Pages

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Tiết lộ thư của quân nhân Hoa Kỳ viết ngay trước khi tử trận tại Việt Nam

“Nếu cha gọi phone , mẹ hãy nói với cha rằng con đã cận kề cái chết nhưng rồi vẫn ổn. Con thực sự may mắn. Con sẽ sớm viết tiếp cho mẹ”.Những dòng chữ cảm động này đã không bao giờ tới được tay người mẹ của Trung sĩ Steve Flaherty. Người lính đã thiệt mạng tại Việt Nam vào năm 1969 trước khi anh có thể gửi những lá thư đang mang theo mình về Mỹ, trong đó một bức thư có thể anh đang viết dở thì tử trận. Các bức thư của Flaherty đã được phía Việt Nam tìm thấy và lưu giữ sau khi anh tử trận. Sau 43 năm, những lá thư, kể về sự tàn khốc và kiệt quệ của chiến tranh, đã được Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh trao cho người đồng cấp Mỹ Leon Panetta nhân chuyến thăm Hà Nội của ông hồi tuần này. Số thư này của Flaherty sẽ được trao lại cho gia đình ở bang Nam Carolina.
Trong khi đó, ông Panetta đã trao lại cho ông Phùng Quang Thanh cuốn nhật ký của một bộ đội Việt Nam hi sinh trong chiến tranh và được một quân nhân Mỹ mang về nước. Cuốn nhật ký được ông Panetta trao trả thuộc về anh Vũ Đình Đoàn, một chiến sĩ Việt Nam hy sinh trong một trận đánh. Lãnh đạo quốc phòng hai nước đã đồng ý trả lại các kỷ vật trên cho gia đình các quân nhân của hai nước. Những ký ức về chiến tranh Việt Nam đang phai mờ dần đối với nhiều người Mỹ, và chiến tranh giờ đây chỉ còn là thứ trong các sách giáo khoa. Nhưng những ký ức ấy đã trở lại trở sống động trong các bức thư của Trung sĩ Flaherty. Các bức thư - được đề gửi tới Columbia, South Carolina cho mẹ Lois và 2 người phụ nữ có tên là Wyatt và Betty - đã tiết lộ những sợ hãi và cả nghị lực của anh. “Tôi cảm thấy những viên đạt sượt qua người”, Flaherty viết trong một lá thư gửi Betty. “Tôi chưa từng trải qua nỗi sợ hãi như vậy trong cuộc đời”. “Phía chúng tôi có nhiều người chết và bị thương”, Flaherty viết. “Chúng tôi đã kéo nhiều người chết và bị thương tới mức không thể nhớ nổi”. “Cảm ơn về tấm thiệp ngọt ngào. Nó khiến ngày đau khổ của tôi trở nên tốt đẹp hơn nhưng tôi không nghĩ tôi nghĩ có thể quên được cuộc chiến đẫm máu mà chúng tôi đang trải qua. Các rocket RPG và súng máy đã khiến ba lô của tôi bị rách toạc”.Trong một bức thư khác gửi mẹ, Flaherty đã khẳng định rằng anh sẽ nghỉ ngơi đôi chút. “Chắc chắn con sẽ nghỉ ngơi. Con không biết sẽ nghỉ ở đâu nhưng con cần phải nghỉ. Con sẽ cho mẹ biết chính xác”. Flaherty tử trận khi mới 22 tuổi vào tháng 3/1969 và đã được đưa trở về Mỹ để chôn cất. Flaherty phục vụ trong Đơn vị dù 101, tử trận ở miền nam Việt Nam. Rõ ràng là Flaherty đã chứng kiến các cuộc giao tranh ác liệt. “Trung đội của con ban đầu có 35 thành viên nhưng cuối cùng chỉ còn lại 19 người”, người lính Mỹ viết. “Chúng con đã mất chỉ huy trung đội và toàn bộ tiểu đội”. Đại tá quân đội Việt Nam Nguyễn Phú Đạt đã lưu giữ các bức thư của Trung sĩ Flaherty và ông đã nhắc tới nó trong một bài báo hồi tháng 8 năm ngoái. Hồi đầu năm nay, Robert Destatte, một cựu nhân viên Bộ Quốc phòng Mỹ từng làm việc tại văn phòng tìm kiếm lính Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam, đã biết về bài báo và Lầu Năm Góc bắt đầu tìm cách đưa trở lại các bức thư của Flaherty cho gia đình. Bà Martha Gibbons, 73 tuổi, chị dâu của Flaherty ở Nam Carolina, cho hay bà chỉ biết về sự tồn tại của các bức thư 6 tuần trước. Bà Gibbons cho biết chồng bà gặp Flaherty khi cậu bé mới 6 tuổi, đang sống tại một tậi trẻ mồ côi của Nhật. Chồng bà đã thuyết phục mẹ nhận nuôi Flaherty. Flaherty trưởng thành, rồi sau đó bỏ học cao đẳng để tham gia vào quân đội dù có học bổng về môn bóng chày. “Cậu ấy quyết định gia nhập quân đội và tham chiến tại Việt Nam và đã không trở về”, Kenneth L. Cannon, 80 tuổi, một người bác của Flaherty, nói.Cannon cho biết thêm gia đình được thông báo rằng Flaherty tử trận khi đang có mặt trên một cánh đồng. Còn bà Gibbons cảm thấy vui mừng khi những lá thư được trao trả. “Điều đó tốt cho cả 2 đất nước, tốt cho tất cả những người từng thiệt mạng ở hai phía”. Bà Gibbons nói gia đình sẽ đặt các bức thư cạnh các huy chương của Flaherty, một cuốn sổ và một lá cờ. An Bình ,AFP

Không có nhận xét nào: