Pages

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Nhà báo Trần Đình Bá: Muốn chống được tham nhũng, bản thân phải “liêm khiết”


(Tamnhin.net) – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố “Phòng chống tham nhũng của chúng ta hiện nay đã bắt được bệnh, đã có thuốc..” Nhưng quan trọng cho con bệnh uống thuốc như thế nào? liều lượng ra sao? Bởi vì nói đến căn bệnh tức là nói đến thuốc chữa, nói đến người điều trị. Riêng con bệnh “tham nhũng” thì không con bệnh nào muốn uống thuốc hoặc tự nguyện uống thuốc. Bởi nếu uống sẽ mất chức, nếu uống sẽ mất quyền. Bản thân, phải “liêm khiết” mới chống được tham nhũng… Nhà báo Trần Đình Bá nói về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, phòng chống tham nhũng và vai trò của nhà báo nhân dịp 21 tháng 6.

 
LTS: Ngày 21 tháng 6 hàng năm. Làng báo lại có dịp gặp gỡ, chiêm nghiệm về những bước đi của mình, của nghề. Trong công cuộc phòng chống tham nhũng giai đoạn hiện nay thì báo chí luôn là mặt trận nóng bỏng, hấp dẫn nhiều mối quan tâm. Mỗi Nhà báo là những người chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng luôn được bạn đọc trân trọng, tin yêu.
Nhân dịp ngày báo chí năm nay, PV tamnhin.net đã có cuộc trò chuyện với Nhà báo, Trung tá Trần Đình Bá (nguyên PV báo Quân đội Nhân dân). Ông được biết đến với nhiều thành công viết về chống tham nhũng, nhiều vụ việc được ông phanh phui khiến cơ quan điều tra vào cuộc khởi tố xét xử thành một vụ án lớn. Điển hình như vụ Năm Cam, Trần Mai Hạnh, Dự án đường cao tốc Láng- Hòa Lạc.
Với ông, luôn đặt cho mình trọng trách chống tham nhũng. Đó chính là nhiệm vụ, là đạo đức, là lương tâm của người làm báo. Hiện nay, dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn rất quan tâm đến Nghị quyết Trung ương 4- 5 của Đảng về phòng chống tham nhũng. Đó cũng là quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Nhà báo Trần Đình Bá từng viết kiến nghị về phòng chống tham nhũng gửi Quốc Hội. Kiến nghị ban hành Luật Trách nhiệm Hình sự  để mọi người phải chịu trách nhiệm hình sự với các việc làm của mình…
Buổi trò chuyện giữa PV tamnhin.net với nhà báo Trần Đình Bá diễn ra hơn một tiếng đồng hồ trong không khí thẳng thắn, đặc “chất lính” như khi ông ra trận. Ông không hề né tránh, thậm chí “chọc” đến cả những vấn đề gai góc phức tạp để mạnh dạn, xới xáo mạnh mẽ vấn đề một cách nghiêm túc trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật để mạn đàm về phương pháp chống tham nhũng và vai trò của mỗi nhà báo trong cuộc chống tham nhũng ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.
Chống tham nhũng phải có trọng tâm, trọng điểm
PV: Thưa ông Trần Đình Bá, theo tôi được biết, ông là một người đã tham gia vào việc chống tiêu cực tham nhũng rất sớm. Vậy Sau Nghị quyết Trung ương 4 và NQ TW 5 vừa rồi,  ông đánh giá thế nào về phòng chống tham nhũng?
Nhà báo Trần Đình Bá:  Tệ nạn tham nhũng ở đâu cũng có cả, Việt Nam theo đánh giá của thế giới thì chưa phải là nước tham nhũng nhất. Theo tôi, đánh giá như vậy là chưa chính xác. Tham nhũng ở Việt Nam hiện nay có thể nói thế này:
Thứ nhất: Một con người khi bắt đầu sinh ra thì đã đụng đến tham nhũng. Từ việc người mẹ khi sinh con nếu không có tiền thì việc mẹ tròn con vuông hơi khó. Đấy là con người mới chào đời đã đụng đến tham nhũng. Rồi đến khi 5-3 tháng tuổi vào nhà trẻ, đi học mẫu giáo mầm non hối lộ mới được vào trường tử tế. Khi vào lớp 1, rồi đến học xong đại học, tốt nghiệp ra trường muốn có công ăn việc làm cũng phải tiền. Sau đó, công việc muốn được phát triển thì cũng phải tiền, rồi khi già vào viện cũng phải tiền mới được chữa bệnh tử tế.. đó là vấn đề tham nhũng!
Thứ hai: Chống tham nhũng, phòng chống tham nhũng của ta có Luật. Nghị quyết Trung ương 4 đã nói rõ tệ nạn tham nhũng hiện nay cực kỳ nguy hiểm. Nếu không chống được tham nhũng thì sự tồn vong của Đảng, đất nước là có vấn đề, bị uy hiếp và đe dọa.
Như vậy, Nghị quyết Trung ương 4 đã xác định. Sau đấy, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu trước toàn dân thể hiện sự quyết tâm của Đảng là kiên quyết chống tham nhũng. Nhất là Nghị quyết Trung ương 5 vừa qua, đưa ban Phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp làm trưởng ban, đồng thời thành lập lại ban Nội chính Trung ương. Tôi nghĩ đó thực sự là một quyết tâm rất lớn của Đảng
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng tuyên bố, phòng chống tham nhũng của chúng ta hiện nay đã bắt đựơc bệnh, đã có thuốc..  Tôi nghĩ Tổng bí thư nói hoàn toàn đúng Nhưng quan trọng cho con bệnh uống thuốc như thế nào? liều lượng ra sao? Bởi vì nói đến căn bệnh tức là nói đến thuốc, nói đến người điều trị . Mà thông thường nếu con bệnh nào uống thuốc mà khỏi bệnh thì rất khỏe, riêng con bệnh “tham nhũng” thì không con bệnh nào muốn uống thuốc hoặc tự nguyện uống thuốc. Bởi nếu uống sẽ mất chức, nếu uống sẽ mất quyền. Cho nên, căn bệnh tham nhũng thì hoàn toàn khác, khi bắt được bệnh thì phải có thuốc, phải bắt uống để chữa. Bộ Chính trị Quyết định đưa Cơ quan phòng chống tham nhũng thuộc bộ Chính trị trực tiếp Tổng bí thư làm trưởng ban là rất tốt, nhưng có một điều tôi băn khoăn, đất nước chúng ta bất cứ một việc gì cũng do đảng lãnh đạo chỉ đạo, vậy thì nếu chúng ta cứ hy vọng đấy là một liều thuốc tốt để phòng chống tham nhũng thành công theo tôi, có lẽ chưa đúng
PV: Có nghĩa là ngoài bắt được bệnh thì  cần phải có thuốc để trị, rồi cách điều trị như thế nào lại cần có thời gian để chữa. Thậm trí  là chữa lâu dài?
Nhà báo Trần Đình Bá: Đúng. Có thuốc chữa bệnh nhưng cần phải có thời gian để chữa lâu dài bởi lẽ: Căn bệnh tham nhũng khác với căn bệnh thông thường. Những “con bệnh” tham nhũng thì không bao giờ chịu uống thuốc cả!
Tôi nghĩ, việc Bộ Chính trị thành lập lại ban Nội chính Trung ương là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhưng ngoài ra nên có những chủ trương quyết định khác Ví dụ:
Thanh tra Chính phủ phải trở về Thanh tra nhà nước, phải hoạt động độc lập như Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao. Lâu nay, Thanh tra trực thuộc Chính phủ và dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng. Nếu muốn thanh tra gì phải có sự đồng ý của Thủ tướng. Tôi từng được đọc một số Kết luận Thanh tra đượcThủ tướng phê chuẩn nhưng không thực hiện. Trong phòng chống tham nhũng thì cực kỳ quan trọng,  Ví dụ : Kết luận thanh tra việc A, việc B, việc C ở cơ quan kia thì phải chuyển cho cơ quan điều tra nhưng lại không được chuyển.
Hay một ví dụ nữa: Kết luận của Thanh tra Chính phủ về Tổng công ty Vinaconex  Khu đô thị Trung hòa- Nhân chính có rất nhiều sai phạm. Qua kết luận, có một số nội dung quan trọng có dấu hiệu tham nhũng yêu cầu chuyển cho cơ quan điều tra nhưng lại không được chuyển.
Một vấn đề quan trọng nữa, những con người mới trong ban Nội chính sắp tới theo tôi phải chọn những con người có phẩm chất, trình độ, năng lực chưa dính vào tham nhũng và sẽ không “ bị” dính vào tham nhũng
PV: Nhưng quan trọng là làm thế nào để biết họ sẽ..  không dính tham nhũng?
Nhà báo Trần Đình Bá: Không khó, thậm trí là rất dễ. Theo tôi, ban Nội chính sắp tới nên trưng dụng một số đồng chí cán bộ ngành Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án đã nghỉ hưu. Nhiều Cán bộ có tâm huyết và năng lực như: Trung tướng Nguyễn Việt Thành (người trực tiếp làm vụ án Năm Cam) hay còn rất nhiều người khác..
Vấn đề nữa để phòng chống tham nhũng có hiệu quả như NQ Trung ương 4-5 thì Đảng nên xác định một số trọng tâm, trọng điểm. Từ trước đến nay, Việt Nam chúng ta mới chỉ có khái niệm cụ thể về tham nhũng như: Đất đai, mua bán tập thể, nhập khẩu hàng hóa…  trong hàng vạn hình thức tham nhũng nhưng mới chỉ là tham nhũng hữu hình. Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có khái niệm về tham nhũng “vô hình”. Theo tôi, nên có khái niệm mới về loại tham nhũng này. Bởi loại tham nhũng này cực kỳ nguy hiểm!
PV: Ông có thể nói rõ hơn, cụ thể hơn về 2 loại tham nhũng này được không?
Nhà báo Trần Đình Bá: Loại tham nhũng vô hình xuất phát từ chủ trương, chính sách, nghị quyết, nghị định của các cấp có thẩm quyền, Ví dụ: Về chủ trương thu hồi đất, đổi đất lấy cơ sở hạ tầng. Điều này thì ở Tỉnh nào, Thành phố nào cũng có.
Báo chí từng nêu rất cụ thể 2 Dự án ở Hải Dương của tập đoàn Nam Cường (cách đây mười mấy năm) mới là cơ sở hạ tầng mà khiến nhà nước mất 7 ngàn tỷ. Hay một ví dụ khác: Dự án đường Láng- Hòa lạc mở rộng, trong đó việc cấp đất của Vinaconex với diện tích 260 ha, sau đó được rao quảng cáo bán nền biệt thực. Nếu giá bán 2200 đôla/m2 thì số một nửa diện tích đất này cũng lên tới 56.800 tỷ đồng.. . Như vậy mới một dự án chưa đầy 30 cây số khi nhà nước đã mất một số tiền khổng lồ như vậy ai phải chịu trách nhiệm tới 60 ngàn tỷ
Hay như việc chúng ta thành lập được 12 tập đoàn,  hiện 12 tập đoàn này đang nợ 415 ngàn tỷ đồng. Câu hỏi ở đây, chúng ta nên xem lại chủ trương thành lập tập đoàn và quyết định đưa tiền cho họ đúng hay là sai?. Trong bộ Luật hình sự có tội danh “thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, vậy việc này có xử được không? Tôi nghĩ là không xử được.
Thêm một ý mà tôi muốn nói ở đây, chống tham nhũng phải có trọng tâm, trọng điểm. Nếu chúng ta thực hiện việc kê khai tài sản từ cán bộ cấp xã trở lên được công khai trên mạng. Việc “ông” có kê khai đúng hay sai thì dân là người biết rõ nhất họ có bao nhiêu đất, bao nhiêu nhà.
PV: Nhưng người dân nếu biết chính xác là họ khai sai thì sẽ báo lên cơ quan cấp nào?
Nhà báo Trần Đình Bá: Trước mắt yêu cầu anh công khai đã. Sau khi anh công khai mà không đúng gây xôn xao dư luận về anh này còn có đất chỗ này chỗ khác thì Bna phòng chống tham nhũng yêu cầu anh ta phải làm bản kiểm điểm. Nếu anh cam đoan không có mà sau này phát hiện có thì phải bị xử lý
Chúng ta cũng phải khẳng định rằng, tham nhũng đất đai là tham nhũng lớn nhất, nghiêm trọng nhất, nhiều người có vài ba miếng đất, vài ba cái nhà mà chủ yếu nhờ đứng giấu tên..
Theo tôi, việc thành lập ban phòng chống tham nhũng thuộc bộ Chính trị dưới sự điều hành trực tiếp của Tổng bí thư nếu không có giải pháp kiên quyết cụ thể thì rất khó có hiệu quả như mong muốn
Tham nhũng hay..  không tham nhũng?
PV: Hỏi nhỏ ông, ông có biết đến vụ tham nhũng nào liên quan đến một “con người”  cụ thể hay nói đúng hơn, một “quan chức” tham nhũng hay không tham nhũng?
Nhà báo Trần Đình Bá: Cách đây rất lâu, lúc đó thời ông Phạm Thế Duyệt là Bí thư Thành ủy Hà Nội, còn ông Hoàng Văn Nghiên là Chủ tịch UBND thành phố. Tôi  nghe tin ông Nghiên đưa Chủ tịch Tập đoàn DaeWoo đến nhà riêng Tổng bí thư Đỗ Mười tặng 1 triệu đô tiền mặt, tặng ông Phạm Thế Duyệt 1 triệu đô. Một thời gian sau, tôi có hỏi trực tiếp ông Duyệt (khi ông Duyệt lên Thường bộ Chính trị) về thông tin đó là có thật hay không. Ông Duyệt không trả lời mà chỉ nói rằng: cái gì Nhà báo cũng biết. Ông chỉ trả lời vụ 1 triệu đô của ông, ông trả lời Chủ tịch DaeWoo: Tôi rất cám ơn nhưng tôi không có lý do gì để nhận của các ngài. Nếu các ngài có tình cảm với Hà Nội thì chợ Đồng Xuân vừa cháy các ngài nên ủng hộ để xây dựng lại.
Sau này tập đoàn DaeWoo đã ủng hộ Hà Nội  một triệu USD góp phần xây dựng lại chợ Đồng Xuân
Về một triệu USD họ tặng Tổng Bí thư Đỗ Mười, sau này như báo chí đã công khai về 1 triệu đô này được ông Mười tặng lại cho 1 trường Đại học.
PV: Ngoài trường hợp công khai rồi thì còn trường hợp nào mà không công khai mà ông được biết?
Nhà báo Trần Đình Bá: Cách đây mấy Tết tôi nhận được một nguồn tin có một “đại gia” đến nhà một “vị lớn’ tặng một đầu tê giác châu phi ướp lạnh loại 2 sừng. Một chiếc sừng nặng gần 7kg, một sừng nặng gần 2kg cũng vị ấy đến nhà ông Trương Tấn Sang tặng một cặp ngà voi. Tôi có hỏi trực tiếp ông Sang việc này có hay không thì ông Sang bảo tôi: Dịp ấy tôi đang ở Hà Nội, thằng con gọi điện bảo tôi có chú… đến tặng nhà mình cặp ngà voi. Tôi nói với thằng con là con nói với chú ấy là Ba con cảm ơn chú, nhà mình còn bé không có chỗ bầy nên chú cứ mang về.
Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang hiện nay vẫn ở nhà chung cư liền kề với dân có mặt tiền hơn 4m, chiều sâu khoảng 17-18 m, 1 trệt 2 tầng lầu. Tôi được biết, trước đây hồi còn làm Chủ tịch TP Hồ Chí Minh nhiều lần được cấp nhà nhưng ông cũng không nhận. Có thể nói rằng, các nhà lãnh đạo chúng ta có những người cực kỳ trong sáng, liêm khiết. Theo tôi thì chỉ có những người liêm khiết mới chống được tham nhũng.
Còn tiếp
Thu Hương (thực hiện)

Không có nhận xét nào: