Pages

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

Lửa đang cháy ngang mày


Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Tháng Tư lại về. Tháng Tư của lịch sử. Thời gian có thể mài mòn nhiều thứ, nhưng nỗi trĩu nặng trong tâm tư dân tộc Việt Nam có lẽ còn cần nhiều năm mới nghĩ đến hai chữ "nhẹ lòng".

Thời cuộc ngày hôm nay, không phải của những ngày chiến tranh máu lửa, nhưng khổ đau của dân Việt vẫn chưa dứt.

"...Chấm dứt chiến tranh Việt Nam không đơn thuần rút quân về nhà là xong, vì lẽ cái giá phải trả cho loại "hoà bình" đó là ngàn năm tăm tối cho thế hệ sinh ra tại Việt Nam về sau" [*] - Cố Tổng thống Mỹ - Ronald Reagan

Dù những năm cuối đời vị Tổng thống này bị bệnh "mất trí nhớ", nhưng điều đó không làm người ta quên câu nói tựa như định mệnh báo trước cho dân tộc Việt Nam bị cai trị dưới chế độ cộng sản.

Lay tỉnh khỏi Hồ Chí Minh

Nhớ về cột mốc lịch sử Tháng Tư, không thể nào không nhắc lại "Cách Mạng Tháng Tám", bởi từ những ngày "người đi như nước qua đê" [**] để cướp chính quyền theo lời kêu gọi của Hồ Chí Minh, chế độ độc đảng toàn trị từ "thành công" đó, tiếp tục tồn tại cho đến hôm nay. 

Thử đặt lại vài câu hỏi nhỏ cho những ai vẫn còn tìm mọi cách bào chữa cho Hồ Chí Minh và ĐCSVN như được "trời phái xuống" để trở thành "đấng cứu tinh" của dân tộc Việt Nam:

1. Nếu không có Thế chiến thứ 2, nếu không có "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", nếu không có sự "đỡ đầu" mạnh mẽ của cộng sản thế giới vào lúc bấy giờ, liệu CSVN có "chớp" nổi thời cơ mà thành công?

2. Nếu không có nạn đói, cướp đi khoảng 2.000.000 mạng người lúc bấy giờ, liệu CSVN có đủ "tài" khuyến dụ dân nổi lên "làm cách mạng"? [***].

Một câu hỏi về tình hình thế giới cùng một câu hỏi về tình hình nội địa để nói về sách lược và chiến lược không có gì mới: "nội công ngoại kích", đã tạo cơ hội cho người cộng sản chiến thắng lúc bấy giờ, trong xã hội Việt Nam hỗn loạn gần như vô chính phủ kết hợp nạn chết đói lan tràn.

Một khi cả hai câu hỏi trên nhận được trả lời "không", thì xin hãy đừng tiếp tục thần thánh hóa Hồ Chí Minh cũng như ĐCSVN hiện nay đừng ngạo nghễ lừa mị dân tộc Việt Nam thêm nữa.

Hồ Chí Minh cũng cần tiền như bất cứ ai [1]. Thậm chí nhiều nữa là đằng khác. Chi phí cho hoạt động hai năm của ông Hồ lên đến 9.500 Mỹ kim [****] vào năm 1927, thế kỷ trước. 

Trong "Yêu sách của nhân dân An Nam" [2] còn gọi là "Thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam",gửi cho Hội nghị Versailles vào ngày 19/6/1919, chỉ rõ Nguyễn Ái Quốc là bút danh chung của: Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Phan Châu Trinh và Nguyễn Tất Thành. Theo trang "Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch" cho biết [3]: "Sau yêu sách của nhân dân An Nam, những bài báo đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc lên án tội ác của chủ nghĩa thực dân xuất hiện trong tháng 8 và tháng 9 năm 1919 trên báo l’Humanité và Le populure...". Rõ ràng, từ sau "8 điểm yêu sách", bỗng nhiên cái tên Nguyễn Tất Thành nhạt nhòa và Nguyễn Ái Quốc trở thành "của riêng" của người đàn ông có tên khai sinh - Nguyễn Sinh Côn (Cung) (tiếng địa phương gọi là Côông). 

Dù như thế, cho đến nay một số người vẫn ngộ nhận Nguyễn Ái Quốc tức là Hồ Chí Minh, như ông Lê Hồng Hà viết: [4] "Ðó là công lao vĩ đại [...] đặc biệt của Ðảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh". Một lầm lẫn đáng kinh ngạc. Ngoài ra, ông Lê Hồng Hà đề nghị: "Chúng ta phải biết ơn [...] đặc biệt là Ðảng Cộng sản dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh". Có lẽ tuổi tác và sức khỏe của một chính trị gia, dù lão luyện và sống nhiều năm dưới chế độ cộng sản, đã ngăn cản ông Lê Hồng Hà nhận chân sự thật.

Hồ Chí Minh qua đời ngày 02/9/1969. Nơi đặt thi thể ông ta được thiết kế trong 2 năm, thi công và hoàn thành trong 2 năm (1973 - 1975), nó được mô tả [5]: "...có độ bền vững cao, chống được bom đạn và động đất cường độ 7 richter. Ngoài ra còn có công trình bảo vệ đặc biệt chống lụt phòng khi Hà Nội bị vỡ đê. Kính quan tài phải chịu được xung lực cơ học lớn. Lăng còn được thiết kế thêm "buồng đặc biệt" để có thể giữ thi hài tại chỗ trong trường hợp có chiến tranh". Một công trình kiên cố và khá hoàn hảo cho các trường hợp dự phòng.

Đài BBC ngày 3/4/2014 đưa tin "Lãnh án tù vì đòi phá lăng Hồ Chủ tịch", trong đó cho hay 4 người được biết là học viên Pháp Luân Công nhận án sơ thẩm [6], gồm các ông: Nguyễn Doãn Kiên (6 năm tù), Vũ Hồng Tố (5 năm tù), Nguyễn Văn Kiểm (4 năm tù) và Trinh Kim Khánh (4 năm tù).

Có vẻ chỉ một cây búa tạ cũng đủ làm giới cầm quyền Việt Nam "giật thót mình", nên vội ghép "tội gây rối trật tự công cộng" theo hình luật tại điều 245? Trong điều này cho biết, người bị kết án chỉ khi hành động của họ "...gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm...", lúc đấy mới bị đưa ra tòa xét xử. Chưa có một hậu quả cụ thể nào được ghi nhận do cây búa tạ trên tay Nguyễn Doãn Kiên gây ra cho công trình được trang China.org.cn gọi tên" Mười tòa cao ốc xấu nhất thế giới" [7], trong đó lăng Hồ Chí Minh xếp hạng 6 và được so với "nhà xí công cộng khổng lồ thời La Mã". 

Dù xấu xí nhưng "tòa cao ốc" này được thiết kế và thi công "siêu đặc biệt", chịu được cả bom rơi đạn nổ, cả động đất vỡ đê, vì thế, không tài nào tin nổi Nguyễn Doãn Kiên và bạn hữu có thể làm "cha già dân tộc" thức tỉnh từ "giấc ngủ bình yên" thông qua cây búa tạ. Cũng từ BBC, hình ảnh duy nhất về cá nhân Nguyễn Doãn Kiên với khuôn mặt bình thản, cho thấy nếu Kiên phá nổi lăng Hồ Chí Minh sẽ giúp các tiểu thuyết gia Việt Nam viết thành "pho truyện chưởng" thời hiện đại mang hơi hướm Kim Dung (!). 

Tuy nhiên, đã từng có một câu chuyện "kinh thiên động địa" khi em bé bán đậu phọng Lê Văn Tám [8], tuổi 13 đã dám lấy thân mình làm... "ngọn đuốc sống" diệt giặc, cũng làm hàng triệu người tin "sái cổ" trong quá khứ. Biết đâu khi "tự truyện" do một "nhà văn" "tài ba xuất chúng" trong làng "hội đồng chấm thi khóa miệng" phát hành sẽ "giúp" Nguyễn Doãn Kiên chỉ bằng một búa tạ "hoàn tất" vai trò "độc cô cầu bại" thời a còng (?). 

Điều đáng nói, tại sao với điều luật 245, tòa án lại kết tội 4 người nói trên một cách "thập thò" và lặng lẽ như vợ ông Kiên cho đài BBC biết? Lẽ ra, vụ án này rất nên tổ chức "xét xử lưu động" những kẻ đã định phá bĩnh người đàn ông 79 tuổi đang nằm trong lăng "giữa một vầng trăng sáng trong dịu hiền" [9], để đảm bảo tính răn đe nghiêm khắc đối với những ai có ý định động đến huyền thoại "mong manh áo vải hồn muôn trượng" mà người cộng sản luôn tuyên truyền, hàng triệu trái tim Việt Nam "thổn thức" và luôn hướng về để [9] "...nghe nhói ở trong tim"(?!).

Nguyễn Doãn Kiên và bạn hữu với việc giật mà không sập tượng Lê Nin hay đòi phá lăng Hồ Chí Minh, chẳng qua mang tính biểu trưng chính trị: "Đi chết đi, ĐCSVN bán nước!" như cô Nguyễn Phương Uyên thét lên từ tiếng lòng. Người cộng sản hoảng hốt và thật sự lo sợ đến thế chăng?! 

Có lẽ giới cầm quyền đang "lo trong bụng" nếu "đổ bể" chuyện Nguyễn Doãn Kiên "quậy phá" giấc ngủ "người là niềm tin tất thắng" ra trước quảng đại quần chúng trong tình hình hiện nay, nó không khác nhiều lắm hình ảnh người dân Ukraine giật sập tượng Lê Nin hồi năm ngoái? "Xét xử công khai" hay "xét xử lưu động", răn đe thì ít mà "gây hoang mang" trong dân thì nhiều? Chao đảo? Rung rinh? Rối bời? Không khéo, sau khi "xét xử công khai" hay "xét xử lưu động", chính tay những quan tòa, thẩm phán, viện kiểm sát, công an tham gia vụ án này trở thành "tội đồ" "lật đổ chính quyền" của... đảng (?). Nguy.

Lay tỉnh từ tù nhân lương tâm

Năm tù nhân lương tâm vừa được trả tự do - Đinh Đăng Định (đã qua đời), Nguyễn Hữu Cầu, Cù Huy Hà Vũ (được biết là đi Hoa Kỳ chữa bệnh), Vi Đức Hồi, Nguyễn Tiến Trung - trở thành tin mừng cho phong trào đấu tranh dân chủ - nhân quyền hiện nay.

Tuy vui mừng, nhưng không mấy người tin tưởng việc trả tự do cho họ như là biểu lộ "thành tâm chính trị" của ĐCSVN. Điều thật dễ hiểu, khi thị trường bất động sản, thị trường tài chính - ngân hàng cùng các thị trường khác đang ngập ngụa trong "vũng lầy của đảng ta", thì... "thị trường tù nhân lương tâm" trở thành "ngành kinh doanh" chủ đạo (!). Nếu không phải thế, có lẽ CPJ không "kêu gọi Việt Nam ngưng dùng tù nhân chính trị làm con tin" [10]. Bởi "thuật ngữ" này thường ám chỉ cho các loại "tặc" (ví như hải tặc) dùng "con tin" để kiếm ...tiền. Khi CPJ dùng chữ "con tin", lại dùng đối với một "nhà nước" tự nhận "của dân, do dân, vì dân", nghĩa là "thuật ngữ" "đáng hổ thẹn" cần lên tiếng.

Sau khi Cựu Đại Úy quân lực VNCH Nguyễn Hữu Cầu tự do, thì "danh hiệu" "tù nhân thế kỷ" đã "về tay" ông Tính [11]. Ông Lê Văn Tính sinh năm 1940, từng là Cố vấn Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Dân biểu trong Quốc hội Việt Nam Cộng Hòa. Sau biến cố 1975, ông Tính bị bắt và phải ngồi tù đến năm 1984. Ra khỏi tù, ông Tính sang Campuchia và tham gia đảng Nhân Dân Hành Động. Ông bị bắt vào ngày 25/01/1995 và bị dẫn độ về Việt Nam. Ngày 05/12/1996 Tòa án tỉnh An Giang kết án ông Tính 20 năm tù giam. Tính đến nay, ông Tính đã ngồi tù tổng cộng 28 năm.

Những tù nhân lương tâm khác: Hồ Thị Bích Khương [12] (chấn thương vai chưa lành, còn bị đánh đập trong tù đến nỗi phải ngồi xe lăn ra gặp con), Ngô Hào [13] (đi phải có công an dìu hai bên, tình trạng sức khỏe rất yếu, ăn uống không được, thậm chí cơ thể hoàn toàn không hấp thụ thức ăn, gia đình làm đơn xin cho ông đi chữa bệnh nhưng không thấy trại giam trả lời), Tạ Phong Tần [14] (bị bệnh và ho rất nhiều, bị một số tù nhân mới vào ở chung phòng sỉ nhục, nếu chống cự lại thì bị đánh), LM. Nguyễn Văn Lý, Mai Thị Dung [15] (bệnh gan, tim, sỏi mật, đi phải có người dìu) Đỗ Thị Minh Hạnh, Dương Thị Tròn [16] (hạ huyết áp, thường xuyên ngất xỉu) v.v... càng làm cho công luận khó tin vào "lòng nhân" của người cộng sản thông qua việc trả tự do cho 5 tù nhân nói trên.

Có lẽ thế, nên người ta bàn nhiều đến "ngành kinh doanh" tù nhân lương tâm khi gắn với TPP. TPP chẳng qua là một cơ chế kinh tế có một số lợi thế lớn mà giới cầm quyền Việt Nam đang thèm muốn. Một khi Hoa Kỳ và các nước đang đàm phán TPP có chấp thuận cho Việt Nam trở thành thành viên chính thức cũng không phải là nỗi cứu rỗi ngay lập tức bởi chính sách kinh tế nào cũng cần một "độ trễ" nhất định. Thật khó hy vọng, với độ trễ, ít nhất 2 năm, Việt Nam có thể xoay xở tốt hơn so với mối nguy hại hiện nay ngày càng rõ - nợ xấu.

"Nước (quá) xa không cứu được lửa gần". Khủng hoảng kinh tế đang ở đỉnh cao gần đạt đến một sự rối loạn từ mơ hồ đến ngày càng rõ khi những con số phần trăm nợ xấu cứ xoay như chong chóng. Hết 3% đến 4%, hết 10% lại 7% v.v... rồi Moody's cho biết ít nhất là 15%. Nói về số nợ xấu (tuyệt đối), người dè dặt nhất cũng có thể tin không thể dưới 500.000 tỉ đồng. Tức khoảng 25 tỉ Mỹ kim. Có vẻ, xấp xỉ một nửa con số này trở thành cấp thiết không thể kéo dài qua tháng 12/2014 để tránh một sự sụp đổ kinh tế như bóng ma chập chờn nhảy múa quanh những bàn ăn tối hiện nay của nhiều người?

Thậm chí, hồ hỡi đến mức gọi là "một chân đã đặt vào TPP" cũng không có gì cứu vãn được hầu bao rỗng tuếch của ngân sách nhà nước?! Dù sao "hậu WTO" vẫn còn nguyên đó. Từ 7/11/2006 đến nay, Việt Nam đi được gần 2/3 đoạn đường để đến mốc hứa hẹn "tuyệt giao" với kinh tế phi thị trường, giờ gần ló dạng ngạn ngữ "Một lần bất tín, vạn sự bất tin".

Trả tự do cho tù nhân lương tâm chỉ là một phần trong yêu cầu từ Hoa Kỳ khi muốn gia nhập TPP. Phần lớn và quan trọng hơn: quyền lập nghiệp đoàn độc lập và các doanh nghiệp bình đẳng trong kinh doanh mới đáng bàn. Người ta cũng không quên "vũ khí sát thương" mà cầm quyền Việt Nam vẫn đang rất cần Mỹ, nó cũng luôn đi đôi với nhân quyền được cải thiện mà phải chứng minh được. Tù nhân lương tâm là một phần của nhân quyền. Người dân trong nước vẫn cần nhiều tờ báo độc lập không chịu sự chi phối của ĐCSVN. Cả tự do lập hội, sở hữu tư nhân về đất đai v.v... Còn quá nhiều điều để công luận trong và ngoài nước đòi hỏi giới cầm quyền Việt Nam, chứ không chỉ là tự do cho tù nhân lương tâm.

Dưới chế độ độc đảng toàn trị, không thể coi nhân quyền là thành quả mà trách nhiệm và bổn phận là tính chất cần được xem xét kỹ khi giới cầm quyền Việt Nam muốn "hòa nhập" với thế giới trong tình hình Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung bạo không dấu diếm [16A]. Mới đây, ngày 11/4/2014 Hoa Kỳ và Philippines đã thỏa thuận xong việc quân đội Mỹ đặt căn cứ quân sự [16B] tại quốc đảo có hơn 100 triệu dân này. Việc ký kết chỉ còn mang tính nghi thức diễn ra vào cuối tháng 4/2014. Sự bảo trợ từ Hoa Kỳ có vẻ làm cho người dân Philippines khá an tâm, trong khi người Việt Nam tựa những "cánh bèo" dập dềnh vỗ vào những mạn thuyền của những "lái tàu" yếu bóng vía, kém chuyên môn và thiếu dứt khoát.

Không những thế, các tù nhân lương tâm vừa được tự do vẫn trong vòng kiểm tỏa gắt gao của "Luật thi hành án hình sự" (từ điều 89 - 95, quy định về quản chế) cùng các nghị định dưới luật. Tự do như thế chỉ là tự do nửa mùa. 

Tất nhiên, nếu có thêm nhiều tù nhân lương tâm được trả tự do trong những tháng tới đây, tạo ra kết quả tốt đẹp về TPP cũng không có gì thay đổi lớn đối với hiện trạng xã hội, đặc biệt nền kinh tế đang lún dần tới cổ trong "đầm lầy bạo loạn" chực chờ bùng nổ.

Lửa đang cháy ngang mày

Có thể tin được không khi dân phải "gõ trống kêu đói" [17] , trong khi còn đến "...444 tấn gạo cứu đói chưa đưa đến tay người nghèo, vậy thì tỉnh Phú Yên xin gạo cứu đói để làm gì? Người nghèo thiếu gạo ăn đói thắt ruột từng ngày, từng giờ. Họ ngóng chờ gạo cứu trợ, mong có được bát cơm cho ấm lòng những ngày tết, vậy mà có đến 444 tấn gạo vẫn nằm trong kho, làm quan như vậy có xứng hay không?" Báo Dân Trí quay quắt kêu lên vào đầu tháng 2/2014, trong đó có cả Ninh Thuận cũng có dân thiếu đói.

Sáng ngày 11/4/2014, hơn 1.000 công nhân Công ty TNHH YS VINA tại Cụm Công nghiệp phường Trường Xuân [18], thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam tiến hành đình công để đòi được trả lương đúng hạn. Két tiền của công ty này xem ra không kham nổi, dù chỉ một nửa số nợ lương hẹn đến 16/4/2014 sẽ trả, nửa còn lại có lẽ công nhân đi tìm "con ma nhà họ hứa" để hỏi ý kiến (?!)

Trước đó 1/4/2014, tại Bình Dương,2000 công nhân nhà máy Wonderful Saigon Electric do Nhật bản đầu tư tại khu công nghiệp VN-Singapore đình công với tình trạng bị bóc lột sức lao động tồi tệ [19] , Công nhân phản đối chính sách tăng giờ làm từ 4 ngày lên sáu ngày một tuần nhưng chỉ tăng có 200 ngàn đồng tiền lương!

Trong khi 356 gia đình tại Dương Nội đã "trích máu ăn thề" [20] vào hôm 7/4/2014 thì hàng trăm người dân Bắc Sơn đã vây đánh công an làm 13 công an viên bị thương [21] vào ngày 10/4/2014. Vụ việc dân nổi dậy vây đánh làm cho trưởng công an xã phải làm đơn nghỉ việc nhằm tránh nguy hiểm cho bản thân và gia đình [22], dù 4 người tham gia trong vụ này đã bị bắt tạm giam và trưởng công an huyện "hứa hẹn" số người bị bắt chưa dừng tại con số 4 [23]. Tình hình có lẽ khó êm thắm, một khi sự việc không giải quyết theo hướng có lợi cho dân trong dự án xây nghĩa trang mà người dân đã bất bình và phản ứng từ lâu.

Kết

Tính từ phát súng bông cải của gia đình Đoàn văn Vươn, sau đó đến cái chết của Đặng Ngọc Viết, tình hình dân oan - đất đai - giới cầm quyền ngày càng ở vào thế đối đầu một mất một còn.

Tính từ Điếu Cày bị bắt và kết án hai lần cho đến kỳ UPR vừa rồi dẫn đến Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Nguyễn Văn Minh bị tống giam vô pháp cùng cái chết của thầy giáo Đinh Đăng Định gây xúc động dữ dội trong và ngoài nước, tình hình tù nhân lương tâm - nhân quyền - giới cầm quyền không mấy sáng sủa so với 4 tù nhân vừa được thả.

Đâu đó, có một ông "luật sư giỏi giang" đang nói chuyện với một ông "gián điệp tài ba" về trật tự thế giới và hòa bình thế giới. Kết quả có vẻ là "đêm ba mươi" tối hù mà hai anh vẫn cố dằn lòng để thốt lên lời "thắm thiết".

"Các chế độ độc tài đã cướp bóc, phá hoại, gây ra nạn đói, tình cảnh dã man, trại lao động khổ sai, phòng tra tấn, giết người hàng loạt. Đấy chính là cái mà những người tự nhận là yêu hoà bình hiện nay sẵn sàng biện hộ hoặc chịu đựng – nhân danh tình yêu nhân loại" - Ayn Rand [24]

Chẳng lẽ là như vậy? Hay lửa đang cháy ngang mày?

Nguyễn Ngọc Già
danlambaovn.blogspot.com


[*] Nguyên văn: "...Ending a conflict is not so simple, not just calling it off and comming home. Because the price for that kind of peace could be a thousand years of darkness for generation's Viet Nam borned."

[**] Lời trong nhạc phẩm "Ta Đã Thấy Gì Trong Đêm Nay" - Trịnh Công Sơn.http://www.youtube.com/watch?v=6j0SIUR-rhs

[***] Cần nhấn mạnh, tổng dân số Việt Nam những năm 1944 - 1945 chỉ vào khoảng trên dưới 14 triệu người. Nghĩa là số người chết đói trong khoảng 14%. Một con số có thể gọi tên "khủng khiếp". 


[****] Điều này có nghĩa, so với thời điểm hiện tại, số tiền này có lẽ cao hơn 100.000 Mỹ kim.







[8] Tuyên truyền cỡ như Lê Văn Tám vẫn còn thua xa so với hàng loạt "huyền thoại" về Hồ Chí Minh. Đặc biệt nhất, đó là hình ảnh Hồ Chí Minh cầm đũa chỉ huy cả một giàn nhạc hợp xướng hơn trăm nhạc sĩ, mới đạt mức thượng thừa (http://119.15.167.94/qdndsubsite/vi-vn/91/68/72/72/72/112591/Default.aspx ). 

Để trở thành một nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc giao hưởng (ít nhất 70 - 80 nhạc công) thông thường mất không dưới 10 năm "mài đũng quần" trong nhạc viện. Người ta cũng biết, Giáo sư - Tiến sĩ Quang Hải (mất 12 năm mới có bằng tiến sĩ chỉ huy dàn nhạc và lý luận phê bình âm nhạc)http://vi.wikipedia.org/wiki/Quang_H%E1%BA%A3i_%28nh%E1%BA%A1c_tr%C6%B0%E1%BB%9Fng%29. So với Hồ Chí Minh, ông Quang Hải tỏ ra quá kém về "tài năng âm nhạc" đối với vị "lãnh tụ vĩ đại" này (!). 

[9] Viếng lăng bác - Thơ Viễn Phương

















Không có nhận xét nào: