Pages

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Philippines khốn đốn vì 'cuộc chiến chuối'





Lóa mắt trước thị trường mênh mông của Trung Quốc, Renante Flores Bangoy ngừng bán chuối cho các công ty đa quốc gia để đặt cược tương lai vào nước láng giềng.
Giờ đây, anh nông dân này đang vật lộn với đống chuối thối rữa. ách đây 3 năm, Renante Flores Bangoy, chủ một trang trại chuối nhỏ ở Philippines, đã thông qua một nhà xuất khẩu địa phương để bắt đầu vận chuyển toàn bộ số sản phẩm sang Trung Quốc phân phối. 
Thế nhưng, mảnh vườn nằm trên hòn đảo nhiệt đới Mindanao của anh giờ đây la liệt chuối thối rữa. Hai tháng nay, kể từ khi một con tàu chiến "già nua" của Philippines đụng độ với tàu Trung Quốc gần một bãi cạn trên Biển Đông, Bangoy đã không thể bán được quả chuối nào sang Trung Quốc nữa.
Anh là một trong số những nạn nhân của lệnh cấm nhập khẩu chuối từ Philippines mà giới chức Trung Quốc bất ngờ áp dụng, với lý do liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, Bangoy cũng như những nông dân khác đều tin rằng đây là cách mà Trung Quốc trừng phạt Philippines do vụ đụng độ ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. 
"Họ đã ngừng nhập chuối", anh nói. "Đúng là thảm họa". 
Scarborough/Hoàng Nham, một cụm san hô và đá ngầm, nằm cách bờ biển phía bắc đảo Luzon của Philippines hơn 220 km và cách lãnh thổ Trung Quốc hơn 800 km.
Philippines khẳng định bãi cạn nằm gọn trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của nước này, theo Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc kiên quyết cho rằng đây là một phần lãnh thổ của nước này, ít nhất là từ thế kỷ 13, và còn đưa ra các bản đồ cổ làm bằng chứng. 
Tranh chấp nảy sinh hồi đầu tháng 4 và đã có lúc tưởng chừng biến thành một cuộc xung đột vũ trang giữa cường quốc quân sự số một châu Á và quốc đảo nhỏ bé. Trung Quốc năm ngoái đã chi gần $ 130 tỷ USD cho các lực lượng vũ trang, gấp đến 58 lần so với ngân sách quốc phòng của Philippines, theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm. Con tàu mà hải quân Manila dùng để chặn thuyền ngư dân Trung Quốc có tuổi đời 45 năm, từng phục vụ lực lượng Tuần duyên Mỹ. 
Vũ khí mạnh nhất mà Manila có trong tay là hiệp ước phòng thủ song phương ký năm 1951 với Washington. Nhờ đó, người Philippines tin rằng họ luôn có hải quân mạnh nhất thế giới "kề vai sát cánh".
Chính sách của Mỹ là không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông và cũng khá mơ hồ về những hành động sẽ áp dụng nếu xảy ra xung đột. Tổng thống Philippines Benigno Aquino vừa phải có chuyến thăm Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhà Trắng để xác định rõ ràng những dự định của Mỹ.

Công cụ ngoại giao
Dù dồi dào về nguồn hải sản và từ lâu đã được ngư dân Trung Quốc và Philippines dùng làm nơi trú chân, bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham thực tế không có giá trị kinh tế hay chiến lược gì lớn.
Tuy nhiên, nó vẫn đóng một vai trò quan trọng đối với hai quốc gia trong vấn đề chủ quyền, giúp phân định quyền khai thác kho tài nguyên dầu khí ở những vùng nước có tranh cãi trên Biển Đông. 

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines gần đây đã dịu xuống khi hai bên hạn chế những phát ngôn cứng rắn và giảm lượng tàu thuyền neo đậu quanh bãi cạn. Tuy nhiên, ở cách đó hơn 1.000 km, nông dân Philippines đang khốn đốn vì thiệt hại kinh tế. Chuối là sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu lớn thứ hai của Philippines. 
Ông Stephen Antig, giám đốc Hiệp hội Trồng và Xuất khẩu Chuối Philippines, có trụ sở ở thành phố Davao, đảo Mindanao, trung tâm kinh doanh chuối của nước này, ước tính khoảng 200.000 người trong khu vực sẽ mất kế sinh nhai nếu Trung Quốc tiếp tục ngừng nhập khẩu chuối. Ông đã dự định sang Trung Quốc sớm để thương lượng với khách hàng nhưng thay vào đó, ông sẽ đi Iran và một số nước Arab để tìm kiếm thị trường thay thế. 
Trong khi đó, ngành công nghiệp du lịch cũng bị ảnh hưởng khi những hợp đồng đặt tour từ Trung Quốc bất ngờ bị hủy bỏ sau khuyến cáo du lịch mà Bắc Kinh đưa ra.
Tổng thống Aquino cuối tuần trước phát biểu rằng khuyến cáo này "rất vô căn cứ và mô tả Philippines như một nước bài Hoa". 
Trên thực tế Bắc Kinh từng lặng lẽ dùng trừng phạt thương mại với những nước mà Trung Quốc có tranh cãi. Một nghiên cứu năm 2010 của hai học giả thuộc đại học Gottingen ở Đức đã khẳng định mối tương quan trực tiếp giữa chính sách ngoại giao và dòng chảy thương mại của Trung Quốc. 
Anh nông dân Bangoy cho rằng rằng tình trạng chuối ế bắt nguồn từ tranh chấp ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Philippines "đã xuất khẩu chuối sang Trung Quốc hơn 10 năm nay mà không gặp vấn đề gì, vậy tại sao chuyện này bỗng dưng xảy ra?". 
Bangoy không thể bán sản phẩm của mình vì cả nhà xuất khẩu địa phương lẫn khách hàng Trung Quốc đều không muốn hàng của họ bị ứ đọng suốt nhiều tuần và sau đó bị thanh tra hải quan từ chối. Anh đã đóng cửa các cơ sở đóng gói hàng và chỉ biết cầu nguyện cho cơn giông tố này qua đi thật nhanh. Các công nhân của anh vẫn thu hoạch chuối nhưng chỉ vì lý do nếu không làm thế, chuối trên cây sẽ thối rữa và sinh bệnh.
"Tất cả những thứ này đều vô nghĩa", anh nói, chỉ vào đống trái cây mục rữa rải rác trong trang trại. "Chúng tôi phải tìm cách khác thôi, nếu không cả ngành công nghiệp này sẽ chết".
Trước cuộc khủng hoảng, Trung Quốc nhập một phần tư lượng chuối xuất khẩu từ Philippines. Con số này ít hơn so với lượng hàng nhập sang Nhật Bản, nhưng Trung Quốc vẫn thu hút được người trồng chuối Philippines bởi thị trường này đang tiếp tục mở rộng.
Kim ngạch nhập khẩu chuối từ Philippines của Trung Quốc đã tăng 27% vào năm ngoái và dự kiến tăng 40% trong năm nay. 
Thế nhưng hôm nay, khi các container đông lạnh của Trung Quốc đang chất đống ở cảng Davao, thành phố này đã "bị ngập lụt bởi chuối", thị trưởng Sara Duterte nói.
Các thương nhân gửi tặng vô số thùng chuối, khiến tòa thị chính thành phố phải thiết lập một mạng lưới phân phối chuối miễn phí đến các trường học, các trại trẻ mồ côi và cơ quan chính phủ. 
Chính phủ Philippines, với mong muốn chấm dứt cuộc đối đầu mà họ ít có cơ thắng với Trung Quốc, đã không công khai phản đối lý do y tế mà Trung Quốc đưa ra cho việc dừng nhập chuối. Tổng thống Aquino phát biểu ông tin rằng "có cơ sở nhất định" dẫn đến hành động của Trung Quốc một phần nào đó là do quan ngại về vấn đề vệ sinh thực phẩm. Khi được hỏi về cách tiếp cận của Trung Quốc đối với tranh cãi với Philippines, Aquino nói: "Chúng tôi vẫn đang phân tích, thật vậy, để xem mục đích của họ là gì. Có những người rất dân tộc chủ nghĩa, cũng có những người rất cởi mở hướng ngoại". 
Họ biết phải đánh vào đâu"
Thực tế là từ hồi tháng 3, Trung Quốc từng gửi cảnh báo đầu tiên đến Philippines về tình trạng của chuối. Một vài tuần sau đó thì tranh chấp trên Biển Đông nổ ra. Tuy nhiên, cảnh báo hồi đó chỉ nhằm vào lượng trái cây nhất định do một tập đoàn Nhật Bản hoạt động ở Mindanao sản xuất và không dẫn đến lệnh cấm nhập khẩu. 
Đến đầu tháng 5, sau khi tàu thuyền hai bên va chạm, Tổng cục Giám sát Chất lượng, Thanh tra và Kiểm dịch của Trung Quốc lại cảnh báo về vấn đề an toàn của chuối và nói trong một bức thư gửi Bộ Nông nghiệp Philippines rằng họ đã phát hiện 104 loại "sinh vật gây hại" trong chuối và các loại trái cây khác từ Philippines. 
Ông Antig cho rằng "các quan chức Trung Quốc đã lên mạng Internet và tìm ra một danh sách tất cả các loại bệnh của chuối". Lý do thực đằng sau "sự cảnh giác" đột ngột của Bắc Kinh không phải là an toàn thực phẩm mà là bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. 
"Họ biết phải đánh vào đâu", ông nói.
Chuối là trụ cột của nền kinh tế ở khu vực quanh Davao, nơi từng lâm vào hỗn loạn khi các phiến quân của Quân đội Nhân dân Mới (NPA) đặt chân vào những ngôi làng nghèo và gây bất ổn.
Anh Bangoy, người trồng chuối ở Panabo, quận phía bắc Davao, nói rằng các làng xung quanh trang trại của mình từng bị phiến quân NPA quấy nhiễu nhưng nhờ có sự tăng trưởng kinh tế dựa vào trồng chuối, bất ổn đã dần lui. 
"Họ sẽ trở lại nếu lệnh giới hạn nhập khẩu của Trung Quốc còn hiệu lực và đẩy người trồng chuối vào phá sản", ông nói. 
Chính quyền địa phương ở Panabo đang ngập lụt trong những yêu cầu hỗ trợ từ những công nhân trang trại bị sa thải, sau khi con đường xuất khẩu sang Trung Quốc tê liệt.
"Người lao động đang than thở về thu nhập và tất cả đều yêu cầu chúng tôi giúp đỡ", một quan chức cho biết. hị trưởng Duterte cho hay trước đây, Scarborough/Hoàng Nham "không có ý nghĩa gì quan trọng" đối với những người dân địa phương.
Bà thậm chí chưa bao giờ nghe nói đến bãi cạn này cho đến khi xảy ra những tranh chấp gần đây khiến cái tên bãi cạn lên trang nhất các báo. 

Bà thị trưởng vẫn nghĩ rằng về lâu dài, Philippines cũng được lợi từ sự lớn mạnh kinh tế của Trung Quốc, vì thế đã ghi danh cho cô con gái mới 4 tuổi vào học trường tiếng Trung ở Mindanao. Không thể bỏ qua Trung Quốc được", bà nói. "Đó là một thị trường rất lớn". 
Tuy thế, nỗi lo lắng của bà giờ đây cũng rất lớn: "Họ biết sức mạnh của họ và biết cách sử dụng nó". 
Anh Ngọc ,
theo WashingtonPostnews

Không có nhận xét nào: