Pages

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

‘Đừng làm nổi sóng Nam Hải’



Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta tại Đối thoại Shangri La năm 2012
Trung Quốc đang đề cao cảnh giác trước việc Mỹ tăng cường binh lực ở Thái Bình Dương
Sau khi Hoa Kỳ loan báo dịch chuyển phần lớn hạm đội của họ sang Thái Bình Dương cho đến năm 2020, hôm thứ Bảy ngày 2/6 hãng thông tấn quốc gia Trung Quốc đã cảnh báo bây giờ không phải là lúc ‘làm nổi sóng’ ở Biển Đông.
“Ai đó nên kiềm chế đừng khuấy động làm đục nước rồi thả câu,” Tân Hoa Xã bình luận về vùng biển hiện đang có tranh chấp chủ quyền.

Bắc Kinh có ‘mong muốn thật lòng’ là biến Biển Đông thành một ‘vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác,’ Tân Hoa Xã cho biết trong bài xã luận có tựa đề ‘Đừng làm nổi sóng Nam Hải’.
“Về căng thẳng ở Nam Hải (Biển Đông), chính các quốc gia có tranh chấp khác đã thổi bùng ngọn lửa và ngày càng đổ thêm dầu vào lửa dù chiến lược mới của Mỹ có làm cho họ tự tin hơn hay không ,” Tân Hoa Xã nhận định.
Trước đó, tại diễn đàn an ninh khu vực thường niên có tên gọi Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta loan báo quyết định sẽ chuyển thêm lực lượng hải quân của họ đến Thái Bình Dương trong khuôn khổ trọng tâm chiến lược mới của họ.
Ông cho biết đó là một phần trong nỗ lực ‘kiên quyết và bền bỉ’ để củng cố vai trò của Mỹ ở một khu vực được nhìn nhận là hết sức quan trọng đối với tương lai của nước này.


"Ai đó nên kiềm chế đừng khuấy động làm đục nước rồi thả câu."
Hãng tin Tân Hoa Xã
Ông cũng nhấn mạnh rằng sự dịch chuyển chiến lược này không nhằm vào Trung Quốc.

‘Tăng cường cảnh giác’

Trong một phản ứng khác, một tướng lĩnh cao cấp của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc là ông Nhiệm Hải Tuyền cho biết Trung Quốc sẽ tăng cường cảnh giác nhưng sẽ không có hành động đáp trả, hãng tin Anh Reuters cho biết.
Là phó chủ tịch Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc vốn có vai trò quan trọng trong việc hoạch định chiến lược của quân đội nước này, Trung tướng Nhiệm cũng là người dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-La.
Đài truyền hình Phượng hoàng của Hong Kong đã dẫn lời ông này nhận định rằng ‘đây là phản ứng của Mỹ với những lợi ích quốc gia, các khó khăn về tài chính của chính họ và những diễn biến an ninh toàn cầu’.
“Trước hết, chúng ta không nên xem điều này là thảm họa,” ông trấn an.
Lâu nay Bắc Kinh vẫn cảnh giác trước các ý định của Hoa Kỳ với một số tiếng nói diều hâu trong quân đội nước này cho rằng Washington đang muốn bao vây Trung Quốc và kiềm chế sự vươn lên của họ.
Bộ trưởng Quốc phòng Canada Peter Gordon MacKay
Canada cũng bắt đầu can dự vào những căng thẳng trên Biển Đông
Ông nói Bắc Kinh không nên chủ quan trước các động thái của Hoa Kỳ.
“Vế thứ hai (trong câu trả lời của ông Nhiệm) là chúng ta cũng không nên bàng quan trước việc này,” ông phát biểu với kênh Phượng hoàng.
“Chúng ta nên nhìn nhận rằng chúng ta đang đối mặt với những diễn biến cực kỳ phức tạp mà đôi khi có người còn cho rằng hết sức nghiêm trọng, và chúng ta nên đề cao cảnh giác trước những hiểm họa và chuẩn bị đối phó với tất cả các tình huống phức tạp và nghiêm trọng,” ông nói.
Theo kế hoạch tái bố trí quân lực mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta loan báo ở Singapore thì nước này sẽ duy trì sáu hàng không mẫu hạm tại các vùng biển trên Thái Bình Dương.
Hiện tại 6 trong tổng số 11 chiếc tàu sân bay của Hoa Kỳ được phiên chế ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên khi chiếc USS Enterprise chấm dứt hoạt động trong năm này thì Mỹ chỉ còn lại 5 chiếc ở Thái Bình Dương.

"Chúng ta đang đối mặt với những diễn biến cực kỳ phức tạp và chúng ta nên đề cao cảnh giác trước những hiểm họa và chuẩn bị đối phó với tất cả các tình huống phức tạp và nghiêm trọng."
Nhân Hải Toàn, phó chủ tịch Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc
Khi chiếc USS Gerald R. Ford được hoàn thành vào năm 2015 thì hạm đội hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương sẽ có 6 chiếc trở lại.

Canada hỗ trợ

Trong khi đó, hãng tin Pháp AFP đưa tin hôm Chủ nhật ngày 3/6 Singapore cho biết họ đang nghiên cứu đề xuất của Canada thiết lập một cơ sở hậu cần ở nước này để điều phối các nỗ lực cứu trợ thiên tai.
Bộ trưởng Quốc phòng Canada Peter Gordon MacKay phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với báo The Canadian Press rằng đề xuất này nằm trong nỗ lực của Ottawa để hỗ trợ cho sự chuyển hướng chiến lược của Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ông MacKay cũng đến Singapore cùng với các vị bộ trưởng quốc phòng khác để tham dự Đối thoại Shangri-La.
“Phía Canada đã đề xuất thiết lập một căn cứ hỗ trợ hậu cần ở Singapore để điều phối các sứ mạng cứu trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai trong khu vực,” người phát ngôn Bộ Quốc phòng Singapore nói với AFP.
“Chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất này,” ông nói nhưng không cho biết thêm chi tiết.
MacKay được dẫn lời nói rằng đề xuất với Singapore cũng giống như các thỏa thuận mà Canada đã có với Kuwait và Jamaica vốn giúp cho nước này có căn cứ quân sự ở Trung Đông và vùng biển Caribe.

Không có nhận xét nào: