Pages

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

Vì sao người phát ngôn sợ báo chí?




Các cơ quan nhà nước phải mạnh dạn cung cấp thông tin chính thống để hạn chế báo chí đi đường vòng dễ dẫn đến sai sót.
“Có ba cái ngại mà người phát ngôn (NPN) mắc phải khi tiếp xúc báo chí. Đó là ngại vì nắm vấn đề không chắc; ngại vì không có thời gian; ngại vì sợ nói hớ hênh, không chặt chẽ, nói không chuẩn dẫn đến hại cả chính mình khi lên báo”. Đó là ý kiến của ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, tại Hội nghị “Tổng kết năm năm thực hiện quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí” diễn ra tại Đà Nẵng ngày 23-6.
Ông San cho biết tỉnh Phú Thọ hiện có 72 NPN nhưng hầu hết đều có tâm lý ngại tiếp xúc báo chí vì những lý do trên. Ngoài ra nhiều lãnh đạo tỉnh sợ gặp báo chí cũng vì một số phóng viên cá biệt khi đến làm việc không mang tính xây dựng, viết bài chuyên bới móc, đưa toàn cái xấu chẳng thấy khi nào đưa những thành tích, kết quả mà địa phương đạt được.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) Đỗ Quý Doãn bổ sung: NPN ngại trả lời báo chí vì những câu trả lời của mình hay bị cắt cúp, không còn giữ nguyên chuẩn phần trả lời.
Ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng Ban Thư ký biên tập Đài Truyền hình Việt Nam, cho rằng mức độ chuyên nghiệp, cởi mở thông tin báo chí giảm dần theo cấp độ từ Chính phủ xuống từng địa phương. “Người trong cơ quan nhà nước thường né tránh làm NPN vì phải chịu nhiều sức ép từ báo chí, sức ép trước cơ quan chức năng và sức ép trước thủ trưởng cơ quan. Hầu như không ai tự nguyện làm NPN” – ông Nam nêu thực tế.
Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ liệt kê ra một loạt sự việc NPN không chuyên nghiệp như vụ hai phóng viên VOV bị đánh tại Văn Giang (Hưng Yên); vụ cưỡng chế đầm ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng). “Khi ông Đỗ Trung Thoại phát ngôn với báo chí nói nhà ông Vươn do người dân phá đã dẫn đến sự phản ứng của nhân dân địa phương và của báo chí” – ông Kỷ nói.
Theo các đại biểu, kiến thức, kỹ năng làm việc với báo chí của lãnh đạo địa phương, NPN còn rất yếu. Vì vậy cần bổ sung chuyên đề báo chí vào các lớp đào tạo dành cho lãnh đạo. Các địa phương lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… thì nên thành lập một bộ phận chuyên trách và người đứng đầu phát ngôn có chức vụ tương đương giám đốc Sở. “Bộ TT&TT cần hỗ trợ các địa phương đào tạo, huấn luyện cho NPN được chuyên nghiệp hơn” – đại diện lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk kiến nghị.
Theo ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT), các cơ quan nhà nước phải mạnh dạn cung cấp thông tin cho báo chí chứ không nên né tránh. Có thể là thông tin ban đầu khi báo chí cần để tránh tình trạng báo chí khai thác từ các nguồn khác nhiều khi gây bất lợi. Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn cũng nhấn mạnh: “Trách nhiệm của báo chí là đeo bám thông tin để đưa thông tin ấy đến độc giả. Vì vậy cần phải cung cấp thông tin chính thống cho báo chí. Nếu không cung cấp thì báo chí sẽ đi lấy thông tin ở các nguồn khác, dẫn đến có nhiều thông tin bất lợi gây dư luận xấu trong xã hội”.
LÊ PHI – TẤN TÀI

Không có nhận xét nào: