Pages

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

EU muốn Nga thay đổi lập trường về Syria



Tổng thống Nga, Putin (trái), ông Jose Manuel Barroso (giữa) và ông Herman Van Rompuy (phải)
Tổng thống Nga, Putin (trái), hội đàm với ông Jose Manuel Barroso (giữa) và ông Herman Van Rompuy (phải)
Tại hội nghị thượng đỉnh ở St Petersburg, Nga, các lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU) dự kiến sẽ gây áp lực để Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin, theo đuổi đường lối cứng rắn hơn với Syria.
Các nước thành viên EU muốn Moscow gây áp lực với Syria, đồng minh của Nga, phải rút vũ khí hạng nặng ra khỏi các thành phố và hoàn toàn tuân thủ kế hoạch hòa bình của đặc sứ Liên Hợp Quốc (LHQ), ông Kofi Annan.

Hôm Chủ nhật, ông Assad phủ nhận lực lượng của ông có bất cứ dính dáng nào trong vụ thảm sát ở Houla.Nga và Trung Quốc đều cưỡng lại kêu gọi của Mỹ và châu Âu phải lên án Tổng thống Bashar al-Assad và tìm cách loại bỏ ông.

Trong một phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Assad nói với Quốc hội rằng vụ giết hại hơn 108 người ngay tại nhà của họ, trong đó có 49 trẻ em, là một "tội ác xấu xa" mà ngay cả "những con quỷ dữ" cũng không làm điều đó.
Các nhân chứng đổ lỗi cho phe dân quân ủng hộ chính phủ là người chịu trách nhiệm về vụ thảm sát này.
Vụ thảm sát Houla đã dấy lên làn sóng lên án từ cộng đồng quốc tế và dẫn đến việc một số nước trục xuất phái đoàn ngoại giao của Syria để phản đối.
Ông Assad cho biết cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng là thông qua đối thoại chính trị, và rằng "sự can thiệp của nước ngoài" là nguyên nhân dẫn tới tình trạng chia rẽ ở Syria.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Herman Van Rompuy, Chủ tịch Ủy hội châu Âu, ông Jose Manuel Barroso, và người đứng đầu chính sách ngoại giao EU, bà Catherine Ashton, tham dự hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Hai.
Hôm Chủ nhật, trước khi diễn ra các cuộc đàm phán, ông Putin đã mời các nhà lãnh đạo EU dự bữa ăn tối tại một dinh thự xa hoa ở vùng ngoại ô thành phố.
Các nhà ngoại giao châu Âu coi cuộc họp là cơ hội tái tạo mối quan hệ với ông Putin kể từ khi ông trở lại làm Tổng thống Nga vào đầu tháng này.
Các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về thương mại và chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.
Nga cũng sẽ tìm cách thúc đẩy các hoạt động để tiến tới việc đi lại không cần thị thực xuất nhập cảnh ở châu Âu.
Nhưng các phóng viên nói rằng có lẽ Syria sẽ chiếm lĩnh chương trình nghị sự.
Chuyển giao chính trị
"Chúng tôi cần bảo đảm rằng Nga tận dụng hết ảnh hưởng của họ trong việc thuyết phục chế độ (của ông Assad) thực hiện (kế hoạch hòa bình)", một viên chức EU được hãng Reuters trích dẫn nói.
"Phía Nga chắc chắn là chưa thực sự giúp sức trong việc tìm kiếm các giải pháp chính trị."
Tổng thống Assad
Tổng thống Assad đổ lỗi cho các thế lực ngoại quốc gây ra chia rẽ tại Syria
Chính phủ Nga khẳng định họ không bảo vệ ông Assad nhưng nói việc loại bỏ ông không thể là điều kiện tiên quyết cho một cuộc đối thoại chính trị.
Bà Ashton, người đã gặp Ngoại trưởng Nga, ông Sergei Lavrov, trước bữa ăn tối hôm Chủ Nhật, nói trong một tuyên bố: "Vai trò của Nga là rất quan trọng cho sự thành công của kế hoạch do ông Annan đề xướng".
Bà cho biết EU muốn "làm việc chặt chẽ với Nga để tìm một giải pháp chấm dứt bạo động".
Tuyên bố nói thêm rằng bà Ashton đã nói chuyện với ông Annan qua điện thoại vào hôm Chủ nhật và họ đã thống nhất ý kiến rằng cuộc khủng hoảng đang ở "một thời điểm tối quan trọng".
Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton, hôm Chủ nhật nói rằng bà đã "nêu rất rõ ràng" với ông Lavrov trong cuộc trò chuyện qua điện thoại rằng trọng tâm đang được chuyển sang một cuộc chuyển giao chính trị.
"Việc ông Assad ra đi không phải là một điều kiện tiên quyết, nhưng nó phải là kết quả để người dân Syria có cơ hội bày tỏ ý nguyện của mình," bà nói trong chuyến viếng thăm Stockholm, Thụy Điển.
Phóng viên BBC tại Moscow, Steven Rosenberg, nói rằng mặc dù người ta không chờ đợi hội nghị thượng đỉnh sẽ mang lại bất kỳ bước đột phá lớn nào trong quan hệ giữa Nga và EU, nhưng nó vẫn rất quan trọng.
Các nhà lãnh đạo EU sẽ có dịp làm quen trở lại với ông Vladimir Putin và nó cũng là cơ hội để đánh giá mối quan hệ sẽ có giữa Nga và EU trong thời gian sáu năm ông Putin làm Tổng thống, phóng viên BBC nói thêm.

Không có nhận xét nào: