Pages

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Tâm sự nông dân nuôi cá tra



Đã có 470 doanh nghiệp trong tổng số 800 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản ở Việt Nam ngừng hoạt động trong quí 1/2012.

Photo courtesy of dvt.vn
Thu hoạch cá da trơn tại một bè cá ở An Giang


Tình cảnh người nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long còn thê thảm hơn, khi doanh nghiệp đói vốn nợ đầm đìa. Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa lên tiếng báo động tình trạng đặc biệt khó khăn của ngành cá tra, doanh nghiệp thiếu vốn lưu động, thiếu nguyên liệu, sản xuất đình đốn. Hầu hết doanh nghiệp cần được vay vốn, thấp nhất 10 tỷ đồng và cao nhất lên đến 1.400 tỷ đồng.
Ai sẽ giúp nông dân


Ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên thường vụ Hội nghề cá Việt Nam phát biểu:
“Về khó khăn trong nghề nuôi và xuất khẩu cá tra ra nước ngoài, VASEP và Hội nghề cá Việt Nam đã đề nghị chính phủ cho người nông dân vay vốn với lãi suất thấp hơn so với lãi suất qui định là 5% để người dân tiếp tục nuôi và thu hoạch cá. Đồng thời có gói hỗ trợ thứ hai cho doanh nghiệp để họ vay vốn trả tiền mua cá cho dân cũng với lãi suất thấp hơn 5% so với qui định hiện nay. Đây mới chỉ là đề nghị và phải chờ quyết định của chính phủ.”
Năm ngoái riêng xuất khẩu cá tra mang về 1 tỷ 900 triệu USD, trong đó có mồ hôi nước mắt của biết bao nông dân bị mất vốn vì doanh nghiệp xù nợ, chiếm dụng vốn và cả những món nợ xấu mà ngân hàng thương mại đang ôm của các doanh nghiệp thủy sản.
Ông Ba Truyện, một nông dân nuôi cá tra ở Cần Thơ nói lên tình cảnh không lối thoát của hầu hết người nuôi trong vùng:
“Trời ơi! hợp đồng chỉ là lấy cho có không à! Thí dụ bắt cá xong thì ba ngày nó ứng dứt điểm cho mình 20%-30% chẳng hạn, nó cũng chẳng giữ lời hứa. Thứ hai hợp đồng trong vòng 1 tháng thanh toán hết, nhưng nó đâu có thanh toán kéo dài 2-3 tháng có công ty tới 5-6 tháng. Nó làm như vậy, dân mình nuôi cá đâu phải tiền nhà hết, mình cũng phải đi vay mà ngân hàng bây giờ lại đóng khung nữa, cho nên nhiều khi mình phải vay nóng bên ngoài.
Trong quá trình trả tiền chậm nó làm cho dân bị thiệt hại, trả chậm 5-6 tỷ bạc hàng tháng nhân lên biết bao nhiêu tiền lời. Chỉ chỗ đó thôi dân mình lỗ nặng lắm mà mùa cá bây giờ bán ra rất khó. Dù sao đã là cái nghề thì dân hoài vọng nuôi tiếp nhưng cái khó khăn trước mắt, ngân hàng thì đóng băng rồi, bán cho công ty thì nó trả chậm cho mình, từ cái chỗ đó nó thua thiệt cho người nuôi cá quá nhiều vì vậy nếu mà nuôi nữa thì phải là như thế nào…?”
Những bức xúc của người nuôi cá tra có lẽ nói hàng giờ cũng không hết, thật không thể hiểu nổi giới hữu trách nghĩ gì. Nông dân Sáu Học cũng là một chủ hộ nuôi cá tra ở vùng sông nước Cửu Long phát biểu:
Thủ tướng cũng hứa hỗ trợ cho dân để bù lại trong vấn đề lãi suất cao. Tình hình khó khăn như thế nói thì có nói nhưng việc thi hành thì không thấy.
Ông Ba Truyện
“Nông dân bây giờ chịu nhiều thiệt thòi nhất, làm ruộng nuôi cá nhưng lúa bây giờ rẻ, cá cũng rẻ. Bây giờ yêu cầu Nhà nước: thứ nhất bây giờ phải hỗ trợ vốn cho nông dân. Thứ nhì, bức xúc nhất là tụi tui bán cá cho công ty, nó hứa trong hợp đồng nửa tháng nhưng mà bắt cá rồi nó muốn trả sao thì nó trả, kéo dài nhiều tháng nó làm tụi tui điêu đứng. Thí dụ bây giờ bán cá lời 2.000đ/kg nhưng nó để 3-4 tháng sau mới thanh toán thì mình chỉ đóng lãi cho mấy thằng thức ăn ở đây thôi. Rốt cuộc tụi tôi ai nấy đều lỗ, giờ ở vùng tụi tui chẳng biết sao mà nói.”
Theo tin ghi nhận,VASEP nhận định rằng, nếu không được tháo gỡ kịp thời thì trong 6 tháng cuối năm 2012 này sẽ có thêm 20%-30% doanh nghiệp tiếp tục phá sản, chuỗi sản xuất của ngành cá tra sẽ bị thu hẹp trong năm 2012 và ảnh hưởng đến các năm tiếp theo.

Chờ đến bao giờ

000_APH2002072500112-200.jpg
Một mẻ cá Basa vừa được vớt lên tại một trang trại nuôi cá ở An Giang. AFP photo
Trên thực tế VASEP đề nghị Ngân hàng phát triển (VDB) thông qua hai gói hỗ trợ khẩn cấp, theo đó gói thứ nhất  hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp có nhà máy chế biến xuất khẩu để tiếp tục sản xuất, đảm bảo việc làm cho công nhân, góp phần hỗ trợ người nuôi cá. VASEP ước tính cần khoảng 5.000 tỷ đồng để mua 200.000 tấn cá tra của dân. Những doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu thu mua nguyên liệu cá tra cần được vay vốn kỳ hạn 4 tháng với lãi suất ưu đãi dưới 10%/năm. Gói thứ hai mà VASEP đề nghị là VDB hỗ trợ các doanh nghiệp có vùng nuôi cá tra tập trung vay vốn để mua thức ăn, tiếp tục nuôi cá trong ao. Kỳ hạn vay là một nửa chu kỳ nuôi tức 4 tháng, mỗi héc-ta ấn định sản lượng là 300 tấn để ngân hàng tính toán mức cho vay.
Theo bản tin trên mạng của Bộ Công thương, từ đề nghị của VASEP, Ngân hàng Phát triển (VDB) đã gởi công văn hỏa tốc tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiến nghị chính phủ chấp thuận 3 đề xuất để cứu ngành cá tra. Thứ nhất là gia hạn nợ của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng, rà sóat và tiếp tục cho vay vốn để duy trì sản xuất, xuất khẩu, ổn định việc làm cho công nhân. Thứ hai ngoài việc cho vay vốn để thu mua cá cho dân, VDB xin phép cho các doanh nghiệp vay vốn để tự phát triển vùng nuôi của mình. Và thứ ba VDB đề nghị cơ quan chức năng cùng VASEP giúp tái cơ cấu các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có thương hiệu, nhưng đang khó khăn phải ngừng hoạt động.
Tất cả các kiến nghị của VASEP và VDB chỉ liên quan tới doanh nghiệp thủy sản mà không đề cập gì tới nông dân nuôi cá, ngoại trừ việc cho doanh nghiệp vay vốn để có tiền mua cá của dân. Giả dụ người dân không nuôi cá nữa thì doanh nghiệp lấy đâu cho đủ nguyên liệu để chế biến.
Ông Ba Truyện chủ hộ nuôi cá ở Cần Thơ phát biểu:
VASEP và Hội nghề cá Việt Nam đã đề nghị chính phủ cho người nông dân vay vốn với lãi suất thấp hơn so với lãi suất qui định là 5% . Đây mới chỉ là đề nghị và phải chờ quyết định của chính phủ. 
Ông Nguyễn Tử Cương
“Có một lần ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới An Giang trực tiếp vô những nơi nuôi cá, những vùng nuôi lớn. Thấy rõ những khó khăn của bà con cho nên Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT 10 ngày sau phải có báo cáo, Thủ tướng cũng hứa hỗ trợ cho dân để bù lại trong vấn đề lãi suất cao. Tình hình khó khăn như thế nói thì có nói nhưng việc thi hành thì không thấy.”
Một ngành nuôi cá tra tốt đẹp là vậy, chỉ với 6.000 héc ta mặt nước mà có thể mang về gần 2 tỷ USD mỗi năm, giải quyết công việc làm cho hàng trăm ngàn người. Thế nhưng chính phủ đã không có chính sách phù hợp và đúng lúc nên nông dân đã nghèo lại nghèo hơn và doanh nghiệp thì cụt vốn, ngập nợ, ngừng hoạt động.
Nhiều người đổ lỗi cho khủng hoảng nợ công châu Âu làm bế tắc đầu ra của con cá tra, nhưng cũng không ít chuyên gia nói rằng chính sách tiền tệ- tín dụng- ngân hàng không phù hợp trong giai đoạn vừa qua đã góp phần đẩy nghề nuôi và xuất khẩu cá tra đến bờ vực phá sản.

Không có nhận xét nào: