Pages

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Việt Nam : Tăng trưởng kinh tế 2012 thấp nhất trong một thập kỷ qua



Xưởng lắp ráp ô-tô Trường Hải -Đông Phong tại tỉnh Hưng Yên.
REUTERS/Kham

Trọng Thành
Tại Hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam ở Đông Hà, thứ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu tư đưa ra nhận định, tỷ lệ tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2012 có thể chỉ ở mức hơn 5%, có nghĩa là thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 6% hiện nay của chính phủ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế khuyến cáo chính phủ Việt Nam cần ưu tiên kìm chế lạm phát, tăng dự trữ ngoại tệ và thận trọng trong việc giảm lãi suất tín dụng.

Hôm qua 04/06/2012, bên lề hội nghị giữa kỳ của Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam tại Đông Hà (Quảng Trị), theo hãng tin Bloomberg, trả lời phỏng vấn của báo giới, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh đưa ra nhận định, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế năm 2012 có thể chỉ ở mức từ 5,2% đến 5,5%. Nếu điều này là hiện thực, thì đây là tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất của Việt Nam trong vòng một thập niên qua.

Theo báo chí trong nước, nhận định kể trên của thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư trùng với điều được Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trả lời báo giới tại hội nghị Đông Hà vào ngày hôm qua.
Lời phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang chựng lại. Quý 1 năm nay tỷ lệ tăng trưởng chỉ còn 4%, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Tăng trưởng quý 2, theo dự báo, cũng sẽ chỉ ở mức 4,5%. Theo một báo cáo chính thức, tỷ lệ tăng trưởng toàn năm từ 6% đến 6,5% là khó đạt được. Chính phủ Việt Nam nói sẽ nỗ lực để tỷ lệ này ở mức 6%.
Theo thứ trưởng Cao Viết Sinh, tăng trưởng trong quý 2 sẽ đạt mức 6%, nếu các biện pháp kích thích tăng trưởng có tác dụng. Thứ trưởng Cao Viết Sinh nhận xét, trong hiện tại chính phủ vẫn muốn giữ chỉ tiêu tăng trưởng 6%, để chờ đợi kết quả tăng trưởng trong quý 3, trước khi điều chỉnh lại mục tiêu tăng trưởng toàn năm.
Theo đại diện của Ngân hàng Thế giới, trong một báo cáo công bố hôm qua, sở dĩ tỷ lệ tăng trưởng của Việt Nam sụt giảm trong những năm gần đây do sự chậm trễ của quá trình « tái cơ cấu nền kinh tế », cụ thể là sự yếu kém và nạn tham nhũng hoành hành trong các doanh nghiệp nhà nước, các ngân hàng và lĩnh vực đầu tư công.
Trong khi đó, đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế khuyến cáo chính phủ Việt Nam cần ưu tiên kìm chế lạm phát, tăng dự trữ ngoại tệ và thận trọng trong việc giảm lãi suất tín dụng. Điều này cũng có nghĩa là mức độ tăng trưởng kinh tế vĩ mô sẽ bị chậm lại.

Không có nhận xét nào: