Pages

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

Nợ xấu lớn gấp 4 lần số liệu công bố?


(VnMedia) - Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là một trong ba mục tiêu quan trọng đề án tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ, là yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế. 

Tuy nhiên, việc không xác định được chính xác tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại là một trong những khó khăn, thách thức chính với lộ trình tái cấu trúc. 
Nợ xấu gấp 4 lần số liệu chính thức?
Hiện nay, các số liệu thống kê nợ xấu ngân hàng của các tổ chức và chuyên gia kinh tế rất khác nhau. Theo Ngân hàng Nhà nước, tỉ lệ nợ xấu vào cuối quý I/2012 đã tăng lên khoảng 3,6% so với 3,2% hồi đầu năm 2012. Theo StoxPlus (2012), nợ xấu của nhóm ngân hàng được phân tích đạt mức trung bình 2,3%. 
Trong khi đó, hãng đánh giá tín dụng Fitch Ratings ước lượng nợ xấu của Việt Nam khoảng 13%. Chuyên gia kinh tế Hồ Bá Tình thì cho rằng nợ xấu của các ngân hàng có thể lên tới 7 – 8%, thậm chí trên 10%, tức khoảng 300.000 tỷ đồng. 

Sự chênh lệch lớn về số liệu nợ xấu là do tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro của Việt Nam không theo thông lệ quốc tế. Tình trạng sản xuất kinh doanh đình đốn, doanh nghiệp phá sản tăng mạnh, thị trường bất động sản và chứng khoán đi xuống là những lý do khiến các chuyên gia cho rằng con số nợ xấu của hệ thống ngân hàng cao hơn nhiều so với số liệu chính thức. 
Theo nhóm chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), con số nợ xấu của các ngân hàng ở mức từ 8,25% cho đến 14,01%, kể cả không bao gồm số nợ của Vinashin và các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khác. Như vậy, có thể hiểu là con số nợ thấp nhất nằm trong khoảng từ 8,25% đến 14,01%.
Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Quách Mạnh Hào cho biết, con số nợ xấu mà nhóm nghiên cứu này đưa ra là dựa trên hai lĩnh vực cho vay nóng nhất trong thời gian 2010 và 2011 là chứng khoán và bất động sản. Tỷ trọng dư nợ chứng khoán và bất động sản chiếm 10 – 12% tổng dư nợ hệ thống ngân hàng. 
Với tình hình thị trường chứng khoán và bất động sản giảm giá mạnh trong thời gian qua thì nhóm nghiên cứu đưa ra giả định là từ 50% đến 100% các khoản cho vay chứng khoán và bất động sản thuộc diện nợ xấu. Theo TS Quách Mạnh Hào, điều tra của nhóm chuyên gia cho thấy tất cả các khoản cho vay chứng khoán và bất động sản hiện thuộc diện đảo nợ hoặc khoanh nợ.
Từ giả định trên, cộng với số liệu 3,6% nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước công bố, TS Hào đã đưa ra tỷ lệ nợ xấu thấp nhất của ngân hàng có thể là từ 8,25% đến 14,01%. “Theo quan điểm của chúng tôi, con số này là hợp lý vì ước lượng dựa trên số liệu của 41 ngân hàng thương mại lớn ở Việt Nam. Tôi nhấn mạnh đây là con số ít nhất, vì đã loại trừ các khoản nợ của DNNN”, TS Hào nói thêm.   
Minh bạch thông tin để tái cấu trúc
Thực tế, cuối tháng 4 vừa qua dư luận cũng “choáng váng” khi lãnh đạo Habubank trong vụ sáp nhập với ngân hàng SHB bất ngờ công bố với cổ đông tỷ lệ nợ xấu ngân hàng này tính đến cuối tháng 2 lên tới 16,06%, theo chuẩn mực kế toán Việt Nam.
Tất nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn chung, tiêu dùng thắt chặt, doanh nghiệp làm ăn yếu kém, tình trạng nợ xấu và nợ xấu tăng lên là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải xác định rõ tình trạng thực sự của thị trường tài chính tín dụng để từ đó có “đơn thuốc” đúng bài đúng bệnh, đồng thời củng cố lòng tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng.
Trong Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2012, việc không xác định chính xác tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại chính là một trong những thách thức và khó khăn cho quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
Quá trình tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại đã bắt đầu được tiến hành theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015”. Có thể thấy Việt Nam đang có cách tiếp cận chủ động trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu một cách hiệu quả nhất trong điều kiện chưa có nguy cơ khủng hoảng hay suy thoái nghiêm trọng.
Để thực hiện thành công quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Việt Nam cần làm rõ các ẩn số liên quan đến mô hình/định dạng hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu, nguồn lực tài chính, vai trò của Công ty mua bán nợ (DATC) trong quá trình tái cơ cấu,mối liên hệ giữa tái cơ cấu hệ thống ngân hàng với tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu DNNN. 

Không có nhận xét nào: