Pages

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Bộ trưởng Công An Việt Nam báo động ‘nguy cơ chiến tranh mạng’



HÀ NỘI (NV) - Bộ trưởng Công An Việt Nam, ông Trần Ðại Quang, báo động trong kỳ họp Quốc Hội ở Hà Nội về “nguy cơ chiến tranh mạng” giữa chế độ độc tài và phía bên kia, theo lời ông Quang, là “phản động” và “thế lực thù địch.”
Bộ Trưởng Công An Việt Nam Trần Ðại Quang tại kỳ họp lần thứ 80 của tổ chức Interpol tại Hà Nội hồi tháng 10 năm 2011. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

“Theo những thông tin mà chúng tôi có được thì chúng tôi có thể đưa ra một nhận xét là nguy cơ một cuộc chiến tranh mạng đối với nước ta là có thể xảy ra do các thế lực thù địch triệt để lợi dụng những thành tựu công nghệ thông tin để chống phá Việt Nam và bản thân hệ thống mạng thông tin của chúng ta vẫn còn có những sơ hở.” Tướng công an Trần Ðại Quang trả lời “băn khoăn” của đại biểu trong phiên điều trần chiều ngày 14 tháng 6, 2012.
Trong cuộc điều trần này, ông Quang cho biết, dựa theo thông tin từ các công ty bảo mật thông tin thế giới, “Việt Nam là một trong 5 nước đứng đầu về tỷ lệ phát tán thư rác, xếp thứ 12 thế giới về mức độ đe dọa bị tấn công bằng mã độc và đứng thứ 33 về hệ thống máy chủ bị lợi dụng lừa đảo trực tuyến, xếp thứ 45 về mức độ đe dọa máy tính bị nhiễm phần mềm điều khiển của tin tặc.”
Những cá nhân, tổ chức vận động dân chủ hóa Việt Nam ở hải ngoại bị Hà Nội gọi là “thế lực thù địch.” Những cá nhân và tổ chức người Việt ở trong nước bị gọi là “phản động” nếu họ viết bài, đưa tin trái với các thông tin đã bị hệ thống thông tin của nhà cầm quyền bóp méo hoặc bị che giấu.
Hoa Kỳ, Liên Âu và các tổ chức bảo vệ nhân quyền, tự do thông tin quốc tế thường xuyên đưa ra các bản phúc trình tố cáo chế độ Hà Nội nói một đàng làm một nẻo. Tuy Hiến Pháp công nhận quyền tự do thông tin, quyền tự do phát biểu và hội họp nhưng luật lệ thì có những điều khoản mơ hồ để bỏ tù người dân can đảm phát biểu trái chiều.
Bộ Ngoại Giao CSVN luôn luôn phủ nhận các cáo buộc của chính phủ Quốc Hội các nước cũng như của các tổ chức quốc tế khi bị lên án dù có các bằng chứng hiển nhiên.
Tháng 4 năm 2011, chế độ Hà Nội đã kết án Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ về các bài viết, ý kiến, trả lời phỏng vấn của ông phổ biến trên Internet kêu gọi đa nguyên đa đảng, tố cáo ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vi luật, vi hiến.
Mới đây nhất, Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện đã bị phá sập blog xuandienhannom.blogspot.com và nhà cầm quyền cho một số tay sai tới áp lực ông phải dẹp blog tại cơ quan ông phục vụ. Ông cũng bị Sở Thông Tin Truyền Thông và công an Hà Nội đe dọa tù tội nếu ông tiếp tục viết blog và đưa ra các tin tức bất lợi cho chế độ. Tuy nhiên, ông đã lập một blog khác có tên <<www.danoan2012.blogspot.ca/ >> đã tiếp tục phổ biến những tin tức thời sự “lề trái” tại Việt Nam.
Ðầu tuần này, một văn bản mật của “Văn phòng Thủ tướng” được nhiều blogs và báo mạng “lề trái” phổ biến một số biện pháp áp dụng đối phó với TS Nguyễn Xuân Diện trước khi có những biện pháp dữ dằn hơn.
Trong cuộc điều trần ở Quốc Hội Hà Nội hôm Thứ Sáu, theo bản tin của VNEconomy, Tướng Trần Ðại Quang hé lộ cho biết nhà cầm quyền sẽ “sửa đổi Nghị định 97 về quản lý dịch vụ Internet theo hướng chặt chẽ, không để các đối tượng lợi dụng vào hoạt động xâm hại an ninh trật tự.”
Ðồng thời chế độ Hà Nội cũng sẽ làm luật mới “làm hành lang pháp lý cho việc triển khai công tác bảo đảm an ninh, ao toàn thông tin và đấu tranh phòng chống tội phạm mạng trong thời gian sắp tới.”
Một bản dự thảo sửa đổi nghị định 97/2008/NÐ-CP “quản lý Internet” trong đó, những người sử dụng Internet từ Việt Nam phải khai tên thật, để công an có thể dễ dàng bắt giữ, bỏ tù những người công khai chống đối chế độ.
Phóng ảnh chỉ thị mật của ông Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đối phó với Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện, chỉ blogwww.xuandienhannom.Blogspot.com. (Hình: Internet)
Năm 2010, Thứ trưởng Công an Tướng Vũ Hải Triều nói trong một cuôc họp báo là công an CSVN đã phá sập hơn 300 trang mạng, blogs cá nhân. Thời gian trước đó, nhiều báo và hàng loạt trang blog cá nhân cũng bị đánh sập.
Hàng loạt hộp thư điện tử của cá nhân hay của ban biên tập nhiều báo mạng cũng bị xâm nhập, bị lấy mật khẩu, bị “nhái” v.v… để gửi thư rác và mã độc đến những người quan hệ, đến các blos và báo nói trên. Một số báo mạng đã đưa ra các bằng chứng cho thấy những kẻ tấn công đến từ những số IP, những thuê bao từ Viettel, từ Fpt và cả từ Bộ Công An.
Mạng Google cũng từng thông báo rằng, tin tặc nguồn gốc từ Việt Nam đã cài mã độc vào phần mềm viết tiếng Việt miễn phí làm cho các máy tải xuống phần mềm này bị virus và bị tin tặc điều khiển, ra lệnh tấn công vào các trang web kể trên.
Dù vậy Bộ Ngoại Giao Việt Nam nhiều lần chối rằng, “không có đủ bằng chứng.” (TN)

Không có nhận xét nào: