Pages

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Thiên An Môn qua Hồi ký của Triệu Tử Dương


Nguồn : Thụy My RFI.

Triệu Tử Dương vốn là lãnh đạo số một Trung Quốc vào thời điểm cuộc nổi dậy của sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Ông chống lại việc đàn áp sinh viên, và sau đó đã bị thanh trừng. Cuốn hồi ký riêng của ông là một bằng chứng lịch sử quý giá. Nhân ngày ra mắt bản dịch tiếng Pháp cuốn sách này tại Paris hôm nay (06/10/2011), tờ Le Monde đã giới thiệu tác phẩm trên trong bài viết mang tựa đề “Tháng 5/1989: Các xe tăng cày nát Thiên An Môn”.

Tại Trung Quốc, báo chí và sách sử luôn tránh nêu tên ông Triệu Tử Dương, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, người đã từ chối áp dụng lệnh thiết quân luật để đàn áp các sinh viên biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn vào tháng 5/1989. Và vì vậy mà ông đã bị phe chủ trương cứng rắn của đảng thanh trừng, qua bàn tay của Đặng Tiểu Bình, người đã từng cất nhắc ông và là cha đẻ của đổi mới kinh tế. Triệu Tử Dương bị quản thúc tại gia tại Bắc Kinh và qua đời vào tháng Giêng năm 2005. Cho đến phút cuối, ông vẫn kiên định với nhận định của mình. Sự kiện Thiên An Môn dưới cái nhìn của Triệu Tử Dương đã được ra mắt dưới dạng cuốn nhật ký được xuất bản tại Hồng Kông, do con trai của Bảo Đồng – người từng là cánh tay phải của ông – công bố.

Ghi lại từ 30 tiếng đồng hồ độc thoại, thu trên các cuốn băng cassette kể chuyện cổ tích trẻ em và được bí mật mang sang Hồng Kông, cuốn hồi ký đến từ bên kia thế giới này hôm nay đã được nhà xuất bản Seuil cho ra mắt bản tiếng Pháp. Đây là những lời chứng vô giá cho thấy phương cách nhận thức và giải quyết các sự kiện Thiên An Môn tại trung tâm quyền lực, đồng thời cũng đã soi thêm một ánh sáng mới về vai trò nhập nhằng của Đặng Tiểu Bình. Cuốn hồi ký cũng cho thấy quan điểm của Triệu Tử Dương về sự cần thiết phải cải cách chính trị, một chủ đề đến ngày nay vẫn còn nóng bỏng.

1)    Khởi đầu các cuộc biểu tình của sinh viên:

Bảy năm trước đây, do sợ quên mất một số điều, tôi đã ghi chép về sự cố “ngày 4/6”, một kiểu biên niên. Ngày nay tôi muốn nói trên cơ sở những ghi chép này (…)

Ai đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình sinh viên đó? Bắt đầu là từ các sự kiện kỷ niệm Hồ Diệu Bang ngày 15/04/1989. Ngay buổi tối hôm cái chết của ông được loan báo, các sinh viên Bắc Kinh đã có sáng kiến tổ chức các hoạt động tưởng niệm ông. Họ xuống đường, càng lúc càng thêm đông đảo. Một số vì quá xúc động đã phát biểu hơi quá trớn, nhưng nói chung là mọi việc diễn ra trong trật tự, không có gì là quá khích.

Ngày 19 và 19/4, hàng trăm người đã tụ tập trước Tân Hoa Xã. Tôi đã xem các băng ghi hình của bên công an: các sinh viên ở hàng đầu liên tục hô lên: “Hãy giữ trật tự! Đừng có quá lố!”. Đằng sau họ là một đám đông vô số những người hiếu kỳ. Các sinh viên đòi hỏi được ai đó tiếp, đằng sau thì đám đông xô đẩy, và rồi đã lớn chuyện hơn. Sinh viên bèn cử ra một đội trật tự để kìm lại đám đông.

Ngày 22/4, khi các lễ nghi tưởng niệm chính thức tiến hành, tại quảng trường Thiên An Môn có hơn một chục ngàn sinh viên, họ được phép hiện diện tại đó. Chúng tôi đã cho gắn các loa phóng thanh để có thể theo dõi buổi lễ đang diễn ra. Tình hình là như thế, trước khi xuất hiện bài xã luận của Nhân dân Nhật báo ngày 26/4.
Tại sao sinh viên lại nhiệt tình đến như thế trong lễ tưởng niệm ông Hồ Diệu Bang ? (…)

Trước hết, ông Hồ Diệu Bang có được hình ảnh rất tốt đẹp. Ông đã phục hồi danh dự cho rất nhiều nạn nhân bị oan ức, xưng tụng việc cải cách và mở cửa, nhất là ông không hề ăn hối lộ. Người dân ngày càng ta thán về nạn tham nhũng, và dịp kỷ niệm này là cơ hội để bày tỏ nỗi bất bình đó. Thứ đến, nhiều người đã bất mãn, thậm chí phẫn nộ về cách thức mà ông bị truất phế (khỏi chức vụ Tổng bí thư) năm 1987. Một mặt, họ phản đối lại chiến dịch chống mở rộng tự do vào lúc đó, mặt khác, họ không chấp nhận được cái cách thay đổi lãnh đạo như thế, thấy rằng ông Hồ Diệu Bang đã bị đối xử bất công. Lý do thứ ba, vào mùa thu năm 1988 với chủ trương đưa vào khuôn khổ mang tên “tái tổ chức”, chính sách cải cách và mở cửa đã bị chậm lại. Việc cải cách chính trị bị bế tắc, cải cách kinh tế không tiến triển, thậm chí còn thụt lùi.

Giới sinh viên, bất mãn trước thực trạng, đã lợi dụng các lễ kỷ niệm để bày tỏ sự mong đợi của họ trong việc cải cách sâu sắc hơn (…)

2)    Quyết định sử dụng quân đội để trấn áp: 

Tôi không còn cách nào khác hơn là phải đến gặp Đặng Tiểu Bình để giải bày quan điểm của tôi về việc chỉnh lại bài xã luận ngày 26/4. Tôi gọi cho ông ấy hôm 17/5 để xin hẹn gặp. Không lâu sau đó, thư ký của ông cho tôi biết sẽ có một cuộc họp ở chỗ ông ấy ngay trong buổi chiều, với sự hiện diện của Dương Thượng Côn và Ban Thường vụ (...). Tôi đã yêu cầu một cuộc gặp gỡ tay đôi, và sự kiện thay vào đó là một buổi họp cho thấy đây là điềm xấu.

Mở đầu cuộc họp, tôi trình bày quan điểm của mình. Một cách tổng quát, tôi nhấn mạnh những điều sau đây. Phong trào sinh viên không ngừng lớn rộng, tình hình xấu đi và trở nên hết sức nghiêm trọng, sinh viên, giáo viên, nhà báo, nhà nghiên cứu và ngay cả các cán bộ hành chính cũng xuống đường. Số lượng người biểu tình nay được ước tính  khoảng ba trăm, bốn trăm ngàn người, có nhiều công nhân và nông dân có thiện cảm với phong trào. Hơn nữa, ngoài các yêu sách liên quan đến nạn tham nhũng và tính minh bạch, tất cả những người này phê phán chính quyền và Đảng là đã vô cảm trước việc tuyệt thực của các sinh viên, có vẻ như là chúng ta sẵn sàng để cho họ chết đi mà chẳng làm gì cả.

Cuộc đối thoại với các sinh viên đã vấp phải vấn đề bài xã luận ngày 26/4. Bài viết này khiến người ta không thể hiểu nổi, làm dấy lên sự chống đối…Hiện nay, phương cách hiệu quả duy nhất là trước mắt nhượng bộ đôi chút về cách đánh giá các cuộc biểu tình trong bài xã luận này. Đó là chìa khóa để giành được cảm tình của xã hội. Nếu gỡ bỏ cái nhãn mà bài xã luận trên đã gán cho sinh viên, chúng ta sẽ lại chủ động được. Ngược lại, nếu việc tuyệt thực lại tiếp diễn, nếu có những người chết, thì sẽ đổ dầu vào lửa. Một khi chúng ta sử dụng các biện pháp đối đầu với quần chúng, ta sẽ có nguy cơ mất kiểm soát toàn bộ tình hình.

Trong khi phân tích như trên, tôi đọc được trên gương mặt ông Đặng các dấu hiệu biểu lộ sự mất kiên nhẫn và bất đồng.

Ngay sau khi tôi trình bày xong, Lý Bình và Diêu Y Lâm liền đứng dậy chỉ trích tôi, quy cho tôi cái trách nhiệm là đã làm cho phong trào sinh viên dâng cao, qua bài diễn văn của tôi ngày 4/5 tại Ngân hàng Phát triển Á châu. Đây là lần đầu tiên tôi nghe họ phê bình tôi về bài diễn văn này. Họ phản đối trong thực tế, nhưng chưa bao giờ phát biểu công khai cả, và sự tấn công thô bạo của họ khiến tôi hoàn toàn bất ngờ. Việc họ đổ tội cho tôi không một chút đắn đo, chứng tỏ Đặng Tiểu Bình đã ngầm cho phép.

Vào cuối buổi họp, Đặng Tiểu Bình quyết : diễn tiến tình hình cho thấy bài xã luận ngày 26/4 đúng đắn hơn bao giờ hết. Và nếu phong trào sinh viên không lùi bước, thì phải đi tìm nguyên nhân ngay trong nội bộ Đảng, và nhất là trong bài diễn văn của Triệu Tử Dương ngày 4/5 trước Ngân hàng Phát triển Á châu. Không còn có thể lùi lại được nữa, nếu không thì không thể tái lập được trật tự. Cần phải triển khai quân đội tại Bắc Kinh, và ban hành lệnh thiết quân luật.

Sau đó ông ta ra lệnh cho Lý Bằng, Dương Thượng Côn và Kiều Thạch lập ra một nhóm phụ trách thực hiện quyết định trên. Khi ông ta nói xong, tôi lại phát biểu tiếp : Đương nhiên là cần phải có quyết sách, còn hơn là không có gì cả, nhưng tôi rất lo lắng về những hậu quả nặng nề sẽ xảy ra. Với vai trò Tổng bí thư, sẽ rất khó cho tôi trong việc tổ chức thực hiện quyết định này. Đặng Tiểu Bình nói là, nếu quyết định tỏ ra tệ hại, thì tất cả chúng tôi sẽ cùng chịu trách nhiệm (…)

Tôi hết sức buồn bực và nghĩ rằng, dù gì đi nữa, tôi sẽ không là người Tổng bí thư cho triển khai quân đội để càn quét sinh viên. Khi về nhà, tôi yêu cầu Bào Đồng soạn thảo một lá thư từ chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản để gởi cho Ban Thường vụ (…)

3) Triệu Tử Dương duy trì quan điểm

Ban chấp hành Trung ương họp hội nghị toàn thể ngày 23 và 24/6 để thông qua các biện pháp chính trị và hành chính do Bộ Chính trị mở rộng đưa ra. Tôi được thông báo về cuộc họp này, và tham gia vào một nhóm nhỏ (người ta phân cho tôi một chỗ trong nhóm miền bắc).

Tôi lắng nghe những lời chỉ trích mình, và chỉ trả lời ngắn gọn. Tôi cám ơn từng người về sự giúp đỡ của họ, ngoài ra còn nói rõ là tôi đã chuẩn bị một văn bản về vụ việc của mình (đó là lá thư mà tôi đã soạn để gởi cho Bộ Chính trị mở rộng, với thành phần có một ít thay đổi). Tôi hy vọng là thư sẽ được phân phát cho tất cả các đại biểu hiện diện. Vương Nhẫn Chi, nằm trong nhóm của tôi, tuyên bố là Ban chấp hành Trung ương đã đồng ý cho phổ biến. Nhưng thực ra văn bản này chỉ được cho in khi hội nghị đã kết thúc và bị thu hồi ngay sau đó.

Ngược lại, tài liệu phản bác lại bài tuyên bố của tôi, đồng ký tên Trần Hy Đồng (Thị trưởng Bắc Kinh) và Lý Thiết Ánh (Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Nhà nước) đã được phổ biến rộng rãi trước đó. Thật là kỳ lạ : các thành viên đọc văn bản đả kích bài viết của tôi…mà lại không thể biết được tôi đã viết những gì.

Trong hội nghị còn phổ biến một tài liệu khác bóp méo bối cảnh sự cố ngày 4/6, dưới cái tên văn phòng trung ương Đảng, tập hợp nhiều tư liệu trong và ngoài nước. Tài liệu này nói bóng gió tôi là một kẻ mưu phản, làm tay sai cho bọn phản cách mạng tại Trung Quốc và ở nước ngoài, nhằm mục đích lật đổ Đảng Cộng sản Trung Quốc và ông Đặng Tiểu Bình. Tài liệu khẳng định - tuy không hề có cơ sở nào - là những người cộng tác của tôi đã trực tiếp nhúng tay vào phong trào sinh viên, họ liên lạc với các lãnh tụ sinh viên, và đã làm lộ bí mật quốc phòng về việc ban hành lệnh thiết quân luật. Hiển nhiên là việc phân phát tài liệu này có mục đích thuyết phục các đại biểu rằng tôi đã phạm các tội ác tệ hại nhất, nhằm bôi bẩn và triệt hạ tôi.

Một số bài diễn văn đọc trong hội nghị khiến tôi không thể nào không nhớ lại thời kỳ cách mạng văn hóa. Đổi trắng thay đen, lộng giả thành chân, phóng đại một sự việc, trích dẫn những lời ở ngoài ngữ cảnh của nó, vu cáo…Ngay cả từ vựng cũng chẳng thay đổi. Tôi nghĩ rằng, nếu các tài liệu này không được in tiêu đề kỳ họp toàn thể lần thứ tư của Ban chấp hành Trung ương 13, người ta có thể cho là chúng có từ thời cách mạng văn hóa.
LND : Đây là phần cuối của bài tóm lược Hồi ký Triệu Tử Dương trên báo Le Monde. Từ ngày mai, xin mời quý vị theo dõi bản dịch chi tiết chương đầu mang tên « Vụ thảm sát Thiên An Môn » của cuốn hồi ký bí mật này.

Hồi ký Triệu Tử Dương được phát hiện sau khi ông qua đời, nhờ con trai ông Bào Đồng tìm ra 30 cuốn băng cassette nằm lẫn lộn trong đống đồ chơi trẻ em, và ông Bào Đồng xác nhận đúng là của cựu Tổng bí thư Trung Quốc. Bản tiếng Anh được xuất bản lần đầu tiên năm 2009 với tên « Tù nhân của nhà nước – Hồi ký bí mật của Triệu Tử Dương ». Bản tiếng Hoa tại Hồng Kông mang tên « Cải cách lịch trình ». Chúng tôi dịch theo bản tiếng Pháp vừa ra mắt ngày 06/10/2011 tại Paris, có giữ lại một số chú thích của bản tiếng Anh.

Cuốn sách gồm lời đề tựa dài 23 trang của ông Bào Đồng, lời bạt dài 11 trang của ông Roderick MacFarquhar, giáo sư đại học Havard chuyên về Trung Quốc, và các chương sau :

             I.      Vụ thảm sát Thiên An Môn
           II.      Bị quản thúc tại gia một cách bất hợp pháp
        III.      Cội nguồn của sự bành trướng kinh tế Trung Quốc
       IV.      Năm 1987, chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ 13: Sự ganh đua trong Bộ Chính trị
         V.      1988: Năm của mọi hiểm nguy
       VI.      Trung Quốc phải thay đổi như thế nào

Do bận công việc “tay phải”, nên bản dịch nếu có ít nhiều sai sót, xin vui lòng thông cảm cho. Đa tạ.

4) Khởi đầu của chính sách mở cửa:

Về việc mở cửa ra thể giới bên ngoài, Trần Vân đã gây ra nhiều quan ngại nhất, và sự khác biệt quan điểm giữa ông và Đặng Tiểu Bình là đương nhiên. Sự bất đồng giữa hai người này về cải cách, chủ yếu trên vấn đề hệ thống kinh tế kế hoạch hóa.

(…) Trần Vân không chống đối rõ nét việc tăng tính tự chủ cho các đại công ty, về quyền sa thải, tổ chức hợp lý hóa và phân quyền, chế độ ký kết hợp đồng nông nghiệp. Nhưng ông lo ngại nhiều nhất về việc mở cửa cho nước ngoài, nhất là tại các đặc khu kinh tế. Đây là đề nghị của Đặng Tiểu Bình, người trước hết đã cho phép mở các đặc khu Thẩm Quyến và Chu Hải ở Quảng Đông, Hạ Môn ở Phúc Kiến, rồi sau đó tại các địa phương khác nữa. Trần Vân tỏ ra thận trọng với các đặc khu này.

Ít lâu sau khi thành lập các đặc khu kinh tế, trong cuộc họp toàn quốc các Bí thư tỉnh thành vào tháng 12/1981 (…), cũng như nhân các lãnh đạo Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đến thăm vào dịp Tết, Trần Vân đã nhấn mạnh, quan trọng nhất là phải rút ra được kinh nghiệm từ các đặc khu kinh tế. Ông cho rằng không nên mở rộng thêm nữa, và cần phải đo lường được tất cả các tác động tiêu cực. Ban đầu có dự định lập các đặc khu kinh tế dọc theo miền duyên hải, như Thượng Hải và Chiết Giang, nhưng Trần Vân phản đối. Theo ông, vùng này tập trung nhiều kẻ cơ hội, sẽ lợi dụng mọi dịp may để vượt thoát. Bộ phận nghiên cứu của ban thư ký Trung ương Đảng do Đặng Lập Quần đứng đầu, đã làm ra các tài liệu cố chứng tỏ các đặc khu kinh tế cũng từa tựa như các « tô giới » thời xưa. Lý thuyết này khá thông dụng trong một thời gian, do ảnh hưởng của Trần Vân và Đặng Lập Quần.

Về việc sử dụng vốn nước ngoài, quan điểm của Trần Vân hoàn toàn khác với Đặng Tiểu Bình. Ông Đặng cổ vũ việc huy động rộng rãi vốn đầu tư ngoại quốc, cho rằng nếu không thì một nước đang phát triển như Trung Quốc khó thể cất cánh. Đương nhiên là ông chỉ đưa ra quan điểm chung chứ không thực sự quan tâm đến phương thức thực hiện cụ thể. Ông hoàn toàn ủng hộ dù ở bất cứ dạng nào - cho vay với tỉ lệ ưu đãi hay không, hoặc lập các công ty có vốn hỗn hợp.

5) Quá độ lên dân chủ :

(…) Trong bối cảnh hiện nay của Trung Quốc, cần ưu tiên khẳng định mục tiêu tối hậu của việc cải cách chính trị, cụ thể là việc áp dụng hệ thống chính trị tiên tiến này. Nếu chúng ta không đi theo hướng đó, thì những bất bình thường của nền kinh tế thị trường kiểu Trung Quốc, khía cạnh không lành mạnh của nó – cán bộ nhũng nhiễu, tham nhũng trầm trọng và khoảng cách bất bình đẳng bị đào sâu – sẽ không thể bị tiêu trừ, và không thể nào thiết lập được Nhà nước pháp quyền. Để giải quyết tận gốc rễ vấn đề này, chúng ta cần kiên quyết thực hiện cải tổ hệ thống chính trị, hướng đến mục tiêu trên.

Mặt khác, trước tình hình hiện nay tại Trung Quốc, chúng ta cần một thời kỳ quá độ tương đối dài. Kinh nghiệm từ nhiều nước và vùng lãnh thổ châu Á xứng đáng được chú ý. Chẳng hạn Đài Loan hay Hàn Quốc đã tiến triển từ hệ thống chính trị truyền thống sang một chế độ dân chủ đại nghị, chúng ta sẽ có lợi khi rút kinh nghiệm từ phía họ. Với thực tế Trung Quốc, để có thể thực hiện bước chuyển đổi một cách thích hợp, thì cần duy trì vị trí thống trị của Đảng Cộng sản trong một thời kỳ nhất định, trong khi thay đổi cung cách điều hành của Đảng. Giải pháp này theo tôi là tốt nhất.

Tôi cho rằng đây là một điểm tốt để khởi đầu. Trước hết, sự thay đổi này thích hợp cho việc duy trì sự ổn định của Nhà nước và xã hội, tạo các điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. Thứ đến, nhờ có các tiến triển trong những lãnh vực trên, có thể chuyển đổi nhẹ nhàng sang một hệ thống chính trị khác chín muồi hơn, văn minh hơn và dân chủ hơn. Nói một cách khác, thứ nhất, không phải là không có khả năng thúc đẩy nhanh tiến trình và áp dụng kinh nghiệm bên ngoài cùng một lúc, thứ hai, chúng ta phải tiến về hướng này, tuyệt đối tránh đi ngược lại.

Về độ dài của thời kỳ quá độ, thì còn tùy thuộc vào tổng thể phát triển xã hội. Điều quan trọng là Đảng Cộng sản phải quan tâm đến, để phân biệt với những cái thứ yếu, khẩn cấp trong trung hạn, và tiến hành cải cách theo từng bước.

Đảng cầm quyền phải bước qua hai bước quyết định. Đầu tiên là dỡ bỏ việc cấm cản các đảng dân chủ và  báo chí độc lập. Chắc chắn là phải làm từ từ, nhưng điều này là cần thiết. Bước thứ hai là dân chủ hóa trong nội bộ Đảng : Đảng phải tự mình cải cách theo con đường dân chủ.

Trong quá khứ, vào thời kỳ cuộc chiến tranh giải phóng và giai đoạn khởi đầu của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thì nhất thiết phải đặt trọng tâm vào chế độ tập quyền và kỷ luật. Nhưng sự chuyển đổi từ một đảng đấu tranh cách mạng sang một đảng điều hành nhà nước, việc quá độ sang một chế độ đại nghị không thể thực hiện được, nếu không có dân chủ hóa ngay trong nội bộ đảng. Nói cách khác, đó là việc duy trì sự hiện diện hợp pháp các thành phần có những ý tưởng khác nhau trong đảng.

Không có nhận xét nào: