Pages

Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Kỷ niệm 19/6 ngày quân lực VNCH


Ngày 30 tháng 4 năm 1975. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử!  Nhưng tinh thần của người chiến binh VNCH chống cộng sản vẫn lưu danh mãi mãi, đã đi vào Quân sử và Chiến sử Việt Nam. Người Việt tỵ nạn cộng sản tại Cộng Hòa Liên Bang Đức từ năm 1980 đã có Hội Ái Hữu Cờ Vàng sinh hoạt trong giới quân cán chính VNCH. Năm 2004  thành lập  TẬP THỂ CỰU CHIẾN SĨ VIỆT NAM CỘNG HÒA TẠI CHLB ĐỨC (Verein der vietnamesischen Veteranen in der BRD).
Để  tạo mối liên lạc thân tình với nhau giữa các anh em Quân Cán Chính, Tập Thể Cựu Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa trong tinh thần „Danh Dự – Trách Nhiệm – Tổ Quốc“
đã tổ chức buổi họp mặt ngày 16 tháng 06 năm 2012 lúc 14 giờ 00   tại địa điểm:
Bürger zentrum
Hans-Böckler-Str 5-7
65199 Wiesbaden/Schelmengraben
Lúc 12 giờ những cựu quân nhân từ München, Bremen, Berlin, Hamburg, Stuttgart, Nürnberg… lần lượt đến tham dự, Cựu quân nhân phần lớn đã ngoài lục tuần nhưng không ngại đường sá xa xôi về đây gặp lại anh em tay bắt mặt mừng, ôn lại những kỷ niệm một thời trong cuộc chiến, cùng anh dũng chiến đấu để bảo vệ nền dân chủ tự do của miền Nam Việt Nam.
Sau 1975 họ bị tập trung cải tạo và may mắn vượt thoát khỏi chế độ độc tài CSVN đến được bến bờ tự do. Thế hệ con cháu không bị kỳ thị vì lý lịch cha ông và thành công tốt đẹp có một tương lai tươi sáng trên quê hương thứ hai.
Trên sân khấu có bàn thờ tổ quốc với hoa tươi, lư đồng, khói hương nghi ngút, phía sau lư hương là Quốc Kỳ và bên cạnh là huy hiệu của Quân Lực VNCH cùng rất nhiều cờ vàng tung bay phất phới. Trong nhà bếp các chị lo chuẩn bị thức ăn cho buổi cơm chiều, xe cung cấp nước bier đầy đủ, mỗi người góp một tay sắp bàn ghế thứ tự trong hội trường, dàn âm thanh  trang bị xong. Các cựu quân nhân trong toán hầu kỳ mặc quân phục màu hoa rừng trông thật oai vệ hào hùng của người lính chiến năm xưa. Đông đảo đồng hương dần dần đến tham dự để bày tỏ lòng tri ân các chiến sỹ QLVNCH đã hy sinh cho đất nước.
Trong tiếng nhạc khai quân hiệu, toán hầu kỳ rước Quốc và Quân kỳ đến trước bàn thờ Tổ quốc, quan khách đứng nghiêm chỉnh làm lễ chào cờ, mặc niệm các anh linh chiến sĩ QLVNCH đã hy sinh cho lý tưởng tự do. Niên trưởng Nguyễn Đình Tâm đốt nén nhang trước  bàn thờ Tổ quốc biểu lộ sự kính trọng và lòng biết ơn chiến sĩ QLVNCH đã vị quốc vong thân.
15 giờ chủ tịch Hoàng Tôn Long đọc diễn văn khai mạc buổi họp mặt cùng tường trình sinh hoạt của hội trong năm vừa qua cũng như việc tổ chức thành công đêm văn nghệ „cảm ơn anh“ và những sinh hoạt với các hội đoàn bạn.
Anh Năng cựu quân nhân ngành tâm lý chiến làm MC điều khiển chương trình bầu lại Ban Chấp Hành cho nhiệm kỳ mới, theo phương thức dân chủ nếu không có người ứng cử thì đề cử, lần lược được đề cử hình từ trái sang phải là:
-Nguyễn Hữu Huấn
-Lê Phi Bằng
-Võ Văn Tư
-Đinh Kim Tân
-Lê Hồng Đức
-Nguyễn Xuân Nghiêm
-Hoàng Tôn Long
-Nông Ngọc Vinh (đứng sau bên phải)
-Nguyễn Văn Năng (không có trong hình)
Các anh được mời lên sân khấu chào Quan khách, đúng theo luật nhà binh „thi hành trước khiếu nại sau“. tất cả cùng đồng ý đề cử anh Hoàng Tôn Long còn trẻ tiếp tục giữ chức chủ tịch, để tránh mất thì giờ bầu các ban, ngành các anh phân chia công tác phù hợp theo khả năng của mình để hoạt động hữu hiệu hơn. Quan khách với những tiếng vổ tay vui mừng có Ban Chấp hành mới đầy đủ các binh chủng, sau đó là thời gian nghĩ giải lao 30 phút.
16:10 Niên Trưởng cựu trung tá Nguyễn Đình Tâm phát biểu cảm tưởng về ngày QLVNCH
16:30 nhà văn không quân cựu thiếu tá Đào Vũ Anh Hùng đến từ Dallac thuyết trình đề tài  “Tâm tình  tâm tình với chúng ta qua của ngày QLVNCH“. Quan khách chú ý theo dõi buổi nói chuyện hấp dẫn của nhà văn DVAH. Anh trình bày những diễn biến lịch sử từ Hiệp định Genève (20.7.1954) chia đôi Việt Nam, Quân dân VNCH chiến đấu hào hùng để bảo vệ tự do dân chủ mang lại đời sống hạnh phúc ấm no cho toàn dân, các trận đánh đẩm máu do CS gây ra như: Tết Mậu thân (1968), Mùa Hè Đỏ lửa (1972) Bình long, An Lộc, Xuân Lộc…QLVNCH chận đứng quân CS từ miền Bắc xâm chiếm miền Nam tự do, và vinh danh những người vợ lính hy sinh giúp chồng ra chiến trận …Anh xúc động rơi lệ khi nhắc đến những chiến hữu nằm xuống trong cuộc chiến trước 1975 đã bị bỏ quên. Trong lúc 58 ngàn quân nhân Mỹ hy sinh còn có bức tường đá đen ghi tên tưởng niệm ở Washington DC, và hơn 1 triệu bộ đội CS Bắc Việt hy sinh được vinh danh là liệt sĩ có tượng đài nghiã trang tôn vinh, ngược lại nghiã trang Quân đội VNCH ở Biên Hòa hoang phế, cỏ cây mọc như rừng, mộ bia hư hại trơ gan cùng tuế nguyệt không người hương khoái. Đồng minh đã phản bội rút bỏ miền Nam, bắt đầu cắt giảm viện trợ từ từ siết cổ QLVNCH, Trong khi bộ đội Bắc Việt vẫn được tiếp tế súng đạn, xe tăng, tàu chiến của Liên Xô, Trung Cộng và cả khối CS Đông Âu, quyết tâm đánh chiếm miền Nam…Diễn giả đã nhắc lại lại QLVNCH không thua trên chiến trận, mà chiến tranh Việt Nam bị các cường quốc phản bội từ Washington DC, Moskau, Bắc Kinh, Paris, Berlin  …đưa đến biến cố ngày 30.4.1975 đau thương cho miền Nam Việt Nam! Sau phần nói chuyện có thảo luận giải đáp thắc mắc và nghĩ ăn tối, anh chị em có thì giờ hàng huyên tâm sự.
Trong giờ lễ tưởng niệm và thuyết trình hơn 150 quan khách tham dự, sau đó Hội trường từ trong ra ngoài càng đông thêm người, nhất là giới trẻ chờ xem văn nghệ. Các quầy bán thức ăn, nước uống tấp nập món bún bò Huế, gỏi cuốn… thơm ngon hấp dẫn làm thực khách ấm lòng.
19:30 cựu Thiếu tá không quân Lê Hồng Đức trình bày về giờ thứ 25, phi hành đoàn anh rời Đà Nẵng đêm 28.3.1975 về Tân Sơn Nhất, đến cuối tháng 4.1975 anh phải bỏ lại gia đình, nhưng may mắn trong mưa đạn pháo của VC anh bay đến được Thái Lan,
20:00 Anh Ngọc Vinh trưởng ban văn nghệ cùng anh Năng và anh Hải làm Mc giới thiệu chương trình với những nhạc phẩm đấu tranh và tình ca, ban nhạc sống làm đêm văn nghệ thêm phần hấp dẩn, hào hứng, những giọng ca truyền cảm không thua gì những ca sỹ chuyên nghiệp, được khán giả tặng bông khích lệ… Wiesbaden có quá nhiều nhân tài hứa hẹn trong tương lai… Từ München đôi song ca Lê Phi Bằng & Kim Tơ với nhạc phẩm „Lời dặn dò“ đã làm cho khán giả hồi tưởng ngày xưa các anh quân nhân diù em trên phố Sài Gòn trong những ngày phép, riêng anh Nguyễn Văn Nghệ đóng góp nhạc phẩm đấu tranh do anh sáng tác và trình bày. Về khuya ngoài trời mưa rơi nặng hạt, nhưng đêm văn nghệ vẫn tiếp tục trong niềm vui đầy hào khí. Nhiều quan khách đã đánh giá tổ chức ngày QLVNCH năm nay thành công hơn những năm qua và hẹn gặp lại năm tới trong tình thân và đoàn kết.
Nguyễn Quý Đại
Tài liệu tham khảo
Bộ Quân Sử VNCH tập 2 của Bộ TTM  (đại tá Phạm Văn Sơn) từ trang191
Việt Sử Đại cương tập 6 (1954- 1975) Trần Gia Phụng nhà xuất bản Non nước Toronto 2012
Các diễn tiến trong việc thành lập Quân Đội Quốc Gia
Theo Hiệp ước Elysée ngày 8.3.1949, Quốc Gia Việt Nam được thành lập có quân đội và chính sách ngoại giao riêng. Quân Lực Việt Nam Cộng hòa, hay Quân đội Quốc Gia Việt Nam  thành lập từ năm 1955 trong Liên hiệp Pháp. Ngô Đình Diện về nước 25.6.1954, ngày 7.7.1954 chính thức nhận chức thủ tướng QGVN và trình diện nội các.. ngày 23.10.1955 trưng cầu dân ý truất phế quốc trưởng  Bảo Đại, ngày 26.10.1955 tân quốc trưởng NĐD công báo thành lập Việt Nam Cộng Hòa và Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, từ đó làm Tổng thống VNCH cải tên là Quân Đội Việt Nam Cộng hòa. Tháng 8 năm 1955, Bộ Tổng tham mưu không còn tùy thuộc hệ thống chỉ huy Pháp, hoàn toàn do sĩ quan Việt Nam điều khiển Việt ngữ thay thế Pháp ngữ.
Thành lập Quân đội Quốc gia VN qua hai thời kỳ:
* 1946 -1949: giai đoạn sơ khai
* 1950 -1952: giai đoạn chính thức thành lập
* 1953 -1954: giai đoạn phát triển
Thời kỳ độc lập:
* 1954 -1955:  giai đoạn chuyển tiếp
* 1956 …giai đoạn độc lập
Trước năm 1975 hàng năm tại Sài Gòn tổ chức long trọng ngày 19/6 Quân Lực VNCH, tất cả các quân binh chủng tham dự diễn binh với mục đích biểu dương sức mạnh và ý chí quật khởi của quân dân miền Nam chống xâm lược cộng sản. Trong suốt 37 năm qua ở hải ngoại cựu chiến binh VNCH đều tổ chức ngày tưởng niệm QLVNCH 19/6.
Tại sao chính phủ VNCH chọn ngày 19/6 làm ngày Quân lực?  Theo sử liệu thì Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ ngày 01.11.1963. Chính quyền và Quân Đội VNCH bị suy yếu, tình hình chính trị rối loạn vì sự tranh chấp của nhiều phe phái chính trị và quân sự, trình trạng tranh giành quyền lực giữa các tướng lãnh trong quân đội. Chính phủ dân sự Phan khắc Sửu quyết định trao trách nhiệm và quyền hành lãnh đạo Quốc Gia cho Hội Đồng Quân Lực. Buổi lễ ra mắt Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương được long trọng tổ chức tại Saigon ngày 19 tháng 6 năm 1965. Hai Ủy Ban này tuyên thệ trung thành với Tổ Quốc, các tướng lãnh nắm chính quyền nhận trách nhiệm chỉ huy QLVNCH trong việc quyết tâm bảo vệ quê hương dù phải hy sinh tánh mạng và xương máu. Từ đó, ngày 19/6 trở thành một ngày lịch sử của Quân Lực VNCH.

Không có nhận xét nào: