Pages

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng đáp trả tàu chiến Mỹ



(VnMedia) - Mỹ khẳng định, việc nước này thay đổi chiến lược hải quân với trọng tâm hướng vào Châu Á – Thái Bình Dương không phải là nhằm để kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, lời khẳng định này không thể làm Bắc Kinh an lòng.
Hôm 2/6, tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á lần thứ 11 diễn ra ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã lần đầu tiên thông báo chi tiết về chiến lược quân sự mới của Mỹ. Chiến lược này đã được công bố từ hồi tháng 1 đầu năm nay. Theo đó, Mỹ sẽ đưa 60% hạm đội tàu chiến hùng hậu của nước này đến khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2020. Hiện tại, Hải quân Mỹ đang có trong tay lực lượng gồm 282 tàu chiến. Như vậy, trong vài năm nữa, sẽ có khoảng 150 tàu chiến Mỹ thường xuyên đóng tại khu vực.
Hải quân Mỹ cũng sẽ tiếp tục duy trì hơn một nửa trong số tàu sân bay khổng lồ của Mỹ ở Thái Bình Dương. Hiện tại, đang có 6 trong số 11 tàu sân bay hùng mạnh của Mỹ đang làm nhiệm vụ ở Châu Á.
Khi được hỏi liệu sự thay đổi trong chiến lược hải quân nói trên của Mỹ có gây ra thách thức gì với Trung Quốc hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Panetta đã bác bỏ mạnh mẽ. “Tôi phủ nhận hoàn toàn quan điểm đó”, ông chủ Lầu Năm Góc đã nói như vậy.

Tuy nhiên, sự phản bác mạnh mẽ của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ không thể làm cho Bắc Kinh yên lòng. Trung Quốc tuyên bố, nước này sẽ tăng cường sức mạnh, năng lực cho các lực lượng của mình và họ sẽ có khả năng để “đáp trả” khi “các lợi ích căn bản” bị đe dọa.
Ông Ren Haiquan, một Trung tướng trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA), hôm 2/6 cho biết, kế hoạch điều chỉnh chiến lược hải quân của Mỹ không phải là một điều gì “quá nghiêm trọng” cũng không phải là “không gây ra vấn đề gì”. Ông Ren là người dẫn đầu đoàn quan chức Trung Quốc đến dự hội nghị an ninh khu vực ở Singapore.
“Chúng tôi vẫn sẽ phải đối đầu với một tình huống rất phức tạp và đôi khi là rất nghiêm trọng. Chúng tôi sẽ chuẩn bị sẵn sàng để đương đầu với mọi phức tạp đó. Có câu nói: hãy nỗ lực để đạt được điều tốt nhất và hãy chuẩn bị cho điều xấu nhất có thể xảy ra”, Trung tướng Ren cho biết. Ông Ren cũng là Phó Giám đốc Học viện Khoa học Quân sự của PLA ở thủ đô Bắc Kinh.
“Chúng tôi cũng sẽ điều chỉnh chiến lược quân sự, củng cố khả năng phòng vệ và chiến đấu của PLA. Chúng tôi sẽ không tấn công trừ khi chúng tôi bị tấn công. Chúng tôi có những biện pháp để đáp trả khi lợi ích căn bản của quốc gia bị đe dọa”, ông Ren nhấn mạnh.
Trung Quốc cảnh báo Mỹ không được can thiệp vào Biển Đông
Ngoài những cảnh báo mang tính chung chung ở trên, tờ Tân Hoa xã – cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc, hôm 2/6 còn có bài viết cảnh cáo Mỹ không được làm “nổi sóng” ở Biển Đông. “Chúng tôi khuyên một số nước nên kiềm chế, không nên can thiệp vào khu vực biển đó. Chúng tôi cũng khuyên một số nước không nên đánh cá ở khu vực đó”, bài báo trên tờ Tân Hoa Xã đã viết như vậy.
Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với một loạt nước gồm Philippines, Việt Nam, Maylaysia, Brunei và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông vốn là một khu vực giàu tài nguyên và có nhiều tuyến đường biển chiến lược quan trọng. Vì tầm quan trọng của Biển Đông, Trung Quốc đang có tham vọng độc chiếm biển này. Nhưng tham vọng của họ đang bị ngáng trở bởi rất nhiều nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ…
Trước việc Mỹ đang chuẩn bị đưa tàu chiến ồ ạt vào khu vực Thái Bình Dương, Trung Quốc thực sự tức giận và lo lắng. Nước này cáo buộc, một số nước đang cố tình nói quá lên và bịa đặt về mối đe dọa của Trung Quốc đối với sự tự do hàng hải ở Biển Đông.
Bắc Kinh tuyên bố, họ có “mong muốn chân thành” là biến khu vực Biển Đông “thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác”. Vì thế, các nước đừng cố tình làm “nổi sóng” ở Biển Đông.
Những phát biểu trên của Trung Quốc chắc chắn sẽ không xoa dịu được những quan ngại của các nước đang có tranh chấp ở Biển Đông với cường quốc này. Lý do là, trong cuộc đối đầu mới nhất với Philippines ở Biển Đông hiện nay, Bắc Kinh đã thể hiện một lập trường “hiếu chiến”. Nước này đã huy động hàng chục tàu thuyền, có thời điểm lên đến 100 tàu thuyền, tới khu vực tranh chấp trong khi Philippines chỉ có 2 tàu thuyền tại đây. Chưa hết, Bắc Kinh còn thường xuyên đưa ra những lời cảnh báo, đe dọa đầy sắc lạnh đến đối phương.
Trong tình thế yếu thế hơn Trung Quốc, Manila đã tìm đến sự giúp đỡ của đồng minh thân thiết Mỹ. Mặc dù tuyên bố đứng trung lập trong các tranh chấp ở Biển Đông nhưng Washington đã cam kết sẽ giúp Philippines củng cố sức mạnh hải quân để nước này có thể đối phó với Trung Quốc.
Kiệt Linh – (tổng hợp)

Không có nhận xét nào: