Pages

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Mỹ kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Miến Điện




Căng thẳng vẫn tiếp diễn ở bang Rakhine

Hoa Kỳ kêu gọi chấm dứt làn sóng bạo lực gây chết người ở bang Rakhine của Miến Điện trong khi châu Âu tỏ ý hài lòng về hành xử của chính phủ nước này.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói tình hình cho thấy "sự cần thiết phải có tôn trọng lẫn nhau giữa tất cả các nhóm tôn giáo và sắc tộc".

Trong khi đó, Liên hiệp châu Âu bày tỏ hài lòng về cách thức giải quyết của chính quyền Tổng thống Thein Sein.
Cả Mỹ và châu Âu đều đã nới lỏng chế tài đối với Miến Điện để khuyến khích tiến trình cải cách theo sau việc thiết lập nhà nước dân sự tháng 11/2010.

Bà Clinton nói trong một thông cáo: 'Chúng tôu kêu gọi người dân Miến Điện cùng hợp tác để có một quốc gia hòa bình, thịnh vượng và dân chủ, tôn trọng quyền lợi của các nhóm cư dân".
Bà Maja Kocijanic, Phát ngôn viên cho Cao ủy LHQ về Đối ngoại Catherine Ashton, thì nói: "Chúng tôi tin là lực lượng an ninh Miến Điện đang giải quyết tình trạng bạo lực cộng đồng một cách thíc đáng".

Đợt bạo lực nổ ra do mâu thuẫn giữa hai nhóm người theo Phật giáo và Hồi giáo

Trước đó, Liên Hiệp Quốc quyết định rút một số nhân viên không chủ chốt ra khỏi bang Rakhine, miền Tây Miến Điện, nơi bạo động đã làm bảy người chết và căng thẳng vẫn còn.
LHQ nói tình trạng bất ổn nghiêm trọng cùng với điều luật tình trạng khẩn cấp ở bang này đã dẫn tới quyết định trên, và nó sẽ được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện.
Bạo lực bùng phát sau vụ một phụ nữ theo Phật giáo bị sát hại hồi tháng trước, dẫn đến việc một xe bus chở người Hồi giáo bị tấn công.
Bangladesh nói đã chặn hàng chục người tìm cách rời khỏi Miến Điện bằng đường thuyền.

'An ninh và ổn định'

LHQ ra thông cáo nói đã quyết định "tạm thời rút nhân sự không chủ chốt người nước ngoài và địa phương, theo nguyên tắc tự nguyện".
Cùng với những người rút đi là thân nhân và các tổ chức liên quan.
Thông cáo của LHQ cũng cho hay đã yêu cầu chính phủ hỗ trợ bảo đảm an ninh và an toàn cho các nhân viên tại Maungdaw, Buthidaung và Sittwe, cùng gia đình của họ. Những người này sẽ được chuyển tới Rangoon.
Báo chí nhà nước Miến Điện nói tình trạng khẩn cấp, vốn được ban bố tối Chủ nhật 10/6 vừa rồi, là để đối phó với tình trạng bạo lực gia tăng và "nhằm khôi phục an ninh và ổn định cho người dân ngay lập tức".
Theo hãng tin Reuters, đợt bạo lực hồi cuối tuần nổ ra hôm thứ Sáu 8/6 tại thị trấn Maungdaw, sau đó lan sang thủ phủ của bang là Sittwe và một số làng mạc lân cận.
Tin cho hay các nhóm Phật giáo và Hồi giáo đối kháng nhau đã đốt nhà dân.
Trong một phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Thein Sein nói bạo lực có thể gây nguy hại cho tiến trình dân chủ ở trong nước.
Nước Bangladesh láng giềng đã tăng cường an ninh dọc biên giới vì sợ người Miến Điện tỵ nạn tràn sang.
Biên phòng Bangladesh hôm thứ Hai 11/6 cho hay đã từ chối nhập cảnh một số thuyền bè chở người tỵ nạn. Con số người phải quay về theo các nguồn tin là từ 50 tới 300.

Không tổ quốc

Các cuộc đụng độ bắt đầu hôm 4/6 khi một đám đông tấn công một chiếc xe bus tại Taungup, tỉnh Rakhine. Nguyên do là họ cho rằng một số hành khách liên đới trong một vụ hãm hiếp và giết hại một phụ nữ theo đạo Phật.
Bang Rakhine được đặt tên dựa trên cộng đồng Phật giáo Rakhine vốn chiếm đa số. Tuy vậy ở bang này cũng có một con số đáng kể người theo Hồi giáo, bao gồm cả sắc tộc Rohingya.


Rohingya là nhóm người Hồi giáo không tổ quốc, vì Miến Điện vẫn coi họ là nhập cư trái phép từ Bangladesh.
Chính quyền dân sự được thiết lập ở Miến Điện năm 2010 nhưng trong chính phủ phe quân sự vẫn chiếm đa số và quan ngại về nhân quyền vẫn còn tiếp diễn ở nước này. /(BBC)

Không có nhận xét nào: