Pages

Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

Đối thoại Quốc phòng Shangri-La 11: Sự tái cân bằng của Mỹ



Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 11.

Hội nghị Cấp cao An ninh Châu Á lần thứ 11 (hay còn gọi là Đối thoại Quốc phòng Shangri-La 11) vừa diễn ra tại Singapore đầu tháng 6 này, đã đề cập đến hàng loạt vấn đề nóng của khu vực như sự can dự của các cường quốc, an ninh biển...

Báo TG&VN xin trích đăng phần hỏi/đáp của các nhà làm chính sách cũng như các học giả quốc tế với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tại Đối thoại Shangri-La lần này về việc Mỹ sẽ tái cân bằng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương như thế nào.
* Phóng viên Financial Times Demetri Sevastopulo: Thưa Bộ trưởng Panetta, trong 3 năm qua, Mỹ đã tỏ rõ là cường quốc Thái Bình Dương thông qua hàng loạt sự kiện ở Biển Đông mà phần nhiều liên quan tới Trung Quốc và các nước láng giềng. Ông nói rằng Mỹ không đứng về phía nào trong các tranh chấp lãnh thổ, trừ phi Mỹ thể hiện lập trường mạnh mẽ hơn trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, nếu không Mỹ có nguy cơ bị xem là cường quốc “bất lực” khi phải cố chứng minh mình là một cường quốc mạnh hơn?



- Bộ trưởng Panetta: 
Tôi nghĩ điều quan trọng để có thể giải quyết các tranh chấp lãnh thổ mà chúng ta đang thấy ở bãi cạn Scarborough và cả những nơi khác mà chúng ta đã thấy, đó là xây dựng bộ quy tắc ứng xử tiêu chuẩn mà các nước ASEAN đang thực hiện và chúng tôi có thể hỗ trợ trong việc xây dựng bộ quy tắc đó.
Để xây dựng bộ quy tắc ứng xử như mong muốn của các bên, điều quan trọng là các nước ASEAN cần phát triển một diễn đàn tranh luận mà qua đó có thể cho phép giải quyết các tranh chấp này. Sẽ là chưa đủ nếu chỉ đơn giản xây dựng một bộ quy tắc ứng xử không thôi. Các nước phải dự phòng khả năng đàm phán và giải quyết các tranh chấp tại khu vực này. Và đó là điều mà Mỹ đang khuyến khích.
Rõ ràng, cứ mỗi lần sự kiện này diễn ra, chúng ta gần như lại có một cuộc đối đầu, và điều đó nguy hiểm đối với tất cả các nước trong khu vực này.
Một lần nữa, điều cốt lõi trong vấn đề này là cả Trung Quốc và các nước ASEAN cần phải tuân theo các quy tắc và trật tự quốc tế, nhưng điều quan trọng hơn là phải phát triển một bộ quy tắc ứng xử mà có thể giúp giải quyết những bất đồng này. Đó là cách hữu hiệu duy nhất để giải quyết chuyện này. Nếu chỉ Mỹ đến và giải quyết những vấn đề này thì chưa đủ. Đây là vấn đề mà các nước trong khu vực phải ngồi lại với nhau. Chúng tôi sẽ hỗ trợ họ, nhưng cuối cùng thì họ phải xây dựng một bộ quy tắc ứng xử và một diễn đàn tranh luận để có thể giải quyết triệt để những vấn đề này. Đó là phương pháp giải quyết hiệu quả nhất những loại xung đột như thế.
* Học giả Pháp Francois Heisbourg: Cảm ơn Bộ trưởng đã trình bày khá rõ ràng và chính xác về cách tiếp cận chiến lược mới của Mỹ. Tuy nhiên, về mặt tài chính, đến cuối năm nay, nếu không có thay đổi trong quyết định của Quốc hội Mỹ, chiến lược mới của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng bởi cái gọi là "luật tạm thời về cắt giảm ngân sách", có nghĩa là ngân sách dành cho quốc phòng sẽ bị cắt giảm 500 tỷ USD vào cuối thập kỷ này. Thứ hai, tình trạng kinh tế ở Mỹ cũng như ở các nước châu Âu thực sự không phù hợp với mức độ chi tiêu như trong chiến lược mới của Mỹ. Và cuối cùng là nền tảng chính trị, liệu ông có tin rằng trong bối cảnh tài chính, kinh tế và chính trị như thế, chiến lược mới này sẽ trở thành chiến lược vững chắc mới của hai đảng ở Mỹ, hay chỉ đơn thuần là kế hoạch của Chính quyền Obama?
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta.

- Bộ trưởng Panetta:
 Trước hết, cần hiểu rằng Quốc hội Mỹ đi bước đầu tiên nhằm cố gắng giải quyết vấn đề nợ, nên đã đưa ra Đạo luật Kiểm soát Ngân sách. Và một phần của Đạo luật này có liên quan đến quốc phòng, đòi hỏi cắt giảm 487 tỷ USD ngân sách quốc phòng trong 10 năm tới.
Với kinh nghiệm từng là Giám đốc Cục Quản lý Hành chính-Ngân sách Mỹ và Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện, tôi rất hiểu vấn đề ngân sách. Vì thế, chúng tôi đã phát triển một chiến lược quốc phòng thực hiện tiết kiệm trong 10 năm tới, nhưng vẫn duy trì được sức mạnh quân sự trên thế giới. Chiến lược mới được đưa ra sau khi đã tính đến giảm chi tiêu quốc phòng, nên có thể hoàn thành các mục tiêu đề ra. Vì vậy, chúng tôi không phải lựa chọn giữa an ninh quốc gia hay an ninh tài chính…
Thứ nhất, kế hoạch mà chúng tôi đề ra, chiến lược mà chúng tôi xây dựng và ngân sách mà chúng tôi phác thảo sẽ thực thi những cắt giảm này trong một giai đoạn, nhưng thực hiện nó theo cách có trách nhiệm bảo vệ vị thế quốc phòng của chúng tôi trong tương lai. Và Quốc hội biết điều đó.
Thứ hai, liên quan đến "luật tạm thời về cắt giảm ngân sách", đây không phải là một cuộc khủng hoảng thực sự, mà là một cuộc khủng hoảng “nhân tạo”. Chính Quốc hội đã đưa ra luật tạm này như một thứ vũ khí để buộc họ phải đưa ra các quyết định liên quan đến việc giảm bớt thâm hụt ngân sách thêm nữa. Tuy nhiên, "luật tạm" lẽ ra phải có hiệu lực từ tháng 1/2012… Song tôi biết rằng không ai trong đảng Cộng hòa cũng như Dân chủ muốn nó có hiệu lực. Vì vậy, tôi tin rằng đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ sẽ tìm cách loại bỏ cuộc khủng hoảng nhân tạo mà họ đã đưa ra.
Trong suốt thời gian từng làm việc ở Quốc hội, tôi đã tham gia vào mọi tiến trình quyết định ngân sách từ thời Tổng thống Reagan cho đến thời Tổng thống Bush. Là Giám đốc Cục Quản lý Hành chính-Ngân sách Mỹ dưới thời Tổng thống Clinton, tôi đã đề xuất ngân sách, kế hoạch giảm thâm hụt mà Tổng thống Clinton đưa ra. Trong mỗi lần như thế, cả hai đảng đều biết tiến trình quyết định ngân sách quan trọng thế nào, nên họ xem xét mọi lĩnh vực chi tiêu, không chỉ riêng chi tiêu quốc phòng hay chi tiêu nội bộ, mà phải bảo đảm quyền lợi các bên, từ đó mới có thể cân bằng ngân sách.
* Học giả Bonnie Glaser: Bộ trưởng vừa nói về sự cần thiết của Mỹ trong việc giúp các nước trong khu vực này phát triển khả năng của họ và tăng cường an ninh cho riêng họ. Và ông cũng đã đề cập cụ thể về nỗ lực của Mỹ trong việc giúp Philippines tăng cường khả năng tự bảo vệ chính họ trong bài phát biểu của mình. Tuy nhiên, tôi nghĩ, ngay cả khi các bước này được hoan nghênh trong khu vực, thì tôi vẫn nghe thấy nhiều đồn đoán rằng điều đó có thể khuyến khích Philippines và cả các nước mà khả năng của họ đã được tăng cường, có thể liều lĩnh hơn và dễ dẫn tới nguy cơ đối đầu hơn. Vậy làm thế nào để Mỹ có thể cân bằng giữa khả năng ngăn chặn và đảm bảo chiến lược?

- Bộ trưởng Panetta:
 Trước hết, liên quan tới vấn đề của Philippines, tôi nghĩ, quan trọng là phải hiểu các nước đó - một sự tôn trọng thực sự đối với chủ quyền của các nước đòi hỏi chúng tôi phải làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ những nước này phát triển khả năng của mình và tự đảm bảo an ninh cho chính họ, nhưng đồng thời cũng khuyến khích họ tuân theo các quy tắc và chuẩn mực quốc tế mà tất cả các quốc gia phải tuân thủ. Vì vậy, sẽ là sai lầm khi nghĩ chỉ vì chúng tôi cải thiện khả năng của họ mà làm cho khu vực thêm rắc rối.
Việc vươn xa tới các nước châu Á-Thái Bình Dương, như tôi đã nhấn mạnh, có thể không chỉ liên quan đến vấn đề quân sự, mà còn cả vấn đề ngoại giao. Nó phải liên quan đến phát triển kinh tế và một số lĩnh vực khác để mở rộng quan hệ giữa các nước. Và nếu chúng ta có thể làm điều đó trong tập hợp các vấn đề lớn hơn, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ có cơ hội tốt hơn nhiều để có thể bảo đảm rằng tất cả các nước sẽ tìm cách giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, không xung đột.
Nguồn: Hoàng Minh/ U.S. Department of Defense/ TGVN

Không có nhận xét nào: