Pages

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Một chữ Dân


Tương Lai
“Một chữ” là mượn cách diễn đạt của Lê Quý Đôn để nói về chữ DÂN khi nghĩ về ông Sáu Dân nhân ngày ông ra đi. Trong “Lời nói cuối sách” của cuốn “Quần thư khảo biện” viết năm 1757, nhà bác học Việt Nam thế kỷ 18 viết : : “Kinh Dịch nói : “Biến động trong thiên hạ chính đáng chỉ có một [lý] thôi. Chí lý thay chữ”một”. Lấy chữ “một” ấy mà xuyên suốt mọi việc thì dù bốn bể chính châu cách trở, ngàn xưa trăm đời xa xôi, mọi trao qua đổi lại, mọi xem xét đánh giá đều vẫn rõ ràng như bày ra trước mắt, rành rọt như trỏ bàn tay vây” [tr. . Xin được mượn cách diễn đạt ấy để nói đôi điều về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào cái ngày ông đã tuyệt đối nằm xuống, để rồi hôm nay là ngày Giỗ lần thứ tư của ông, 11.6.2012.

Đúng là “thời gian, theo quy luật khắc nghiệt của nó, sẽ xòa mờ đi tất cả; nhưng cũng còn một quy luật khác, mạnh mẽ không kém: có những điều, những con người mà thời gian, ngược lại, sẽ chỉ soi sáng thêm lên, vừa ngày càng rõ ràng, rỡ ràng, vừa như mãi còn bí ẩn, Như ngọn núi kia, càng đứng xa ra mới càng đo được hết tầm cao và chiều sâu"**. Ông Sáu Dân nằm xuống vậy là đã bốn năm. Trước những diễn biến của thời cuộc trong bốn năm qua, càng ngẫm ra được về sự thiếu vắng của con người ấy. Trong câu chuyện đời thường của bạn bè quanh chén trà bè bạn, một câu nói quen thuộc thường bật ra "Phải chi lúc này còn ông Sáu Dân". Đó là một xót xa hay một lời khen tặng? E cả hai!
Vì rằng, Thời gian là ân huệ trong sự nghiệt ngã. Quả thật, "càng đứng ra xa mới càng đo được hết tầm cao và chiều sâu" của con người ấy. Để rồi trong cái "tầm cao" và "chiều sâu" của người cần tiếp tục được khám phá ấy, nếu ngay bây giờ đây thì chỉ một [chữ] thôi như cách của Lê Quý Đôn “ lấy chữ “một” ấy mà xuyên suốt mọi việc” thì đó chính là chữ “DÂN”!
Chính chữ ấy là chìa khóa để giải mã “hiện tượng Võ Văn Kiệt“. Vì, nói đến dân tộc, trước hết và sau cùng là phải nói đến “dân”. Nói đến sức mạnh đại đoàn kết dân tộc cũng chính là nói đến DÂN, là sự gắn bó, thông cảm, tin tưởng và khoan dung giữa những “người trong một nước phải thương nhau cùng” trong tự tình dân tộc vốn trầm tích trong tâm hồn Việt Nam, truyền thống Việt Nam. Nhờ chân thành lắng nghe ý chí và nguyện vọng của dân, ra sức mở rộng dân chủ để khởi động và phát huy đến mức cao nhất trí tuệ của dân, mà ông có được tầm nhìn vượt xa lên phía trước. Với tầm nhìn ấy, Sáu Dân thường đưa ra những ý tưởng mang tính đột phá có sức gợi mở lớn trên những vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối nội và đối ngoại. Mà “đột phá” được  là vì biết tắm mình trong biển cả nhân dân, học được từ dân tính năng động sáng tạo để bồi đắp cho trí tuệ của mình, khiến cho trí óc không bị xơ cứng vì những công thức cũ kỹ cứng nhắc, những giáo điều ẩm mốc đã bị cuộc sống vượt qua. Đột phá được là nhờ thật sự tin dân, học dân, phát huy dân.
Có phát huy dân chủ mới phát hiện và quy tụ được hiền tài, làm bừng nở trí tuệ và tài năng của mỗi người Việt Nam trong và ngoài nước, trước hết là của thế hệ trẻ, nguồn sinh lực của Tổ quốc. Có vậy mới tìm ra được giải pháp cho mọi tình huống. Khái niệm Dân trong khối óc và trái tim của ông gắn làm một với dân chủ.
Từ cuộc sống nhẫn nại và quyết liệt của đồng bào mình, ông tiếp thu những nét thâm thúy và mộc mạc hòa quyện trong sự thông tuệ dân gian thấm đẫm chất văn hóa. Cùng với cái đó là những cố gắng tự làm giàu trí tuệ của mình bằng sự học hỏi và lắng nghe chuyên gia, những trí thức mà ông thật lòng quý trọng. Đó là suối nguồn bất tận làm nên một nhân cách văn hóa Sáu Dân, vừa có sự dung dị nhưng không kém sâu lắng, vừa bộc trực, hồn nhiên nhưng không thiếu phần minh triết và tế nhị trong ứng xử, trong quyết sách, những điều thể hiện một tầm vóc Võ Văn Kiệt. Bình sinh, những ý tưởng của ông Sáu Dân từng gây được ấn tượng mạnh cho những ai đang ưu tư về vận nước, cho những trái tim biết rung động với những ngang trái của cuộc đời, những đầu óc dám vượt qua những hạn hẹp trói buộc của định kiến để không chịu dẫm chân lên những lối mòn quen thuộc, hướng suy nghĩ vào những tìm tòi, những tháo gỡ.
Một nhà trí thức Việt Nam sống ở nước ngoài có một đôi lần gặp ông, đã hiểu ra được một điều rất giản dị nhưng thật độc đáo “Tại sao ông Sáu Dân để lại nhiều tình cảm đặc biệt nơi người trí thức? Chỉ đứng trên lĩnh vực trí thức mà thôi, câu trả lời là: Tại vì, ở cương vị quyền hành, ông đã biết nhìn và nhận người trí thức như vậy. Và tại vì, ở cuối đời, khi chỉ còn cây bút và hai bàn tay không, ông đã làm nhiệm vụ của một người trí thức-một người trí thức như thế ”. Và rồi, với Cao Huy Thuần, vị giáo sư đang giảng dạy tại Đại học Paris ấy thì “một người trí thức như thế” là người “không đánh mất khả năng tự phê phán, để biết tự mình khai phóng, tự mình đổi mới, tự mình phát triển, tự mình mở cửa cho tiến bộ, để trật tự và ổn định không đồng nghĩa với bất biến, ù lì ”.
Đương nhiên, khi thẳng thắn đặt ra những vấn đề gai góc và nhạy cảm này ông Sáu Dân hiểu rằng sẽ gặp những lực cản không nhỏ và dai dẳng. Điều này dễ hiểu. Thế nhưng, thực tiễn đã chứng minh rằng, những vấn đề ông đặt ra, sớm muộn rồi đã được cuộc sống chấp nhận. Mà một khi tư tưởng đã thâm nhập được vào cuộc sống, một khi tư tưởng ấy được nhân dân đón chờ, tư tưởng sẽ biến thành sức mạnh vật chất quét sạch những rào cản.
Nhờ coi trọng dân, chân thành lắng nghe ý chí và nguyện vọng của dân, khởi động và phát huy đến mức cao nhất sức mạnh của dân mà ông Sáu Dân có được tầm nhìn vượt xa lên phía trước. Cho nên,”chỉ cần một chữ, chữ dân“, hiểu thật rõ “ý dân là ý trời” thì mọi diễn biến phức tạp trong đời sống đang hàng ngày hàng giờ đặt ra một cách bức xúc như chuyện đất đai và khiếu kiện cho đến chuyện Quốc Hội bàn thảo những đạo luật như Luật biểu tình, Luật phòng chống tham nhũng…thì mọi trao qua đổi lại, mọi xem xét đánh giá đều vẫn rõ ràng như bày ra trước mắt, rành rọt như trỏ bàn tay vây“. Không dựa vào dân, lấy ý chí và nguyện vọng của thước đo cho mọi đúng sai của đường lối chính sách, của chủ trương giải pháp, không biết hoặc không dám phát huy sức mạnh của dân, lấy đó làm điểm tựa cho cuộc chỉnh đốn Đảng và cơ cấu lại nền kinh tế đang đứng trước những thách đố nghiệt ngã mà chỉ dừng lại những lời rao giảng đạo đức hoặc những khẩu hiệu suông thì “ mọi trao qua đổi lại, mọi xem xét đánh giá” sẽ chỉ lãng phí sức người, sức của, vừa cản trở sự phát triển, vừa xói mòn niềm tin của dân.
Nhân ngày Giỗ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhắc lại bài học về dân tưởng cũng là một việc thiết thực và có ý nghĩa.
_____________
*    Lê Quý Đôn. “Quần thư Khảo biện” NXBKHXH. Hà Nội 1995, tr.465
**.. Võ Văn Kiệt. Người thắp lửa. NXB Trẻ. 2010, tr.310
[bản gốc của tác giả]
Theo NLG

Không có nhận xét nào: