Pages

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

Tướng lĩnh Syria ồ ạt rời bỏ Tổng thống Assad.


.


(VnMedia) -
 Một vị tướng, hai đại tá, hai thiếu tá, một trung úy và 33 binh sĩ Syria vừa lũ lượt rời bỏ Tổng thống Bashar al-Assad và chạy trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ, đài truyền hình quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay (25/6) cho biết.

Kênh tin tức tư nhân CNN Turk cũng đưa tin về sự đào ngũ của 39 tướng lĩnh Syria nói trên. Theo kênh tin tức này, các tướng lĩnh Syria mang theo cả gia đình chạy đến Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng số người chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ đợt này lên tới con số 224.

Được biết, các tướng lĩnh Syria cùng với gia đình của họ đã chạy được vào lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ chiều muộn ngày hôm qua (24/6). Những người này đã được đưa đến trại Apaydin ở tỉnh Hatay, cách biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 4km.



Đây là vụ mới nhất trong một loạt vụ đào ngũ xảy ra trong quân đội Syria gần đây. Cách đây 2 ngày, 4 anh em đến từ tỉnh phía bắc Idlib gồm 2 thiếu tướng và 2 đại tá cũng đã tuyên bố rút khỏi quân đội Syria. Trước đó nữa, hôm 21/6, một đại tá không quân của Syria đã lái chiếc chiến đấu cơ MiG đào tẩu sang Jordan và xin được tị nạn chính trị ở nước này. Đại tá Hassan Hamada là viên phi công đầu tiên mang theo cả máy bay chiến đấu đào tẩu ra khỏi đất nước Syria kể từ khi cuộc nổi dậy ở nước này nổ ra hồi đầu năm ngoái.

Hàng loạt vụ đào ngũ liên tiếp của các tướng lĩnh Syria gần đây là một cú giáng mạnh vào chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở Syria đang diễn biến ngày một nghiêm trọng.

Hàng ngàn tướng lĩnh Syria đã đào ngũ trong hơn 16 tháng diễn ra cuộc nổi dậy chống chính quyền của ông Assad. Tính đến thời điểm này, đã có 13 tướng Syria xin tị nạn chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ. Những người này đang cung cấp sự giúp đỡ về hậu cần cho phe nổi dậy Syria. Trong khi đó, lực lượng binh sĩ đào ngũ đã trở thành đội quân xương sống của quân đội nổi dậy. Tuy nhiên, không giống với cuộc nổi dậy ở Libya và Yemen hồi năm ngoái, không có thành viên nào trong nội các của Tổng thống Assad phản bội lại ông này.

Những vụ đào tẩu gây chú ý nhất trong quân đội Syria trong thời gian qua ngoài vụ của phi công Hamada còn có vụ của Đại tá Riad al-Asaad hồi tháng 7 năm ngoái. Sau khi chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ, ông này đã giúp phe nổi dậy thiết lập Quân đội Syria Tự do. Vụ đào tẩu của phi công Hamada được Mỹ và phương Tây hoan nghênh nhiệt liệt. Pháp hôm qua đã kêu gọi các binh sĩ Syria học tập theo tấm gương của Đại tá Hassan Hamada.

Vụ đào tẩu của 39 tướng lĩnh Syria diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa nước này với Istanbul đang căng thẳng vì vụ quân đội Syria bắn hạ một chiếc máy bay chiến đấu F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ. Việc Istanbul đón nhận một loạt tướng lĩnh Syria có nguy cơ làm trầm trọng thêm mối quan hệ giữa hai nước láng giềng sát nách này.

Trung Quốc kêu gọi các bên kiềm chế
Trung Quốc hôm nay đã kêu gọi các bên bình tĩnh và kiềm chế sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tức giận cáo buộc Syria cố tình bắn hạ một chiếc chiến đấu cơ của họ. Istanbul đang tìm kiếm sự giúp đỡ của NATO trong vấn đề này. NATO dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp nhằm tìm kiếm một biện pháp đáp trả Syria.

"Trung Quốc đã xem xét báo cáo của các bên và đang theo sát mọi diễn biến của tình hình”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hong Lei cho biết tại một cuộc họp báo thường kỳ.

"Hiện tại, tình hình khu vực đang cực kỳ phức tạp và nhạy cảm. Chúng tôi hy vọng, các bên có liên quan hãy bình tĩnh và kiềm chế đồng thời nhất thiết phải đi theo kênh ngoại giao để tìm kiếm một giải pháp thích hợp. Chỉ có như thế, tình hình mới không diễn biến theo chiều hướng xấu đi", ông Hong cho hay.

Hôm 22/6, quân đội Syria đã bắn hạ một chiếc máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực Địa Trung Hải. Hai nước đang tranh cãi nhau gay gắt về việc ai đúng ai sai. Trong khi thừa nhận chiếc chiếc chiến đấu cơ F-4 Phantom của mình bay lạc vào không phận Syria, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, quân đội Syria đã sai khi không đưa ra lời cảnh báo nào trước khi bắn hạ chiếc máy bay của họ.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ 
Ahmet Davutoglu tố cáo Syria đã cố tình cung cấp “những thông tin sai lệch” về vụ việc. “Họ đã cố tình tạo ra ấn tượng rằng, Syria cảm thấy việc máy bay của chúng tôi bay lạc vào không phận của họ giống như một hành động xâm lược và họ đã bắn hạ nó. Tôi tin rằng, vụ việc này không xảy ra như thế".

Cũng theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, chiến đấu cơ của họ bị Syria bắn hạ ở không phận quốc tế. Chiếc F-4 đã bay lạc vào không phận Syria “trong một vụ xâm phạm vô tình và ngắn ngủi”. Sau khi phát hiện bay lạc vào không phận Syria, “máy bay của chúng tôi đã quay trở lại không phận quốc tế”.

Đáp lại những cáo buộc gay gắt trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Syria – ông Jihad Makdissi khẳng định, “những gì xảy ra là một hành động bảo vệ chủ quyền và mang tính phòng vệ của chúng tôi”. Syria không có bất kỳ ý định thù địch nào với Thổ Nhĩ Kỳ, ông Makdissi nhấn mạnh.

Việc Syria tham gia phối hợp tìm kiếm phi công của máy bay cùng với Thổ Nhĩ Kỳ là một bằng chứng rõ ràng cho thấy, Damascus đang xử lý tình hình một cách có trách nhiệm, ông Makdissi nói thêm.

Kiệt Linh - (theo Reuters, AFP, AP)

Không có nhận xét nào: