Pages

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

“Quả đấm thép” đang tan chảy!

(Dân Việt) - DN phá sản chưa từng thấy; thất nghiệp gia tăng; DN nhà nước làm ăn kém hiệu quả, đổ vỡ... là những vấn đề KT-XH bức xúc được đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên thảo luận ngày 7.6.
Ngân hàng - “cục máu đông”
Thực ra, cũng có một vấn đề đỡ bức xúc. Đó là chỉ số giá đã tăng chậm lại, chỉ 2,78%. Có thể, đây là điều mà người dân cảm thấy dễ thở nhất. Nhưng sự dịu lại của lạm phát chỉ đang cho thấy tiềm ẩn sự bùng nổ trở lại.

Tập đoàn Vinashin - một “quả đấm thép” nhưng không tạo được hiệu quả.



Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) phân tích: Giá cả giảm là do tổng cầu giảm quá nhanh. Nhưng chính vì thế, nguy cơ lạm phát rất cao, rất dễ tăng nhanh trở lại. Theo ông, từ giờ đến cuối năm mỗi tháng có thể giải ngân 21.000 tỷ đồng. 


Tuy nhiên, nền kinh tế có hấp thụ được hay không lại là một vấn đề khác: “Vấn đề là dòng vốn của nền kinh tế, như mạch máu đang bị nghẽn. Cục máu đông là nợ xấu ngân hàng (NH). Không làm tan cục máu đông thì sẽ không hấp thụ được”.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) dẫn báo cáo kiến nghị cử tri cho rằng: “Cả người gửi và người đi vay đều chịu thiệt, chỉ NH được lợi”. Ông ví NH trong nền kinh tế giống như lá gan trong cơ thể người. Gan bị viêm xơ, cơ thể phải chịu. Và “thuốc đặc trị” phải là sự minh bạch và công tâm.
Cũng đặt câu hỏi vào NH, đại biểu Bùi Văn Phương (Nam Định) cho rằng: Lãi suất vay đã hạ liên tục nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn âm. Doanh nghiệp (DN) không phải không muốn vay hay muốn mà không vay được. Việc DN không vay được tiền đang đặt ra vấn đề NH hoặc rất đang bất ổn hoặc chấp hành không nghiêm chỉ đạo của Chính phủ. “NH cần phải giải trình”- ông Phương đề nghị.
“Con gà công nghiệp”
Có thể nói những sai phạm và sự thiếu hiệu quả của các “quả đấm thép” (tập đoàn, tổng công ty Nhà nước) là vấn đề gây nhiều bức xúc nhất trên diễn đàn Quốc hội hôm qua.
Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) nhấn mạnh đến nguồn vốn dành cho các “quả đấm” này, hơn 700.000 tỷ đồng, còn lớn hơn tổng thu ngân sách quốc gia, nhưng hiệu quả tạo ra là hoàn toàn không xứng.
“Quả đấm thép” đang tan chảy, phải chăng do Nhà nước quá cưng chiều, sẵn sàng bầu sữa mà không quan tâm đến những vấn đề của nó” - ông Tiến nói.
Nguyên Thống đốc Cao Sĩ Kiêm nhấn mạnh đến nút thắt đầu ra của sản phẩm cũng như việc phải chặn được đà phá sản của DN, trong khi việc xử lý giữa lạm phát và tăng trưởng phải đảm bảo cả trước mắt và lâu dài, cả vấn đề kinh tế và xã hội. Ông Kiêm đòi hỏi phải “sắp xếp” ngay những ngân hàng yếu kém, vì đây chính là nơi gây ra nợ xấu, gây ra điểm nghẽn của dòng vốn.
Ông cho rằng việc Nhà nước quá sẵn sàng mở ngân khố ném phao giải cứu khiến những “quả đấm” này thậm chí không muốn đổi mới để sẵn sàng làm “gà công nghiệp”. “Cần những Bao Công quả cảm” - ông Tiến đề nghị.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh “tóm tắt” 5 dạng sai phạm của các doanh nghiệp nhà nước: Sai thủ tục so với các quy định của Nhà nước; Vi phạm thẩm quyền; Sai đối tượng cho phép; Hạch toán không đúng nguồn; Trình độ quản lý doanh nghiệp còn nhiều yếu kém.
Riêng đối với Vinalines, Tổng Thanh tra cho rằng nổi lên 3 sai phạm chính, trong đó có căn bệnh “đầu tư dài hạn lớn, dàn trải, nóng vội với 82% bằng vốn vay; trong cơ cấu vốn, có tới 92% đầu tư dài hạn”. Rồi thì do khó khăn chung, do hiệu quả đầu tư, khai thác thấp, quản lý vận hành yếu kém, đầu tư chậm tiến độ…
Trong khi năm 2007, Vinalines còn đạt lợi nhuận 931 tỷ đồng thì đến 2010 chỉ còn 114 tỷ đồng và đến 2011 bắt đầu lỗ. Riêng vụ mua sắm ụ tàu, ngoài những sai phạm, hiện còn gây ra lãng phí 1,6 tỷ đồng/tháng dù chưa hề hoạt động”.
Anh Đào

Không có nhận xét nào: