Pages

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

Việt Nam muốn mua 18 chiếc Su-30k đã qua sử dụng của Nga?..





Rosoboronoexport đã tìm được khách hàng tiềm năng cho các tiêm kích Su-30K của Nga hiện đang nằm ở Belarus.Tháng 5/2012, phái đoàn quân sự Việt Nam đã đến thăm Nhà máy sửa chữa máy bay 558 ở Baranovichy.

Đoàn đã tỏ ý sẵn sàng mua toàn bộ 18 chiếc Su-30K.Cái giá mà Nga đưa ra cho các tiêm kích hạng nặng này, hấp dẫn đến nỗi Việt Nam vốn đã quen mua máy bay hoàn toàn mới, đã sẵn sàng khởi động đàm phán, để mua các máy bay Sukhoi đã qua sử dụng này. Nếu Việt Nam bắt đầu đàm phán cụ thể, thì đây là lần đầu tiên, kể từ khi Nga thành lập hãng xuất khẩu vũ khí độc quyền nhà nước Rosoboronoexport, sẽ có 2 hãng chế tạo máy bay Nga cùng lúc cạnh tranh trên thị trường một nước.


Việc phái đoàn Việt Nam đến Belarus vào giữa tháng 5/2012, được một nguồn tin tại Nhà máy sửa chữa máy bay 558 tiết lộ với tờ Kommersant (Nga).


Theo nguồn tin này, các quan chức Việt Nam đến Belarus để nghiên cứu đề xuất mua 18 chiếc Su-30K. “Đoàn Việt Nam đã được giới thiệu và xem xét một số máy bay tiêm kích, sau đó họ đã nhận được đề xuất của Nga bắt đầu công việc chuẩn bị tiền hợp đồng. Đáng chú ý là tình trạng của tất cả các máy bay Su-30K, sau khi được các chuyên gia đánh giá được xác nhận là tuy không phải là lý tưởng, song cũng khá tốt. Người ta đã thuyết phục được đoàn Việt Nam rằng, Nhà máy có mọi điều kiện để sửa chữa và nâng cấp các tiêm kích này theo các yêu cầu cụ thể của họ”.

Một nguồn tin thân cận với Rosoboronoexport đã xác nhận việc phái đoàn Việt Nam đến thăm Nhà máy 558, nhưng từ chối bình luận thêm.
Một nguồn tin khác thì đặc biệt nhấn mạnh rằng, hiện thời các bên chưa thảo luận về các điều kiện hợp đồng. “Chúng tôi muốn sắp tới bắt đầu đàm phán”- Nguồn tin này nói.
Cả Rosoboronoexport, Nhà máy 558 và Tập đoàn Irkut đều từ chối đưa ra các bình luận chính thức.

Cuối tháng 11/2011, toàn bộ 18 chiếc Su-30K từng được Không quân Ấn Độ sử dụng, đã được chở bằng máy bay vận tải quân sự đến Belarus, nơi dự kiến sửa chữa và nâng cấp các máy bay này lên chuẩn Su-30KN, để sau đó bán lại.
Do Nga đơn thuần về mặt kỹ thuật vào năm 1996, không thể chế tạo ngay được 18 tiêm kích tối tân Su-30MKI, nên Nga đã đề nghị Ấn Độ mua 18 máy bay, nhưng thuộc biến thể đơn giản hơn là Su-30K.

Nhưng với điều kiện, sau đó Nga phải đổi cho Ấn Độ chừng đó máy bay Su-30MKI thật sự, còn các máy bay Su-30K sẽ được trả lại cho Nga và trở thành tài sản của nhà sản xuất là Tập đoàn Irkut.
Các máy bay mới Su-30MKI đã được Nga chuyển giao cho Ấn Độ, còn các máy bay Su-30K cũ lại không được đưa về Nga, mà đưa đến Baranovichy, Belarus. Nhờ đó, Irkut tránh được khoản thuế hải quan nhập máy bay vào Nga.

Nga định thu về 270 triệu USD (khoảng 15 triệu USD/chiếc, tính cả chi phí hiện đại hóa) cho toàn bộ 18 chiếc Su-30K ở Belarus, khoản tiền này là không đáng kể khi so với giá của 18 chiếc Su-30 mới là hơn 1 tỷ USD.
Theo một nguồn tin trong hệ thống hợp tác kỹ thuật quân sự Nga, thì trong số các nước quan tâm đến lời chào hàng có lợi đến thế có Sudan, Việt Nam, cũng như bản thân Belarus. Belarus đang muốn đổi mới đội máy bay của không quân nước này (cụ thể là để thay thế các máy bay Su-27 lạc hậu) với chi phí thấp nhất.

Tuy nhiên, theo một nguồn tin trong Tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga, Bộ Tài chính Nga đã từ chối không cấp tín dụng cho Belarus để mua các máy bay này, còn tự thanh toán khoản tiền này thì Belarus không đủ sức.
Có những bước đi thực sự đầu tiên để bắt đầu đàm phán là Việt Nam, còn Sudan thì theo các nguồn tin, hiện vẫn còn đang được xem xét như một phương án dự phòng.

“Việc Nga tìm được khách hàng cho các máy bay Su-30K này hiển nhiên là tin vui. Mặc dù khách hàng là đáng ngạc nhiên vì trước đó họ toàn mua các máy bay chiến đấu mới. Về giá cả, đây là hợp đồng cực kỳ có lợi cho Việt Nam. Có lẽ, họ muốn mua Su-30K hoàn toàn là do giá cả. Giá cực kỳ hấp dẫn: đã bao giờ có chuyện trả giá dưới 20 triệu USD cho một tiêm kích hạng nặng chưa?” – Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Konstantin Makienko bình luận.

Việc bắt đầu đàm phán bán Su-30K với Việt Nam có thể là hiếm có.
Lần đầu tiên, kể từ khi hãng xuất khẩu vũ khí nhà nước độc quyền Rosoboronoexportа ra đời (cho đến nay, chỉ có hãng này có quyền cung cấp vũ khí trang bị thành phẩm), trên thị trường một nước sẽ có hai hãng chế tạo máy bay Nga cùng lúc cạnh tranh nhau.
Vấn đề là ở chỗ: Hiện nay, việc sản xuất các máy bay dòng Su-30 cho Không quân Việt Nam do Liên hiệp sản xuất máy bay Komsomolsk trên sông Amur, thuộc Tập đoàn Chế tạo máy bay thống nhất OAK, tiến hành. Trong khi toàn bộ số Su-30K đang nằm ở Belarus lại là tài sản của Tập đoàn Irkut.

Theo Kommersant, chính vì thế mà một số lãnh đạo cao cấp của OAK phản đối việc thực hiện thương vụ này để giữ vững vị thế cho sản phẩm của mình cung cấp cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, OAK sẽ cực kỳ khó thuyết phục Việt Nam từ bỏ Su-30K của Irkut, trước hết là do giá cả quá hấp dẫn. Hơn nữa, Rosoboronoexport cũng quyết tâm thực hiện thật nhanh thương vụ Su-30K.
Cần lưu ý rằng, vào cuối tháng 2/2012, một chiếc Su-30МК2 chuẩn bị chuyển giao cho Không quân Việt Nam theo hợp đồng năm 2010 bán 12 chiếc máy bay này đã bị rơi ở tỉnh Amur. Theo Kommersant, Nga còn phải chuyển giao cho Việt Nam 4 máy bay trong khuôn khổ hợp đồng này.
Nguồn: Ivan Safronov // Kommersant, N.110 (4895), 20/6/2012./ vietnamdefence

Không có nhận xét nào: