Pages

Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Giới chuyên gia nghi ngờ về số liệu thống kê của Trung Quốc


Nhà máy nhiệt điện Trữ Ba ở tỉnh Chiết Giang. Ảnh chụp ngày 21/06/2012.
Nhà máy nhiệt điện Trữ Ba ở tỉnh Chiết Giang. Ảnh chụp ngày 21/06/2012.
REUTERS/Carlos Barria

Đức Tâm
Vào lúc tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tiếp tục có những trục trặc, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn làm ăn tại nước này cũng như giới chuyên gia kinh tế phương Tây nói rằng, có những bằng chứng cho thấy, chính quyền các địa phương Trung Quốc đã giả mạo số liệu thống kê để che giấu những khó khăn vào thời điểm nhậy cảm hiện nay, khi đảng cộng sản Trung Quốc đang trong quá trình chuẩn bị thay đổi thế hệ lãnh đạo.

Theo báo trên mạng của Ấn Độ, The Economic Times ngày hôm nay 24/06/2012, tại nhiều nơi ở Trung Quốc, lượng than đá dư thừa phải tích trữ ngày càng nhiều. Do sản xuất đình trệ, nhu cầu điện giảm. Hậu quả là mức tiêu thụ than đá của các nhà máy nhiệt điện đi xuống. Thế nhưng, chính quyền các địa phương đã yêu cầu các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng không được báo cáo đầy đủ cho Bắc Kinh mức độ và quy mô của sự đình trệ này.

Sản xuất và tiêu thụ điện là những chỉ số thể hiện mức độ đa dạng của các hoạt động kinh tế. Giới đầu tư ngoại quốc và thậm chí một số quan chức Trung Quốc coi đây là tiêu chuẩn vàng để đánh giá hiện trạng và tương lai của nền kinh tế, bởi vì các số liệu thống kê được Bắc Kinh công bố chính thức không đáng tin cậy. Thực vậy, chính quyền các thành phố và các tỉnh Trung Quốc thường thổi phồng số liệu về sản xuất, doanh thu của các công ty, mức lãi và nộp thuế của các doanh nghiệp. Lãnh đạo các địa phương còn buộc các công ty phải có hai loại sổ sách kế toán và chỉ trưng ra những số liệu về kết quả kinh tế, mức nộp thuế không có thật.
Các kinh tế gia và lãnh đạo các doanh nghiệp xin giấu tên, nói với báo The Economic Times rằng các số liệu man trá này làm thay đổi từ 1% đến 2% các chỉ số kinh tế vĩ mô được công bố.
Phát ngôn viên Văn phòng Thống kế Quốc gia Trung Quốc đã bác bỏ thông tin này và nói là không có bằng chứng cho thấy các số liệu được báo cáo từ dưới lên đã được thổi phồng. Mặt khác, vẫn còn có một số doanh nhân tin vào số liệu thống kê của Trung Quốc. Ông Mark Mobius, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Templeton Emerging Markets Group nói : « Tôi không nghĩ là hoạt động kinh tế bị xấu – chỉ cần nhìn vào số liệu sản xuất điện là rõ ».
Thế nhưng, một kinh tế gia có quan hệ gần gũi với Văn phòng Thống kê Quốc gia Trung Quốc tiết lộ là cơ quan này bắt đầu đi điều tra, sau khi phát hiện ra rằng các số liệu sản xuất điện đã được sửa đổi tăng lên.
Một lãnh đạo doanh nghiệp tại Trung Quốc có tiếp cận với số liệu thống kê về điện của các tỉnh Sơn Đông và Giang Tô, hai trung tâm của ngành công nghiệp nặng, cho biết mức tiêu thụ điện của hai nơi này đã giảm hơn 10% trong tháng Năm, so với cùng thời kỳ này năm ngoái. Trong khi các địa phương báo cáo là mức tiêu thụ vẫn giữ nguyên, thậm chí còn tăng nhẹ.
Các nghi ngờ về chất lượng và tính chính xác của các số liệu thống kê Trung Quốc vẫn tồn tại từ lâu nay. Tuy nhiên, các mối lo ngại này lại gia tăng một cách bất thường. Năm nay, lần đầu tiên kể từ 1989, sự suy giảm kinh tế lại trùng vào thời điểm Trung Quốc đang trong quá trình chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo thứ năm, nhân Đại hội đảng Cộng sản toàn quốc sẽ được tổ chức vào mùa thu.
Các quan chức ở mọi cấp trong chính quyền bị áp lực phải đưa ra những kết quả kinh tế tốt đẹp trong bối cảnh đang có những vận động, dàn xếp, chạy chọt để được thăng cấp, thay đổi vị trí lãnh đạo….
Theo một giám đốc điều hành trong lĩnh vực năng lượng, « các quan chức chính phủ không muốn nhìn thấy tình hình tiêu cực » và do vậy, họ nói với những người quản lý ngành năng lượng là hãy báo cáo rằng việc tiêu thụ điện tuy có giảm nhưng chẳng có gì thay đổi cả.

Không có nhận xét nào: