Pages

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Chính trị quyết định tương lai Euro



Ngô Nhân Dụng - Liên Hiệp Âu Châu có 27 quốc gia, trong đó 17 nước đã đồng ý dùng chung một thứ tiền: Ðồng Euro. Dùng chung một đồng tiền, kể từ năm 1999, nhưng các nước này vẫn lo bảo vệ quyền quyết định của họ trong nhiều lãnh vực khác, như thuế khóa, ngân sách, hệ thống ngân hàng riêng, vân vân.
Họ đã thí nghiệm một cuộc cải tổ kinh tế khi dùng chung một đồng tiền, vì biết nó sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế; nhưng đồng thời họ vẫn cưỡng lại nhu cầu cải tổ chính trị. Ðiều này dễ hiểu: Các nhà chính trị ký kết các thỏa ước hiệp nhất tiền tệ nhưng họ vẫn muốn bảo vệ quyền quyết định của chính họ trong phạm vi từng quốc gia.

Cuộc khủng hoảng của Ðồng Euro trong hơn một năm qua chứng tỏ cuộc thí nghiệm trên gặp chướng ngại, nếu không nói là trên đà thất bại. Khi ngân sách các nước ở phía Nam cạn tiền, không trả được nợ, và tất nhiên không thể đi vay nợ mới, các nước phía Bắc phải họp nhau chung tiền để lập quỹ cứu nguy cùng với Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Việc cứu cấp được thực hiện từng bước ngắn, khi nào thấy kết quả chưa đủ thì lại bước thêm một bước ngắn nữa. Càng kéo dài thì nguy cơ của các nước thâm thủng càng nặng nề hơn; và cho đến nay vẫn chưa thấy một giải pháp dứt khoát để giải quyết cuộc khủng hoảng trong lâu dài.
Tuần trước, thế giới chờ coi kết quả cuộc bỏ phiếu của dân Hy Lạp; trong đó có hai phe. Một bên là liên minh những đảng cương quyết chống lại kế hoạch “kham khổ” mà các nước khác ép Hy Lạp phải thi hành nếu muốn tiếp tục được trợ giúp. Bên kia là những đảng đồng ý sẽ thắt lưng buộc bụng theo đề nghị của các nước khác. Hôm Chủ Nhật vừa rồi, dân Hy Lạp bỏ phiếu bầu cho liên minh các đảng “thân Euro,” khiến nhiều người thở ra nhẹ nhõm: Hy Lạp sẽ không rút ra hoặc bị đá ra ngoài khối Euro. Nhưng ai cũng thấy, quyết định của dân Hy Lạp chưa đủ giúp cho Ðồng Euro thoát hiểm. Lại thêm Tây Ban Nha đang gặp khó khăn, và không chừng sẽ thêm cả nước Ý.
Nỗi khó khăn của Ðồng Euro trong năm qua khiến kinh tế nhiều nước suy yếu. Muốn thoát cơn khủng hoảng thì chính Hy Lạp, Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha phải phục hồi kinh tế nước họ. Khối Euro bị chia làm hai: Những nước phía Bắc như Ðức, Phần Lan, cho tới Hòa Lan không muốn dùng tiền thuế của dân nước họ cứu giúp các nước phía Nam. Người phía Bắc, chính phủ Ðức, đòi Hy Lạp và các nước được cứu trợ phải áp dụng chương trình “kham khổ,” chấm dứt cảnh đi vay nợ quá nhiều để chi tiêu như trong quá khứ. Nhưng đòi hỏi trên không giúp giải quyết cơ khủng hoảng. Những nước kinh tế đang suy yếu mà lại áp dụng chính sách kham khổ, tức là chính phủ không chi tiêu thêm để kích thích số cầu, thì sẽ suy yếu thêm chứ không thể phục hồi được. Cho nên, trong hội nghị Khối G 20 đang họp ở Mexico ngày hôm qua, nhiều chính khách quốc tế đã ngỏ ý đề nghị bà thủ tướng Ðức, lãnh đạo nhóm Bắc Âu, nên bớt cứng rắn đối với Hy Lạp. Thủ tướng Anh và bộ trưởng tài chánh Canada nói thẳng điều đó không úp mở. Tổng thống Mỹ cũng ngỏ ý đó nhưng nói một cách nhẹ nhàng hơn. Lãnh đạo các nước mới lên như Trung Quốc, Ấn Ðộ, thì không tuyên bố thẳng, nhưng chắc chắn sẽ khuyến cáo bà Angela Merkel khi gặp gỡ riêng. Mọi người xúm lại khuyên lơn, vì ích lợi của chính nước họ. Trong năm qua, khi kinh tế Âu Châu suy yếu, không những hàng xuất cảng của Trung Quốc, Ấn Ðộ bị ảnh hưởng, mà chính nước Mỹ cũng bị lây: Âu Châu mua 22% số hàng Mỹ bán ra ngoài!
Chính phủ các nước phía Bắc vẫn phải tiếp tục đòi hỏi các nước phía Nam phải áp dụng chính sách khắc khổ. Vì họ khó lòng giải thích với dân chúng tại sao cứ phải góp tiền giúp chính phủ những nước phía Nam chi tiêu trong các chương trình y tế, xã hội, hay chi phí quân sự của họ? Ðây là một vấn đề chính trị chứ không phải kinh tế nữa. Các nhà chính trị Âu Châu đã hô hào việc “thống nhất” Âu Châu từ hơn 60 năm qua; chương trình này được thực hiện từ tốn, từng bước một; việc 17 nước dùng chung Ðồng Euro là một bước mạnh bạo sau cùng để tạo Âu Châu thành một khối thống nhất có sức nặng kinh tế ngang với Mỹ. Nếu bây giờ khối dùng Ðồng Euro tan rã thì không những kinh tế các nước Âu Châu sẽ gặp nguy mà kinh tế các nước khác, từ Mỹ cho đến Trung Quốc, cũng bị suy yếu theo.
Cuối cùng, câu hỏi mà dân Ðức, dân Hòa Lan, vân vân, phải trả lời là: Họ có muốn giữ mối liên hệ mật thiết giữa các nước Âu Châu, chặt chẽ hơn hay không? Câu hỏi đặt cho các nhà chính trị Âu Châu là họ có muốn giảm bớt quyền hành của chính họ để có một guồng máy trung ương của cả Âu Châu mạnh hơn không?
Tức là Âu Châu sẽ phải quyết định “thống nhất hơn” trong việc chia sẻ quyền chính trị, chứ không phải chỉ lập ra một đồng tiền chung mà đủ. Cuộc thí nghiệm Ðồng Euro trong hơn mươi năm qua cho thấy “Ý chí chính trị sẽ quyết định hậu quả kinh tế.” Vì việc phối hợp chính sách tiền tệ và ngân sách giữa các nước còn rất lỏng lẻo cho nên đưa tới cuộc không hiện nay. So sánh khối Euro ở Âu Châu với nước Mỹ, chúng ta thấy ngay Âu Châu cần giải quyết một vấn đề chính trị chứ không phải chỉ có chuyện tài chánh, kinh tế.
Cuộc khủng hoảng trong khu vực các nước dùng Ðồng Euro rất giống cuộc khủng hoảng địa ốc ở Mỹ năm 2008, đưa tới cảnh kinh tế trì trệ kéo dài đến bây giờ. Cùng là cảnh những người đi vay không có tiền trả nợ, vì thế các ngân hàng lo phá sản, cả hệ thống có thể bị sụp đổ. Ở nước Mỹ những năm 2007, 08 nguồn gốc khủng hoảng là những người vay nợ mua nhà. Tại Âu Châu những năm 2011, 12 thì nguyên nhân là các chính phủ Hy Lạp, Ái Nhĩ Lan, Bồ Ðào Nha, vân vân đã đi vay rồi thiếu tiền trả nợ vì ngân sách khiếm hụt. Các ngân hàng ở Âu Châu cũng đang lo phá sản. Nhưng ở Mỹ, có một chính phủ liên bang đủ mạnh để quyết định cứu chữa. Sau khi ngân hàng Lehman Brothers khai phá sản, chính Tổng Thống Gorges W. Bush đã quyết định xin Quốc Hội 700 tỷ đô la để cấp cứu các ngân hàng lớn còn lại. Ở Âu Châu không ai có quyền quyết định nhanh chóng như một ông tổng thống Mỹ.
Giáo Sư Paul Krugman (Giải Nobel Kinh tế học) đã lấy trường hợp Hy Lạp để so sánh với một tiểu bang ở Mỹ. Thí dụ bây giờ kinh tế Florida đang gặp nguy khốn vì thị trường địa ốc sụp đổ; chính phủ Florida thiếu tiền chi trong các chương trình y tế, xã hội. Nhưng họ không lo như chính phủ Hy Lap; vì đã có chính phủ liên bang ở Washington sẵn sàng đưa tiền. Cũng giống như vậy, cuối thập niên 1980, một hệ thống các ngân hàng tiết kiệm sụp đổ cũng vì cho vay quá dễ dãi, không khác gì cuộc khủng hoảng địa ốc vừa qua. Nhiều tiểu bang bị thiệt hại nặng, đặc biệt là Texas. Nhưng chính phủ Mỹ ở Washington cùng Quốc Hội đã sẵn sàng có mặt để mua lại các món “nợ xấu” giúp nhiều ngân hàng thoát khỏi tai họa. Âu Châu chưa thiết lập một hệ thống cấp cứu tự động như vậy, vì chưa phải là một quốc gia như nước Mỹ. Cho nên cuộc cứu chữa rất chậm chạp và ngập ngừng, cơn khủng hoảng ngày càng nặng hơn.
Cho nên, cuộc khủng hoảng trong khu vực Ðồng Euro hiện nay không hoàn toàn là một vấn đề kinh tế, tài chánh; mà chính là một thử thách đối cho ý chí thống nhất của các nhà chính trị và dân chúng 17 quốc gia. Nếu các nước phía Nam chấp nhận sẽ “sống kham khổ” hơn, giảm bớt các món chi tiêu của chính phủ; trong khi các nước phía Bắc chấp nhận cứu trợ và không đòi hỏi những điều kiện quá khắt khe như hiện nay, thì khối Euro mới tìm được đường thoát. Không thể chữa các con bệnh kinh tế như Hy Lạp, Bồ Ðào Nha bằng cách bắt giảm bớt chi tiêu ngay lập tức; một thứ “thuốc đắng” như vậy có thể làm cho bệnh nặng hơn.
Cuộc bỏ phiếu của dân Hy Lạp cho giới lãnh đạo Âu Châu thêm thời giờ để đưa ra các giải pháp lâu dài. Một bước tối thiểu phải thực hiện để khối Euro tránh được khủng hoảng trong tương lai là việc thống nhất hệ thống các ngân hàng thương mại. Phải có một hệ thống bảo đảm chung cho mọi người gửi tiền trong các ngân hàng khắp Âu Châu; nếu một ngân hàng suy sụp thì người gửi tiền không lo bị mất hết. Và phải có chung một cơ quan để giám sát các ngân hàng. Các cơ chế đó sẽ giúp bảo vệ lòng tin tưởng vào cả hệ thống. Khi dân chúng gửi tiền cũng như các xí nghiệp và các nhà đầu tư đặt niềm tin vào hệ thống thì sẽ không lo cảnh dân rủ nhau đi rút tiền, các xí nghiệp chuyển tiền ra ngoại quốc, vân vân.
Thống nhất hệ thống ngân hàng chính là giảm bớt quyền của chính phủ các nước, và tăng quyền hành cho mấy cơ quan ở trung ương. Ðó sẽ là một bước thay đổi tương quan chính trị giữa các nước dùng Ðồng Euro; các chính phủ quốc gia chuyển nhượng quyền cho các cơ quan tài chánh chung. Ðó là cái giá chính trị phải trả để đạt được những kết quả kinh tế; nếu dân chúng các nước đều mong muốn hưởng những ích lợi mà việc sử dụng chung một đồng tiền đem lại!
Liệu dân chúng các nước Ðức, Áo, Hòa Lan có quyết tâm bảo vệ đồng Euro hay không? Nếu họ muốn thì phải chấp nhận giúp các nước phía Nam thoát con hiểm nghèo hiện nay, rồi sẽ tính chuyện cải tổ cả hệ thống dần dần. Chậm trễ trong việc cứu giúp sẽ khiến nền kinh tế các nước đang khiếm hụt nguy ngập hơn, việc cứu trợ sẽ càng tốn kém hơn. Nhưng muốn biết ý nguyện của dân các nước phía Bắc thì phải chờ kết quả những cuộc bầu cử sang năm! Dân Hy Lạp đã bầy tỏ ý kiến của họ, họ muốn tiếp tục sống trong khu vực đồng Euro. Sẽ đến lượt dân các Hòa Lan, Ðức, bày tỏ ý kiến. Các nhà chính trị ở những nước này phải trình bày rõ ràng, như các đảng ở Hy Lạp đã làm, cho dân biết họ muốn trả giá nào để tiếp tục dùng chung một đồng tiền Euro. Cuộc khủng hoảng tiền tệ đòi hỏi phải được giải quyết bằng chính trị. Chỉ trong chế độ tự do dân chủ người dân mới có quyền tự lựa chọn như vậy khi cần quyết định về tương lai chung.
Ngô Nhân Dụng

Không có nhận xét nào: