Pages

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Ngân hàng Nhà nước đồng loạt công bố dữ liệu tài chính “quý hiếm”


Lần đầu tiên trong lịch sử, Ngân hàng Nhà nước công bố công khai một cách có hệ thống các thông tin về hoạt động tín dụng theo Thông tư 35/2011.
Theo đó, tổng tín dụng tính đến 30/4/2012 là 2.617.320 tỷ đồng, giảm 0,59% so với cuối năm 2011. Trong đó, tín dụng cho công nghiệp chế biến, chế tạo có tăng trưởng 5,19% lên 607.846 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng dư nợ toàn hệ thống.
Tổng huy động từ dân cư có mức tăng mạnh 11,78% trong 4 tháng, lên  1.449.453 tỷ đồng trong khi tiền gửi của doanh nghiệp lại giảm 5,6% xuống 1.084.405 tỷ đồng.

Tính tổng, huy động từ dân cư và doanh nghiệp tăng 88 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,6% lên 2.533.858 tỷ đồng.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư – Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI Research), tiền gửi doanh nghiệp giảm có thể giải thích bằng hai nguyên nhân. Thứ nhất, các doanh nghiệp rất thiếu vốn nên đã tích trữ tiền để cho vay lẫn nhau mà không qua hệ thống ngân hàng. Thứ hai, kinh tế khó khăn khiến lợi nhuận và dòng tiền của doanh nghiệp giảm làm lượng tiền gửi ngân hàng cũng giảm.
Trong khi đó, tổng phương tiện thanh toán đến cuối tháng 4 là 3.035.790 tỷ đồng, tăng 3,14% (92 nghìn tỷ đồng), thấp hơn mức tăng của huy động.
Theo nhận định của SSI Research, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và huy động có thể giải thích được bằng việc Ngân hàng Nhà nước đã bơm khoảng 180 nghìn tỷ đồng ra thị trường để mua USD. Nếu trừ đi lượng tiền hút về qua OMO và tín phiếu Ngân hàng Nhà nước (120-140 nghìn tỷ đồng) thì lượng tiền chưa hút về vẫn còn 40-60 nghìn tỷ đồng.
Tỷ lệ tín dụng/huy động toàn hệ thống đến 30/4 là 86%, tương đối cao so với tỷ lệ 80% theo Thông tư 13. Điều đáng nói là tỷ lệ này ở khối ngân hàng thương mại Nhà nước là 107,8% trong khi ở khối ngân hàng thương mại cổ phần chỉ là 77,6%.
Như vậy, khối ngân hàng thương mại Nhà nước có vẻ đang hoạt động “thiếu an toàn” hơn so với khối ngân hàng thương mại cổ phần. Điều này cũng thể hiện ở tỷ lệ an toàn vốn của khối ngân hàng thương mại Nhà nước là 10,8% trong khi của khối ngân hàng thương mại cổ phần là 14,2%.
Trong các khối ngân hàng, khối ngân hàng liên doanh và nước ngoài có tỷ lệ an toàn vốn cao nhất 32,54%, còn tỷ lệ an toàn vốn tính chung của hệ thống là 14,55% (cao hơn khá nhiều mức an toàn 9% quy định tại Thông tư 13).
Nhờ có các đợt tăng vốn do phát hành cho cổ đông nước ngoài và trong nước mà vốn tự có của khối ngân hàng thương mại Nhà nước tăng 12,5% trong 4 tháng, cao hơn mức 5,55% của ngân hàng thương mại cổ phần. Dù vốn tăng nhanh nhưng tỷ lệ sinh lời ROA và ROE của ngân hàng thương mại Nhà nước vẫn cao, 0,43% và 4,87%, gần gấp đôi so với ROA và ROE của khối ngân hàng thương mại cổ phần (0,23% và 2,51%).
Tổng tài sản toàn hệ thống cuối tháng 4 giảm 1,83% xuống còn 4.868.649 tỷ đồng. Mức giảm diễn ra ở cả ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần, nhưng mức giảm của ngân hàng thương mại Nhà nước thấp hơn (-1,74%) so với mức giảm 2,3% của ngân hàng thương mại cổ phần.

Top 9 ngành kinh tế có dư nợ tín dụng cao nhất tính đến ngày 30/4/2012:
 
DUY CƯỜNG

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.

——————
(Toquoc)-Chỉ có gần 50% các tổ chức tín dụng có lợi nhuận và con số này đã giảm so với năm 2010. Đây là số liệu được đánh giá bởi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước thông qua thu thập báo cáo lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng thương mại.
Theo đó, tính đến hết năm 2011, lợi nhuận sau thuế năm 2011 của toàn hệ thống ngân hàng tăng 15,1% so với năm 2010, thấp hơn tốc độ tăng lợi nhuận của các năm trước. Có gần 50% các ngân hàng có lợi nhuận (giảm so với năm 2010) và còn hơn 10% số lượng các ngân hàng hoạt động kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến thua lỗ.
Về tốc độ tăng thu nhập năm 2011 của các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước đánh giá: mức lợi nhuận của ngành Ngân hàng Việt Nam chỉ ở mức trung bình và thấp hơn năm trước.
“Lợi nhuận của năm 2011 tăng 15,1% so với năm 2010, trong khi tốc độ tăng vốn chủ sở hữu 22,85% và tốc độ tăng quy mô tài sản có 18,55%”, báo cáo nêu rõ.
Ngoài ra, hai chỉ số quan trọng nhất phản ánh hiệu quả kinh doanh và tỷ suất sinh lời của các nhà băng là chỉ số lợi nhuận so với tổng tài sản (ROA) và lợi nhuận so với vốn chủ sở hữu (ROE) của năm 2011 đang ở mức lần lượt là:1,09% và 11,86% thấp hơn  1,29% và 14,56% của năm 2010.
Điểm đáng lưu ý về lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2011 là sự chênh lệch khá lớn giữa một số ngân hàng. Theo Ngân hàng Nhà nước, lợi nhuận của cả hệ thống tăng chủ yếu do sự tăng trưởng của một số ngân hàng có quy mô lớn, có năng lực điều hành và quản trị rủi ro tốt.
Còn nhiều ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ, quản trị điều hành yếu kém, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường nên thường phải huy động với lãi suất cao cộng với nợ xấu gia tăng mạnh nên đã có kết quả kinh doanh rất thấp, thậm chí lỗ lớn trong năm qua.
Do đó, số liệu lợi nhuận của các ngân hàng báo cáo tại thời điểm 31/12/2011 chưa phản ánh đầy đủ các chi phí hoạt động. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng đã liên tục tăng lên, đặc biệt vào các tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012.
“Điều này thể hiện rõ qua kết quả kinh doanh của hệ thống các ngân hàng những tháng đầu năm 2012 có xu hướng giảm sút, mức chênh lệch thu nhập-chi phí lũy kế đến 30/4/2012 của toàn hệ thống chỉ đạt ở mức rất thấp và giảm trên 50% so với cùng kỳ năm 2011. Riêng tháng 4, toàn hệ thống có chênh lệch thu chi âm”, cơ quan thanh tra cho biết.
Để tăng tính khách quan hơn trong việc công bố con số lợi nhuận ở mỗi ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tới đây sẽ sửa đổi các bất cập trong quy định phân loại nợ, trích lập dự phòng, xử lý rủi ro nhằm đánh giá đúng hơn về lợi nhuận của các ngân hàng./.
Việt Nam xếp thứ 22 thế giới về độ nóng nền kinh tế
Trong báo cáo triển vọng bán niên của World Bank, Việt Nam xếp thứ 22/29 nước được dự đoán tốc độ phát triển cao nhất 2 năm tới.
Thị trường thực phẩm chế biến giảm sút
Riêng tại Vissan, mặt hàng thịt heo chỉ tiêu thụ được 10.450 tấn (giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái); thịt trâu, bò 985 tấn (giảm 20%); thực phẩm chế biến 9.580 tấn (giảm 9%)…
Nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến thực phẩm tại TPHCM cho biết do kinh tế khó khăn, sức tiêu thụ trên thị trường giảm sút nên sản lượng sản xuất nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến trong 6 tháng đầu năm giảm từ 10% đến 20%, thậm chí có DN giảm đến 30%.
Theo thông tin từ Vissan, mặt hàng thịt heo chỉ tiêu thụ được 10.450 tấn (giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái); thịt trâu, bò 985 tấn (giảm 20%); thực phẩm chế biến 9.580 tấn (giảm 9%)…
Các DN chế biến thực phẩm dự kiến tình hình tiêu thụ 6 tháng cuối năm vẫn còn khó khăn. Do đó, nguồn hàng dự trữ cuối năm sẽ được các DN cân đối chủ yếu tập trung theo đơn đặt hàng.
Doanh nghiệp sản xuất VLXD lâm “tử huyệt”
Bộ Xây dựng cho biết, đến hết tháng 5/2012, số dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) phải dừng hoặc giảm công suất đã lên đến hàng trăm dây chuyền.
Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp sản xuất VLXD rơi vào cảnh bi đát như trên là vì khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm do ảnh hưởng của chính sách thắt chặt đầu tư, cũng như sự trầm lắng của thị trường bất động sản.

Không có nhận xét nào: