Pages

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Trung Quốc che giấu kinh tế yếu kém


HONG KONG (NYT) -Giữa khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục trong tình trạng ì ạch, một số giới lãnh đạo các doanh nghiệp lớn ở Trung Quốc và các kinh tế gia Tây Phương nói rằng có chỉ dấu cho thấy các giới chức chính quyền địa phương đang giả mạo các số liệu thống kê để che giấu mức độ trầm trọng của khó khăn kinh tế hiện nay.

Tin tức tiết lộ rằng nhiều địa phương Trung Quốc làm giả số liệu để che giấu nền kinh tế đang yếu kém. Hình minh họa. (Hình: Philippe Lopez/AFP/GettyImages)

Thông tin này được đăng trên nhật báo New York Times.
Bài báo viết rằng, con số kỷ lục của than đá khai thác được hiện đang tồn đọng ở các kho bãi trên khắp nước cho thấy các nhà máy điện nay đang dùng ít nguyên liệu hơn vì nhu cầu điện đang sút giảm. Nhưng chính quyền địa phương ở các tỉnh đã buộc giới lãnh đạo các nhà máy điện không được báo cáo với Bắc Kinh về mức độ trì trệ thật sự, theo các chuyên gia trong ngành năng lượng.

Mức sản xuất và tiêu thụ điện vẫn thường được coi là một chỉ dấu rõ rệt của các hoạt động trong mọi ngành kinh tế. Các con số liên quan đến lãnh vực này được nhiều nhà đầu tư quốc tế, và ngay cả một số giới chức chính quyền Trung Quốc, coi như là tiêu chuẩn rõ rệt nhất để lượng định tình hình kinh tế, do việc thu thập và báo cáo các dữ kiện kinh tế ở quốc gia này thường không đáng tin cậy, cũng giống như nhiều quốc gia khác.
Vẫn theo bài báo, hiện đang có các nguồn tin nói rằng giới chức lãnh đạo một số thành phố và tỉnh thổi phồng các thành quả sản xuất, mức doanh thu của các xí nghiệp trực thuộc cũng như tiền thu từ thuế. Các giới chức này làm được điều đó vì họ khuyến khích các doanh nghiệp giữ hai bộ sổ sách kế toán riêng rẽ - cho thấy mức phát triển trong doanh thu và tiền thuế đóng cho chính quyền địa phương vốn thật sự không hề có.
Các nguồn tin này ước lượng rằng ảnh hưởng của việc cung cấp các dữ kiện sai trái khiến chỉ số phát triển kinh tế tăng lên từ 1 đến 2 phần trăm và như vậy cũng đủ để “các tin tức kinh tế thật xấu trở thành xấu vừa phải.”
Sở Thống Kê Quốc Gia, cơ quan nhà nước ở Bắc Kinh có nhiệm vụ thu thập phần lớn các số liệu kinh tế của nền kinh tế quốc gia, bác bỏ tố cáo cho rằng các con số này đang bị phóng đại. “Hoàn toàn không có gì làm bằng chứng,” theo lời một nữ phát ngôn viên cơ quan.
Tuy nhiên một kinh tế gia có liên hệ với cơ quan này nói rằng giới chức Sở Thống Kê bắt đầu tìm hiểu sau khi khám phá thấy các chỉ dấu là các con số về điện lực có thể đã bị thổi phồng.
Việc nghi ngờ phẩm chất và sự chính xác của dữ kiện kinh tế Trung Quốc là điều có từ lâu nay, nhưng các lo ngại nêu lên lúc này là điều bất thường. Năm nay là năm đầu tiên kể từ 1989 đến nay khi có tình trạng kinh tế suy trầm giữa lúc Trung Quốc chuẩn bị có sự thay đổi nhân sự lãnh đạo cứ mỗi mười năm.
Giới chức ở mọi cấp chính quyền hiện đang bị nhiều áp lực phải báo cáo các thành quả kinh tế khích lệ về Bắc Kinh vào thời điểm chuẩn bị có các quyết định thăng thưởng, hay bị trừng phạt, bị thuyên chuyển.
Một giới chức có được các dữ kiện về điện lực tại hai tỉnh được coi là trung tâm của kỹ nghệ nặng Trung Quốc là Shandong và Jiangsu, nói rằng lượng điện tiêu thụ ở cả hai tỉnh giảm hơn 10% trong Tháng Năm so với một năm trước đó. Lượng điện tiêu thụ cũng giảm ở vùng Ðông Trung Quốc. Tuy vậy, các con số báo cáo lại nói rằng không thay đổi, thậm chí có sự gia tăng chút ít về lượng điện tiêu thụ.
Rohan Kendall, một phân tích gia cao cấp về than ở Á Châu cho công ty Wood Mackenzie, một công ty tư vấn năng lượng hàng đầu thế giới, nói rằng lượng than tồn kho ở cảng Qinhuangdao lên tới 9.5 triệu tấn tháng này, vì than đổ về nhiều hơn nhu cầu của các nhà máy điện ở vùng Nam Trung Quốc. Con số này vượt quá mức kỷ lục 9.3 triệu tấn vào Tháng Mười Một năm 2008, khi cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu ở gần đến mức trầm trọng nhất.
Ba nơi tồn trữ than đá lớn khác ở Trung Quốc là Tianjin, Caofeidian và Lianyungang, cũng đang ở mức kỷ lục, theo một giới chức lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc.
Nhiều chỉ số kinh tế Trung Quốc hiện đã cho thấy có sự trì trệ khởi sự từ mùa Xuân năm nay, với mức đầu tư vào dụng cụ sản xuất hồi Tháng Năm được coi là tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2001. Mức phát triển thường niên của sản xuất kỹ nghệ nay ở dưới 10%, trong khi lượng điện sản xuất chỉ tăng 3.2% trong Tháng Năm so với một năm trước đó và chỉ tăng khoảng 1.5% trong Tháng Tư.
Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu sự suy trầm thật ra còn tệ hại hơn những gì cho biết không. Các dữ kiện của nhà nước Trung Quốc, nếu cung cấp chính xác, sẽ cho người ta hiểu lý do tại sao giá của các mặt hàng như dầu hỏa, than đá và đồng giảm mạnh hồi Mùa Xuân năm nay dù rằng các con số thống kê chính thức của chính quyền Trung Quốc cho thấy các hoạt động kinh tế chỉ chậm lại đôi chút. Và các con số này cũng giải thích tại sao các nhà bán sỉ hàng tiêu dùng và vật liệu xây cất nói rằng thương vụ của họ nay tệ hại cũng giống như thời kỳ đầu năm 2009.
Việc thu thập các dữ kiện chính xác để các nhà soạn thảo chính sách sử dụng, trong khi công bố các tài liệu bị làm sai lạc, ít đen tối hơn, cho công chúng và thị trường tài chánh thế giới, cũng có thể là lý do khiến Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc đột nhiên cắt giảm phân lời trong các món tiền cho vay hồi đầu tháng này.
Chính các giới chức cao cấp nhà nước Trung Quốc cũng từng đặt câu hỏi về sự đáng tin cậy của thống kê kinh tế. Một công điện ngoại giao Mỹ được WikiLeaks phổ biến cho thấy Lý Khắc Cường (Li Keqiang), đệ nhất phó thủ tướng, người được coi là sẽ trở thành thủ tướng Trung Quốc mấy tháng tới đây, từng phát biểu năm 2007 là ông coi các dữ kiện này là “nhân tạo và do đó không đáng tin cậy.”
Ông Lý Khắc Cường cho giới ngoại giao Mỹ hay rằng thay vào đó ông chú trọng đến ba chỉ số được coi là khó bị “điều chỉnh” hơn cả là: mức tiêu thụ điện, số lượng hàng hóa chuyển vận qua đường hỏa xa, và việc giải ngân các món tiền vay từ ngân hàng.(V.Giang)

Không có nhận xét nào: