Có thể nhận thấy một số vụ việc nổi cộm mà truyền thông trong nước thời gian gần đây liên tục đưa tin từ việc các quan lớn xây nhà như lâu đài, bớt xén bòn rút khiến các công trình hư hỏng xuống cấp gây tai nạn tử vong, cho đến những quyết định đầu tư công sai lầm làm thất thoát nhiều tỉ vốn ngân sách… đều liên quan đến tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và tham nhũng vốn tồn tại dai dẳng ở Việt Nam. Trong một bài viết gần đây đăng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị, T.S Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế trung ương phân tích: tại Việt Nam nạn tham nhũng, tiêu cực lớn nhỏ đều khắp, lãng phí chia chác rất phổ biến, bộ máy hành chính cồng kềnh, tốn kém mà không hiệu quả, việc bổ nhiệm nhân sự hoàn toàn không minh bạch, không qua giám sát.

Liên quan đến trách nhiệm giải trình, T.S Lê Đăng Doanh cho chúng tôi biết quan điểm của ông về vấn đề này như sau:

Người ta hỏi rằng trong tất cả các vụ việc này thì đảng ủy ở đâu? Ban kiểm tra ở đâu? Ban giám sát ở đâu? Thí dụ như trong thời gian bổ nhiệm anh thì anh có nâng cao lợi nhuận bao nhiêu, giảm chi phí bao nhiêu, hiện đại hóa công nghệ bao nhiêu… Tất cả cái đó phải có cam kết và bổ nhiệm người vào vị trí đó là để nhằm thực hiện cam kết đó chứ không phải bổ nhiệm rồi ông ta muốn làm gì thì làm. Người ta cần phải đặt câu hỏi là trách nhiệm giải trình của những người chủ sở hữu này như thế nào và trách nhiệm giám sát của các cơ quan có liên quan như uỷ ban kiểm tra, hoặc vai trò của hội đồng quản trị.
Đất nước này cần minh bạch và không được tham nhũng vì đấy là những thứ làm đất nước này chết nhanh chóng nhất, để làm được việc ấy sẽ đụng chạm rất nhiều người, mất rất nhiều quyền hạn. - Ông Bùi Quang Vinh 
Vậy để cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, giới chức Việt Nam cần phải làm gì? ông Trần Bạt cho biết:

Chính phủ cần phải phấn đấu để có một xã hội kinh tế minh bạch và giúp cho người làm ăn người ta có thể tin được, đánh giá được và có thể chuẩn hóa, hiện thực hóa các lộ trình kinh doanh đầu tư của người ta. Lúc ấy thì tâm lý tin tưởng mới có thể trở lại và khi tin tưởng trở lại thì mới có được đầu tư tích cực

Trong khi đó, bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế từ Hà Nội thì khẳng định việc rà soát và chỉnh sửa hệ thống chính sách là việc nên làm:

Việt Nam hoàn toàn có khả năng làm công khai minh bạch theo cách là thiết chế lại xem lại rà soát lại tất cả luật pháp, hệ thống chính sách. Những chỗ nào không hợp lý, chỗ nào chưa đảm bảo được độ minh bạch thì phải sửa lại cho nó minh bạch hơn. Thành ra có những điều cần phải minh bạch ngay từ đầu, từ trong Hiến pháp trở đi. Trên cơ sở đó thì các Luật cũng phải qui định theo cách đó. Chúng tôi mong muốn không phải chỉ minh bạch mà còn phải nhấn mạnh trách nhiệm giải trình nữa, bởi vì ở Việt Nam với cơ chế lãnh đạo tập thể thì trong vô vàn trường hợp, rốt cục không biết ai là người chịu trách nhiệm trước việc này việc khác xảy ra cho xã hội. 

Có thể nhận thấy, thông tin minh bạch, trách nhiệm giải trình không còn là điều quá mới mẻ tại Việt Nam, nhưng để Việt Nam có thể đạt được tăng trưởng bền vững và bao trùmvới tương lai xán lạn thông qua những chính sách khôn ngoan như Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh mới đề cập thì 2 vấn đề đó vẫn sẽ đóng vai trò chủ chốt trong đường lối chủ trương vĩ mô của Việt Nam dù là ngắn hạn hay dài hạn.

Vũ Hoàng, phóng viên RFA

Không có nhận xét nào: